Năm học 2023-2024, TP.HCM có 96.080 nguyện vọng đăng ký vào lớp 10 (hệ thường) ở các trường THPT. Tổng chỉ tiêu của các trường THPT công lập là 77.294, như vậy, sẽ có gần 19.000 thí sinh "mất suất" vào trường công.
Theo công bố của Sở GDĐT TP.HCM, hệ thống trường THPT, Trung tâm GDTX-GDNN, Phân hiệu GDTX và trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 với khoảng 51.000 chỉ tiêu.
Như vậy, gần 19.000 thí sinh không thể vào lớp 10 công lập và khoảng 13.000 (học sinh không đăng ký thi vào lớp 10), hệ thống ngoài công lập có thể đáp ứng đủ chỗ học. Tuy nhiên, về vấn đề học phí trường THPT ngoài công lập không phải phụ huynh nào cũng có thể kham nổi.
Theo đó, ở top các trường THPT ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài, trường quốc tế... có mức phí cao nhất có thể kể đến Trường Quốc tế Mỹ có học phí 65 triệu/tháng; Trường Quốc tế Bắc Mỹ với học phí 57,9 triệu/tháng; Trường Quốc tế APU có học phí 53 triệu/tháng; Trường Nam Úc có học phí 450 triệu/năm (tương đương 50 triệu/tháng trong 9 tháng); Trường Việt Úc có mức học phí 38,3 triệu/tháng; Trường Emasi Nam Long có học phí 30,3 triệu/tháng; Trường Mùa Xuân học phí 28,6 triệu/tháng; Trường Emasi Vạn Phúc có học phí 27,5 triệu/tháng...
Ngoài các khoản học phí nêu trên, học sinh còn phải đóng thêm nhiều khoản khác như nội trú, bán trú... tùy từng trường và lựa chọn của phụ huynh.
Ở phân khúc thấp, TP.HCM cũng có hàng loạt các trường THPT tư thục có mức học phí 2 buổi/ngày "dễ thở" dưới 5 triệu đồng/tháng như Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm (3,7 triệu/tháng); Đào Duy Anh (2,2 triệu/tháng); Nguyễn Khuyến (3,4 triệu/tháng); Đức Trí (4,4 triệu/tháng)...
Thấp hơn nữa, một số trường có học phí 2 buổi dưới 2 triệu đồng/tháng như Trường Đông Á (1,5 triệu/tháng); Trường Nam Việt (1,3 triệu/tháng), Phú Lâm (1,7 triệu/tháng); Lý Thái Tổ (1,4 triệu/tháng); Trí Đức (1,39 triệu/tháng); Đông Á (1,5 triệu/tháng)...
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, học phí là khoản tiền cố định phải đóng khi học sinh đi học. Ngoài học phí, phụ huynh còn phải đóng rất nhiều các chi phí khác như đồng phục, sách vở, bảo hiểm, chi phí các hoạt động...
Trao đổi với Dân Việt, phụ huynh X.D (ngụ quận 12, TP.HCM) có con chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 cho biết, không chỉ con chịu áp lực chuyện học hành thi cử, mà bản thân phụ huynh cũng rất lo lắng.
Theo ông D., con ông đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT THPT Võ Trường Toản, năm nay trường có 720 chỉ tiêu, số nguyện vọng đăng ký là 1.213, tỷ lệ chọi 1/1,68. Để chuẩn bị cho kỳ thi, con của ông học ngày học đêm; rời khỏi trường là đi học thêm, rời nơi học thêm về nhà cũng học đến 12h giờ khuya, thậm chí học tới 2-3h sáng.
"Trong 1.213 học sinh đăng ký vào trường, sẽ có 483 em không đậu nguyện vọng 1. Các con có cơ hội ở nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, nhưng không chắc sẽ vào được công lập hết. Vì gia đình không có điều kiện, nếu không vào được trường THPT công lập không biết sẽ xoay xở ra sao để cho con học tiếp ở trường THPT ngoài công lập", ông D. thở dài.
Được biết, hoàn cảnh của ông D. khá khó khăn, ông D làm thợ "đụng", ai thuê gì làm đó. Vợ ông D. làm công nhân nhưng nhiều tháng nay do giảm đơn hàng, công việc lúc có, lúc không. Ngoài con trai đang học lớp 9, gia đình còn 2 người con đang học lớp 6 và lớp 3.
Bà T.T.H (ngụ quận Gò Vấp) cũng chia sẻ, việc thi cử là cần thiết để học sinh có ý chí, phấn đấu học tập tốt. Tuy nhiên, việc phân luồng tới 30% sau THCS vào học các trường THPT ngoài công lập, Trung tâm GDNN-GDTX, trường nghề... cũng gây ra không ít khó khăn, áp lực cho phụ huynh nghèo.
"Với những gia đình thu nhập thấp, chúng tôi chỉ mong con cái được vào học trường công để giảm bớt chi phí. Nhưng đâu phải con ai cũng học tốt, học giỏi, nếu lỡ không đậu thì khó để học tiếp hệ ngoài công lập. Nói thật, xem chi phí trường tư cấp độ thường thường cũng thấy choáng váng rồi, nói chi các trường tốt. Mà mới 15 tuổi cho đi học nghề, đi làm thì thấy xót xa quá", bà H. chia sẻ.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2023 tại TP.HCM được tổ chức vào ngày 6 và 7/6. Thí sinh làm ba bài thi môn Toán, Ngữ văn (120 phút) và Ngoại ngữ (90 phút). Năm nay, tổng nguyện vọng đăng ký vào lớp 10 thường ở trường THPT là 96.080.
Như nhiều năm học trước, năm học 2023-2034, TP.HCM sẽ phân luồng 70% học sinh sau THCS tiếp tục theo học lớp 10 THPT công lập; 30% học sinh còn lại không theo học lớp 10 THPT công lập sẽ có những hướng học khác như học THPT ngoài công lập, GDNN-GDTX, học trung cấp nghề.