Ngày 15/5, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo Khởi động và triển khai kế hoạch Dự án "tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại tỉnh Lâm Đồng.
Dự án do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai thực hiện trong 4 năm (từ 2021 - 2024) tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Bến Tre, Tiền Giang.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng đang chịu nhiều áp lực, trong đó lượng rác thải sinh hoạt gia tăng, nước sinh hoạt, chất thải từ hoạt động trồng trọt, chế biến lâm sản, nước thải từ các làng nghề... Hơn nữa, các loại chất thải chưa được thu gom và xử lý chưa đảm bảo an toàn về môi trường, do đó đã gây ô nhiễm suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.
Quá trình triển khai tại tỉnh Lâm Đồng, dự án được thực hiện tại 9 phường, xã, thị trấn ở: Phường 8, 9, 12 (TP Đà Lạt); xã Liên Hiệp, xã Hiệp Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) và xã Đạ Kho, xã Triệu Hải, thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh). Dự án được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước giải quyết việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, từ đó giảm phát thải nhà kính".
Được biết, tại tỉnh Lâm Đồng, từ đầu tháng 3 đến thời điểm hiện tại, Hội đã tổ chức được 24 lớp tập huấn về kỹ thuật lên men thức ăn cho gia súc, xử lý rác thải làm phân hữu cơ, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Trong quý 3 và quý 4 năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế.
Theo Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, hiện nay 100% cơ sở Hội trên địa bàn huyện đã xây dựng và đang duy trì 48 mô hình nông dân bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại huyện Đạ Tẻh có 15 mô hình thu gom vỏ lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; 2 mô hình đổi rác lấy quà; 3 mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi trâu, bò tại 2 cơ sở Hội/90 hộ; 4 mô hình xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình tại 4 cơ sở Hội.
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh có hơn 7.000 hội viên, 9 cơ sở trực thuộc, mỗi cơ sở Hội với những cách làm khác nhau, phù hợp với từng địa bàn để phát huy được lợi thế của địa phương trong công tác xây dựng và bảo vệ môi trường.
Những việc làm thiết thực, hiệu quả thực tế mà các mô hình đem lại có ý nghĩa rất lớn, có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng sâu rộng, kêu gọi nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng làng xanh, ngõ sạch, đường đẹp. Qua đó khẳng định được vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc chung tay bảo vệ môi trường.