Ăn ốc biển bị ngộ độc, hai vợ chồng tê bì chân tay, đi lại khó khăn

Diệu Linh Thứ tư, ngày 17/05/2023 06:11 AM (GMT+7)
Hai vợ chồng rủ nhau đi ăn ốc và bị ngộ độc, nhập viện với tình trạng tê lưỡi, tê bì chân tay, khó đi lại, chóng mặt.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu hai trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc sau khi vô tình ăn phải loại ốc biển có độc tính. 

Hai bệnh nhân là anh Phùng V. X (42 tuổi) và chị Trần T. T (35 tuổi) cùng trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long. 

Theo chia sẻ của chị Trần T. T, 1 ngày trước khi nhập viện, hai vợ chồng cùng đi ăn ốc buổi tối, sau ăn cả hai bệnh nhân cảm thấy tê lưỡi, tê đầu môi, tê bì chân tay, sáng ngủ dậy xuất hiện tình trạng chóng mặt, đi lại khó khăn nên lập tức đến bệnh viện cấp cứu. 

Ăn ốc biển bị ngộ độc, hai vợ chồng tê bì chân tay, đi lại khó khăn - Ảnh 1.

Hai bệnh nhân bị ngộ độc ốc biển có độc tính được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh BVCC

Ngay khi tiếp nhận cấp cứu và xác định tình trạng các bệnh nhân bị ngộ độc hải sản - ốc biển, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị thải độc và hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau 5 ngày tình trạng sức khỏe hai bệnh nhân hồi phục tốt, được xuất viện.

Ốc biển là nguyên liệu hải sản phổ biến trong ẩm thực, được nhiều thực khách yêu thích, sử dụng. Tuy nhiên một số loài ốc biển như ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc bùn… có độc tố có khả năng gây ngộ độc. 

Chất độc của ốc biển thường có hai loại chính là Saxitoxin và Tetrodotoxin. Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. 

Ăn ốc biển bị ngộ độc, hai vợ chồng tê bì chân tay, đi lại khó khăn - Ảnh 2.

Biểu hiện thường gặp trên các bệnh nhân ngộ độc hải sản như so biển, ốc biển thường là tê môi, lưỡi, tay, chân, chóng mặt, nôn, đau bụng, tiêu chảy,… (Các bác sĩ khám cho bệnh nhân Phùng V. X. Ảnh BVCC)

Bác sĩ Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: “Ngộ độc một số loại hải sản thì các triệu chứng từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào lượng độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, thời gian chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Biểu hiện thường gặp trên các bệnh nhân ngộ độc hải sản như so biển, ốc biển… chúng tôi từng tiếp nhận đó là tê môi, lưỡi, tay, chân, chóng mặt, nôn, đau bụng, tiêu chảy,…

Ngộ độc nặng bệnh nhân có thể bị khó thở, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, liệt cơ hô hấp, suy hô hấp…thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời”. 

Ăn ốc biển bị ngộ độc, hai vợ chồng tê bì chân tay, đi lại khó khăn - Ảnh 3.

Sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện (Bác sĩ khám sức khỏe cho bệnh nhân Trần T.T trước khi xuất viện. Ảnh BVCC)

Theo bác sĩ Hưng, với đặc thù địa phương vùng biển, hằng năm, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc hải sản như so biển, ốc biển… 

Ngoài những trường hợp vô tình ăn phải vẫn có những trường hợp chủ quan cố tình sử dụng dù biết mình có khả năng bị ngộ độc. 

"Để tránh ăn phải những loại hải sản có độc, người dân cần lưu ý: Không nên ăn những loại hải sản mới lạ, không rõ nguồn gốc, tên gọi, cần phân biệt được một số loại hải sản chứa độc tố có thực thể giống với hải sản không độc tố trước khi sử dụng. 

Khi có dấu hiệu ngộ độc hải sản như nôn, tê môi, miệng, chân, tay, tức ngực, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời", bác sĩ Hưng khuyến cáo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem