Dân Việt

Ủy ban châu Âu sắp thanh tra tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Bình Thuận

Bùi Phụ 17/05/2023 12:13 GMT+7
Ngày 17/5, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã sẵn sàng cho Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu đến làm việc và thanh tra tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Theo kế hoạch, từ ngày 24 - 31/5, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam, sau đó đến Bình Thuận. Đây là lần thứ 4 Đoàn Thanh tra EC thanh tra về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khắc phục các tồn tại theo khuyến nghị của EC ở Việt Nam.

Ủy ban châu Âu sẽ thanh tra tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Dự kiến, Đoàn Thanh tra EC sẽ làm việc với tỉnh Bình Thuận và Ban chỉ đạo phòng chống IUU tỉnh; Đoàn kiểm tra thực tế tại cảng cá và làm việc với Văn phòng kiểm tra, thanh tra, kiểm soát. Đặc biệt, Đoàn Thanh tra EC sẽ kiểm tra những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn cả nước và thời gian qua ngành thủy sản đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát các ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ "thẻ vàng" EC.

Liên tục thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tăng cường, kiểm soát chặt chẽ tàu cá của các tỉnh khác, thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá địa phương khác không đủ các điều kiện theo quy định, không để các tàu cá này tham gia hoạt động khai thác dẫn đến vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Theo tìm hiểu của Dân Việt, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã mở hàng trăm cuộc tuyên truyền, tổ chức phổ biến các văn bản quy định của pháp luật về khai thác thủy sản cho hàng nghìn ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Mới đây nhất là ngày 16/5, Đồn Biên phòng Mũi Né phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận tuyền truyền cho bà con trên địa bàn phường Mũi Né, TP. Phan Thiết.

Tại buổi tuyên truyền, các chuyên gia đã giới thiệu, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác đánh bắt hải sản trên biển. Đặc biệt là những quy định của pháp luật trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp…

Qua những cuộc tuyên truyền này đã giúp ngư dân nâng cao về nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay gỡ "thẻ vàng" để bà con ngư dân chủ động phòng tránh, chấp hành tốt hơn trong quá trình khai thác đánh bắt hải sản trên biển.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng chống khai thác IUU đối với doanh nghiệp có hoạt động thu mua nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Đoàn kiểm tra do Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Bình Thuận chủ trì và kiểm tra trong 3 ngày, từ ngày 15 - 18/5/2023 đối với 5 doanh nghiệp: Công ty TNHH Hải Nam, Công ty TNHH Hải Triều, Công ty TNHH thủy hải sản Hai Wang, Công ty TNHH Bex và Công ty TNHH Hải Thuận.

Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc thủy sản theo chuỗi và thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4.

Ủy ban châu Âu sẽ thanh tra tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Ngư dân nuôi thủy sản trên vùng biển Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Thực hiện theo chỉ đạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Việc kiểm tra trên là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/2023 về ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU; Công điện khẩn số 2676/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trọng tâm là kiểm tra hệ thống quản lý hồ sơ xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp; quy trình quản lý nguyên liệu đầu vào và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; đối chiếu hồ sơ kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác của doanh nghiệp với hồ sơ theo dõi nguyên liệu từ khai thác của cơ quan quản lý.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện tại tỷ lệ tàu trên 15 mét lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã đạt 99,4%. Công tác cấp xác nhận, chứng nhận thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc đúng quy định. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giám sát tàu cá để quản lý, theo dõi đội tàu, ngăn chặn những tàu cá vượt ranh giới cho phép cũng như kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của tàu cá hoạt động trên biển…

Ủy ban châu Âu sẽ thanh tra tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Tàu thuyền hoạt động trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình tỉnh Bình Thuận cùng với 3 tỉnh khác (Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang) còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan.

Việc chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được các cấp, các ngành quan tâm và nỗ lực thực hiện.

Nếu không gỡ được "thẻ vàng", không chỉ đời sống của ngư dân ven biển bị ảnh hưởng, mà kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ tiếp tục giảm, ngành thủy sản nuôi trồng cũng gián tiếp bị ảnh hưởng nặng...

1 tàu vi phạm nhiều người kiểm điểm

Vào thời điểm cuối tháng 4/2023, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ký văn bản (1419 –UBND -KT) gửi Sở NNPTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nội vụ và UBND huyện Hàm Tân yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm vì còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Văn bản nêu rõ, qua báo cáo của Sở NNPTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận về vụ việc tàu cá trên địa bàn xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài và bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ ngày 14/1/2023, ngày 2/2, Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) có Công văn gửi tỉnh Bình Thuận đề nghị xác minh tàu cá mang số hiệu BTh-96328-TS bị Malaysia bắt giữ.

img

Ngư dân nuôi thủy sản trên vùng biển Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Thông tin xác minh ban đầu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, chủ tàu cá BTh-96328-TS bị bắt trên là bà Trần Thị Ngọc Linh (SN 1972) địa chỉ thường trú tại thôn Đá Mài, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Tàu có chiều dài 14,85 mét, công suất 290 Kw, hoạt động nghề câu nhưng tàu này thường xuyên hoạt động, lưu trú tại các vùng biển ở các tỉnh Tây Nam Bộ.

Ngày 5/1/2023 vừa qua, tàu này xuất bến tại biển Gành Hào (Bạc Liêu), trên tàu lúc này có 7 lao động do Nguyễn Quý Phi (con bà Linh) làm thuyền trưởng.

Khoảng hơn 1 tuần sau, tàu bị mất liên lạc và bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ ngày 14/1. Tại thời điểm xuất bến tại Gành Hào, Bạc Liêu, tàu hết hạn đăng kiểm, không đủ điều kiện hoạt động trên biển…