Bệnh viện Việt Đức đã khám và tư vấn điều trị cho nhiều bệnh nhân bị cong vẹo cột sống. Đáng tiếc, nhiều trường hợp đến viện điều trị muộn nên tình trạng cột sống bị cong vẹo, gù gập, tổn thương nặng nề.
Một bệnh nhân là N.N (16 tuổi, trú tại Bắc Ninh), đến khám trong tình trạng góc vẹo cột sống của bệnh nhân lên đến 120 độ, ảnh hưởng chức năng hô hấp, rối loạn thông khí phổi.
Người nhà cho biết, sau một cơn sốt, các chi của bệnh nhi bị nhũn ra và được gia đình phát hiện cong vẹo cột sống từ năm hai tuổi. Bệnh nhân được một bệnh viện chuyên khoa chẩn đoán viêm đa dễ dây thần kinh.
Tuy nhiên, bệnh nhân chưa được điều trị để giảm bớt tình trạng cong vẹo cột sống. Hơn 10 năm nay, bệnh nhi phải sống trong tình trạng gù gập, xương sống nhô lên như bướu lạc đà.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống (Bệnh viện Việt Đức), người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân N chia sẻ, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nhưng cần phải tính toán và hội chẩn chi tiết để đưa ra phương án tốt nhất cho người bệnh. Để đi đến được việc phẫu thuật, bệnh nhân cần phải kiểm tra thêm về chức năng phổi, tim mạch, làm thêm các xét nghiệm để các bác sĩ hội chẩn tìm ra nguyên nhân cũng như đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Theo Tiến sĩ Long, nếu đủ điều kiện về sức khoẻ để phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải trải qua 2 ca phẫu thuật: Một lần phẫu thuật để làm cột sống mềm dẻo hơn và sau đó phẫu thuật nắn chỉnh thẳng hơn.
Tuy nhiên, ca phẫu thuật dù thành công cũng không có nghĩa là cột sống bệnh nhân sẽ được thẳng như người bình thường vì góc cong của cột sống quá lớn, nhưng nếu không được phẫu thuật sớm tình trạng chèn ép vào dây thần kinh có thể gây ra liệt cho bệnh nhân.
Một bệnh nhi khác là T.S (4 tuổi, trú tại Quảng Ninh) bị cong vẹo cột sống, lồng ngực lõm, 2 vai bất đối xứng, chức năng hô hấp rối loạn. Trên người cháu có nhiều nốt chàm, dị tật vùng xương ức.
Do đó, bác sỹ chỉ định cháu cần khám thêm chuyên khoa tim mạch, phổi, di truyền học, đồng thời làm thêm các xét nghiệm để xem xét tìm ra ra căn nguyên…
Theo TS Long, với trẻ 4 tuổi bị cong vẹo cột sống bẩm sinh cần theo dõi sát, nếu không sau này phổi kém phát triển. Việc gia đình phát hiện sớm đưa cháu đến khám kịp thời sẽ giúp tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho cháu.
"2 bệnh nhân trên là những trường hợp điển hình cho bệnh cong vẹo cột sống. Đáng tiếc nhiều gia đình phát hiện ra con bị cong vẹo quá muộn và bỏ qua giai đoạn vàng để can thiệp", TS Long chia sẻ.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống (Bệnh viện Việt Đức) cũng cho biết, số trẻ em bị cong, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 đến 1% dân số.
Có đến 80 - 85% trường hợp bị cong, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.
"Việc phát hiện cong vẹo cột sống ở trẻ em sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực, gây ra thiểu sản lồng ngực, phế nang, gây suy hô hấp, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng các cháu.
Nếu nhẹ hơn bệnh có thể gây ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý của trẻ. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng hơn, tránh được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ", PGS Sơn khuyến cáo.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, cong vẹo cột sống là tình trạng khi đường cong cột sống từ 10 độ trở lên. Bình thường cột sống của con người thẳng, nếu cong dưới 10 độ có thể chấp nhận được trong giới hạn sinh lý.