Hồ Quý Ly (1336 – 1407) là vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Đến nay, cuộc đời về vị vua quê ở Thanh Hoá còn nhiều tranh cãi. Nhưng cách đây mấy trăm năm, vào thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Quý Ly đã được nhận xét trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang là một truyện nằm trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện kể về cuộc trò chuyện giữa Hồ Quý Ly trong đêm ở rừng với hai người lạ. Hai người lạ này là do cáo và vượn già biến hoá thành.
Đà Giang được chú thích là châu đời nhà Trần, gồm khu vực hai bên tả, hữu sông Đà, tương đương với miền tây tỉnh Sơn Tây và miền đông tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình ngày nay.
Chuyện kể vào thời vua Trần Phế Đế có niên hiệu Xương Phù. Vua Phế Đế cai trị đất nước từ năm 1377 đến khi bị phế vào năm 1388, là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Trần. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá Trần Phế Đế: “Đế u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được”.
Chuyện kể năm Bính Dần (1386), vua Trần Phế đế đi săn, đỗ lại trên bờ bắc sông Đà, đêm mở bữa tiệc ở trong trướng. Trong chuyến đi này có Hồ Quý Ly. Như chúng ta đã biết, Hồ Quý Ly thời vua Phế Đế có quyền lực rất lớn trong triều. Hồ Quý Ly có hai người cô ruột là vợ của vua Trần Minh Tông – vị hoàng đế thứ 5 của nhà Trần.
Cáo và vượn già sợ mình sẽ nguy mất, để ý thấy trong đám đi theo hầu vua “phần nhiều là võ nhân, bụng không bác vật như Trương Hoa, mắt không cao kiến như Ôn Kiệu, vậy chắc không việc gì mà sợ”, tức không ai biết nhìn người, không mấy tài giỏi, nên đã hoá “làm hai người đàn ông mà đi, một người xưng là tú tài họ Viên, một người xưng là xử sĩ họ Hồ”.
Hai người này đến gõ cửa hành cung, nhờ nội thị chuyển lời đến vua là không nên săn bắn, tranh phần việc của người khác, trong khi “thánh nhân trị vì, càn khôn trong sáng, minh vương sửa đức, chim muông hòa vui. Nay chúa thượng đương kỳ thái hạnh, làm chủ dân vật”.
Vua Phế Đế lúc này say rượu nên sai thủ tướng Hồ Quý Ly tiếp đãi. Gặp Hồ Quý Ly, người họ Hồ nói với Hồ Quý Ly: “Đương mùa hạ mà giở những công việc khổ dân, là không phải thời, giày trên lúa để thỏa cái ham thích săn bắn là không phải chỗ; quanh đầm mà vây, bọc núi mà đốt, là không phải lẽ, ngài sao không tâu với thánh minh, tạm quay xa giá, để khiến người và vật đều được bình yên…
Đó là tôi thương những giống chim hèn muông yếu và xin nài cho chúng. Chứ còn những giống tinh khôn lanh lẹn thì tự nhiên chúng biết xa chạy cao bay đàng nam núi Nam, đàng bắc núi Bắc, há chịu trần trần một phận ấp cây đâu!”.
Hồ Quý Ly trả lời: “Nhà vua đi chuyến này, không phải vì ham thích chim muông, chỉ vì nghe ở đây có giống hồ tinh nghìn tuổi, nên ngài muốn đại cử đến để tiễu trừ, khiến loài yêu gian không thể giở trò xằng bậy được, còn các loài khác không can dự gì”.
Qua cách trả lời này, ta thấy Nguyễn Dữ để Hồ Quý Ly vào thế là người mê tín dị đoan, không biết can gián vua chăm lo cho dân, lại cùng vua vào rừng săn bắn loài hồ tinh nghìn tuổi không có thật.
Người họ Hồ phân tích cho Hồ Quy Ly thấy rằng, Chế Bồng Nga - vua Chiêm Thành đang quấy nhiễu biên cương, nhà Minh thì sách nhiễu, trong nước cũng chưa được yên ổn. Rồi nói tiếp:
“Sao không giương cái cung thánh nhân, tuốt lưỡi gươm thiên tử, lấy nhân làm yên khấu, lấy nghĩa làm chèo lái, lấy hào kiệt làm nanh vuốt, lấy trung tín làm giáp trụ, cẩn thận lồng cũi để giá ngự những tướng khó trị, sửa chuốt cung tên để dọa nạt những nước bất phục, tóm bắt giặc giã, đóng cũi về, khiến cho gần xa quang sạch. Cớ sao bỏ những việc ấy không làm, lại đi lẩn quẩn ở công việc săn bắn dù được chim muông như núi, chúng tôi cũng lấy làm không phục”.
Hồ Quý Ly không biết trả lời làm sao, tức giận nói: “Ta từng tranh luận với người Trung Hoa, người Chiêm, chưa hề chịu khuất lý bao giờ, thế mà nay phải lúng túng với các gã này. Các gã nếu chẳng phải yêu núi ma rừng thì sao nói năng được nhọn sắc như vậy!”.
Hai người là cáo và vượn già hoá thành, trách Hồ Quý Ly: “Ông là thủ tướng đáng lẽ nên tiến dẫn nhân vật để làm đồ dùng cho quốc gia, cớ sao lại ghen người hiền, ghét người tài, há phải là cái nghĩa ở trong Kinh Thư đã nói: “Kẻ khác có tài, coi như ta có!”. Sau đó, hai người này đọc thơ rồi ra về. Hồ Quý Ly cho người theo sau, “khi gần đến lưng chừng núi, thấy cả hai hóa làm con cáo và con vượn mà đi biến mất”.
Cuối truyện có lời bình: “Than ôi! Trời đất sinh ra mọi loài mà riêng hậu đối với loài người, cho nên người ta là giống khôn thiêng, hơn muôn vật. Tuy phượng hoàng là giống chim thiêng, kỳ lân là giống thú nhân, cũng chỉ là loài vật mà thôi. Cuộc nghị luận ở Đà Giang, cớ sao loài người mà lại phải chịu thua loài vật? Cái đó là vì có duyên cớ. Bởi Quý Ly tâm thuật không chính, cho nên giống yêu quái ở trong loài vật mới có thể đùa cợt như vậy”.
Qua truyện này, ta thấy Nguyễn Dữ phê phán Hồ Quý Ly. Coi Hồ Quý Ly có tâm thuật không chính. Như chúng ta đã biết, Nguyễn Dữ sinh sau Hồ Quý Ly trong khoảng trên dưới 100 năm (?), nên Nguyễn Dữ đương nhiên biết được việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Có lẽ trong mắt nhà nho, Nguyễn Dữ lên án việc cướp ngôi này.
Đến hôm nay, đánh giá về Hồ Quý Ly vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng qua câu chuyện kỳ quái này của Nguyễn Dữ, chúng ta có thêm một góc nhìn khác về Hồ Quý Ly. Đặc biệt, góc nhìn này chỉ cách sau thời Hồ Quý Ly không lâu.