Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích hơn 8.500ha thuộc địa bàn một số xã của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Tại đây, hiện có 100 người tham gia phòng cháy chữa cháy rừng xuyên suốt 24/24.
Dưới cái nắng cháy da của một ngày tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm các cán bộ tại đội quản lý bảo vệ rừng T21-90. Đội trưởng Nguyễn Tấn Giang chia sẻ những tháng mùa khô, cán bộ quản lý bảo vệ rừng không ngày nghỉ cố định, có khi cả tháng không thấy mặt vợ, con. Họ phải thay phiên trực 24/24 tại rừng, trừ khi có việc quan trọng mới được nghỉ phép. Những tháng này, anh em chỉ được tranh thủ về nhà vào ban đêm và có mặt ở đơn vị trước 7h sáng.
Đội T21-90 có 4 cán bộ, được giao bảo vệ, quản lý hàng hơn 670ha rừng tràm. Tại đây, các cán bộ bảo vệ rừng cùng ở, sinh hoạt như một gia đình. Họ tự trồng rau, nuôi cá để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đúng 7h sáng, ai đến ca trực chòi gác thì người đó làm nhiệm vụ, số khác tham gia tuần tra rừng, những người còn lại thì dọn dẹp nơi ở, chuẩn bị nấu cơm.
"Thông thường, 8h chúng tôi sẽ ăn cơm để chuẩn bị khi có tình huống bất ngờ thì luôn sẵn sàng", ông Giang cho hay.
Ngoài nhiệm vụ quan trọng nhất là "canh lửa", các cán bộ của 11 đội quản lý bảo vệ rừng còn thay phiên tuần tra để phát hiện, ngăn chặn các hành vi phá hoại, săn bắt động vật hoang dã. Ngoài cán bộ của Vườn quốc gia, từ 7-12h hàng ngày còn có 8 hộ dân tham gia trực chòi quan sát tại bốn điểm trên khu vực rừng thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi.
Đang loay hoay dưới bếp chuẩn bị buổi cơm chiều, "lính i" Phan Văn Muội quê ở huyện Đầm Dơi, chia sẻ: "Tôi mới vào đây hơn tháng, những ngày đầu không quen đi rừng tuần tra về cả người tôi ê ẩm không ngủ được. Nhưng nhờ anh em động viên, chỉ bảo nên giờ thì tôi ổn rồi, cũng không còn thấy buồn".
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Quốc Việt, đội trưởng đội bảo vệ rừng 21 cho biết, điều kiện cơ sở vật chất bây giờ đã khang trang hơn chục năm trước rất nhiều. Thời điểm ông mới vào rừng, nơi ở của các đội được cất bằng cây lá thô sơ; mỗi khi đi họp ở trụ sở chính phải mất vài tiếng di chuyển bằng xuồng.
Người đàn ông 45 tuổi nhưng đã có 21 năm gắn bó với rừng tràm U Minh Hạ cho biết đội được giao quản lý, bảo vệ khu vực hơn 700ha rừng. Hơn 20 năm trước, ông xin vào công tác tại Lâm trường U Minh 3 (nay được sát nhập vào Vườn), với mức lương hơn 100.000 đồng mỗi tháng.
"Chân ướt chân ráo vào rừng nên chuyện tôi bị lạc diễn ra như cơm bữa, có khi chỉ đi vài km nhưng hơn nửa ngày ông mới về tới đơn vị. Phải mất hơn 2 năm học hỏi, tôi mới thạo đi rừng. Những ngày đầu vừa cực vừa buồn, tôi từng có suy nghĩ từ bỏ nhưng nhờ anh em động viên nên đã vượt qua", ông Việt bộc bạch.
Hơn 20 năm gắn bó với công việc "canh lửa" ông Việt trải qua nhiều sự kiện lớn, những vụ cháy kinh hoàng khiến ông nhớ mãi. "Ở đây là xứ rừng nên chuyện gặp rắn độc hay bị ong đốt là rất bình thường. Khó khăn thì luôn có nhưng cái chính là anh em phải động viên, cùng nhau vượt qua. Thương nhất là những anh em mới vào, chưa quen nên nhớ nhà lắm", ông Việt nói.
Tiếp lời người đội trường, ông Nguyễn Văn Hải, 50 tuổi, người được xem là "lão làng" ở Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết ông Hải quê gốc ở huyện Cái Nước, nhưng đã có gần 30 năm gắn bó với rừng tràm. Gần 30 năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông đến với U Minh Hạ trong sự tình cờ cùng biết bao bỡ ngỡ. Vườn Quốc gia khi đó còn là Ban Quản lý rừng đặc dụng Vồ Dơi đã "chứng kiến" thanh xuân của ông Hải với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ da diết. "Thời đó, phương tiện đi lại rất khó khăn nên mỗi lần về thăm nhà tôi phải qua mấy lượt đò, chỉ thời gian di chuyển đã mất hơn nửa ngày", ông Hải chia sẻ.
Vất vả, khó khăn là thế nhưng người cán bộ bảo vệ rừng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ anh em trong đội và lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Hạ. Sau vài năm công tác, ông đã được tạo điều kiện cất nhà gần nơi làm việc, rồi đem vợ con từ quê lên ở.
Hàng chục năm gắn bó với rừng tràm, khi hỏi ông có thấy buồn khi thường xuyên phải ở lại rừng "canh lửa", ông nói: "Tôi quen rồi, ở đây như ở nhà, có khi vắng còn thấy nhớ". Ổng Hải cho biết, hiện nay nhờ được hỗ trợ các phương tiện nên việc phòng, chống cháy rừng cũng đỡ cực. Còn ngày trước phương tiện còn thô sơ, hầu như việc dập lửa chỉ dùng sức người.
Mỗi khi xảy ra sự cố, chỉ có vài máy bơm nước, trong khi cán bộ phải liên tục đào đường băng ngăn cháy lan, một số người khác thì múc từng thùng nước dưới kênh để dập lửa. Có những vụ cháy lớn phải huy động hàng trăm người dân tham gia theo kiểu "tay đụng tay", tức là truyền nước bằng tay chứ không hề có phương tiện nào khác hỗ trợ.
Theo ông, chỉ riêng năm 1995 có không dưới 10 vụ xảy ra; còn năm 2002 ông cùng 500 người khác đã tham gia dập lửa một vụ cháy rất lớn với diện tích thiệt hại hơn một nghìn ha. Lúc này, ông cùng nhiều cán bộ phải ở xuyên suốt gần 100 ngày trong rừng để dập lửa, canh không cho đám cháy bùng trở lại. Bởi rừng U Minh Hạ có lớp than bùn rất dày, đám cháy có thể được dập phần trên nhưng vẫn âm ỉ ở dưới.
Để chủ động cho công tác phòng, chống cháy rừng, ngay từ đầu năm, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng, phân công lực lượng luân phiên túc trực canh lửa. Bên cạnh đó, Vườn đã thành lập tổ tuần tra và tổ lưu động thường xuyên hoạt động vào thời gian cao điểm, quản lý người dân ra vào rừng, đề phòng các nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt , thư ký Giải).