Theo dõi quá trình ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp tại Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Đức Long – chuyên gia tư vấn Phát triển tổ chức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Quản trị chiến lược, trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đánh giá quá trình sử dụng công nghệ là quá trình không dễ dàng.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi mua các phần mềm quản trị công nghệ đều phải bỏ đi sau hai năm vận hành. Có điều này là do công nghệ liên quan đến vận hành và hệ thống. Nếu như công nghệ không liên quan đến vận hành thì chi phí sản xuất sẽ bị nâng cao lên, dẫn đến quá trình vận hành không hiệu quả.
"Giữa công nghệ và vận hành phải có mối liên quan với nhau. Nếu công nghệ chậm quá sẽ không phát huy được hiệu quả. Thế hệ Gen Z khi làm việc tại các công ty thường sớm nghỉ việc do công nghệ lạc hậu của công ty không đáp ứng được yêu cầu của công việc được giao. Do đó công nghệ mà không theo kịp con người thì con người sẽ từ bỏ.
Ngược trở lại, con người mà không theo kịp công nghệ thì sẽ dẫn đến chi phí vận hành rất cao. Vì thế, con người, công nghệ, văn hoá và hệ thống vận hành của doanh nghiệp phải tương thích với nhau", Tiến sĩ Đỗ Đức Long chia sẻ.
Thực tế hiện nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nhưng thường gặp thất bại. Lý giải về điều này, Tiến sĩ Đỗ Đức Long cho rằng, đằng sau quá trình hỗ trợ công nghệ trong sản xuất là mức tăng từ 4 đến 5 lần chi phí sản xuất. Hầu hết, các doanh nghiệp đều bỏ ra rất nhiều tiền để mua công nghệ. Thế nhưng lại thiếu đi nguồn đầu tư cho con người để có thể vận hành tối đa và khai thác hiệu quả công nghệ đó. Từ đó, việc doanh nghiệp mua công nghệ tốt cũng trở nên vô nghĩa.
Thêm nữa, khái niệm chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được nghiên cứu và diễn ra rất nhiều. Tuy nhiên quá trình trưởng thành số của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Điều này có nghĩa là chúng ta nói thì rất nhiều nhưng sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong sử dụng công nghệ từ văn hoá tiếp nhận, kỹ năng của nhân viên đến hệ thống vận hành, tương thích với công nghệ là không có. Theo nghiên cứu của thế giới thì kĩ năng số của lao động Việt Nam đứng thứ 97/100 so với thế giới.
Cũng theo nhận định của Tiến sĩ Đỗ Đức Long, việc chuyển đổi số ngay cả trên thế giới cũng thất bại rất nhiều. Bởi lẽ chuyển đổi số phải đúng thời điểm mới có thể chuyển đổi được. Vì thế, thuật ngữ trưởng thành số mới là điều gần gũi và thiết thực hơn với doanh nghiệp. Sự trưởng thành này cho phép doanh nghiệp thích ứng với nền kinh tế số và xã hội số. Như vậy, cách doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cần nắm được hai yếu tố là tốc độ và sự xuất sắc.
Trong nền kinh tế số như hiện nay thì mọi hoạt động thiếu tốc độ đều trở nên vô nghĩa. Đó là yêu cầu chung đặt ra với mọi doanh nghiệp dù nhỏ nhất cũng phải làm quen với điều này. Đồng thời, sự xuất sắc cũng là yếu tố cần thiết. Nếu như trước đây, chỉ cần một cái đầu xuất sắc là đã có thể chèo lái, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp thì giờ đây cần phải có một hệ thống xuất sắc, một tập thể đồng đều và vững mạnh.
Hiện nay, quá trình chuyển đổi số khiến doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều. Từ chỗ lấy lãnh đạo làm trung tâm thì giờ đây doanh nghiệp phải lấy nhân viên làm trung tâm. Sự vận hành tối ưu này đòi hỏi tất cả sự tham gia của con người trong một tổ chức, doanh nghiệp. Lãnh đạo giỏi không phải là người có cái đầu khôn ngoan mà phải là người có khả năng huy động sự nỗ lực, sáng tạo của tất cả con người trong tổ chức. Từ đó, đưa tất cả mọi người thích ứng với quá trình số hoá.
Theo Tiến sĩ Đỗ Đức Long, để một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì yếu tố con người là quan trọng nhất. "Chúng ta vẫn thường nói về xã hội số, về công nghệ 4.0… nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là con người. Chúng ta chỉ nói về công nghệ mà yếu tố con người không được nhắc tới thì mọi thứ đều vô nghĩa. Con người phải làm chủ được công nghệ. Nếu con người ở trình độ thấp thì không cần phải nói đến công nghệ. Vì công nghệ không thể dẫn dắt được con người.
Về lâu dài, sự tối ưu hoá vận hành của doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi quản trị doanh nghiệp và văn hoá doanh nghiệp mới là trọng tâm của vấn đề. Có thể lấy ví dụ về Microsoft. Khi Microsoft chuyển đổi số thành công thì họ thấy rằng bản chất của quá trình chuyển đổi số là quá trình tái cơ cấu liên tục trong tổ chức. Quá trình này sẽ đảm bảo được mô hình quản trị, tư duy quản trị và con người trong hệ thống thích ứng với công nghệ. Từ đó, công nghệ kích thích quá trình sản xuất và tạo ra những giá trị vượt trội".
Hiện nay, thế hệ Gen Z là nguồn lao động chính trong mỗi doanh nghiệp. Đây là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong kỉ nguyên số. Do đó, nếu doanh nghiệp không thay đổi tư duy và không coi trọng con người thì sẽ không có nhân sự vận hành trong quá trình chuyển đổi số. Đây là thách thức của toàn bộ các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Trong kỉ nguyên số, nếu doanh nghiệp không thích ứng với văn hoá số thì doanh nghiệp không thể bán hàng cho khách hàng và cũng không có nhân viên chạy công nghệ. Năng lực tổ chức của doanh nghiệp không lớn lên theo công nghệ thì không có chuyện chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp. Vì thế, nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công thì tư duy của doanh nghiệp phải thực sự thay đổi. Cùng với đó, người lao động phải là được tôn trọng, văn hoá doanh nghiệp phải tử tế. Doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công khi thích ứng nhanh, tạo ra giá trị vượt trội và phải thu hút được đối với nhân sự là Gen Z.