Dân Việt

“Cấp cứu” sức mua tại TP.HCM - Bài 3: Chỉ giảm giá chưa đủ, cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn

Hồng Phúc 20/05/2023 06:06 GMT+7
Chỉ doanh nghiệp giảm giá để kích sức mua là chưa đủ, mà cần các biện pháp mạnh, đồng bộ hơn từ Chính phủ, các Bộ ngành như giảm thuế VAT, giảm lãi suất vay ngân hàng, tránh tình trạng chần chừ khi triển khai chính sách.

Các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đều mong chờ vào thuế giá trị gia tăng (VAT) sớm giảm xuống còn 8%, thậm chí giảm hơn nữa xuống mức chỉ còn 5-6%, để kích cầu mua sắm nội địa.

Mong chờ giảm thuế VAT

Trao đổi với Dân Việt, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp trong ngành gắn liền với nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng thiết yếu, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn. nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giảm, dẫn đến hàng tồn kho tăng, doanh nghiệp đã thôi tăng ca.

“Bây giờ, xu hướng chung, trước mắt và tương lai gần nhất là phải kích cầu nội địa”, bà Chi nhấn mạnh. Theo bà, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp kích cầu thị trường lúc này. Từ đầu năm, bản thân bà và các doanh nghiệp đã đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính sớm tiếp tục giảm thuế VAT khi chính sách hỗ trợ năm 2022 hết hạn.

"Khi giảm VAT, đừng phân biệt loại hình doanh nghiệp nào hết. Năm 2022 khi áp dụng phân chia loại hình, do phải phân loại nên rất mất thời gian, cứ doanh nghiệp nào 10% thì giảm xuống hết 8% sẽ hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp lúc này", bà Chi nhấn mạnh.

“Cấp cứu” sức mua tại TP.HCM  - Bài 3: Chỉ giảm giá chưa đủ, cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp mong chờ thuế VAT sớm được giảm, thậm chí giảm sâu để kết hợp với các chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm nội địa. Ảnh: Hồng Phúc

Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cũng ủng hộ rất cao việc giảm thuế VAT. Doanh nghiệp bền bỉ đề xuất từ đầu năm, và dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Mà nếu được thông qua thì thời gian áp dụng sẽ kéo dài đến cuối năm 2023, tức chỉ có khoảng 6 tháng triển khai. Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức kỳ vọng chính sách giảm thuế GTGT về 8% được triển khai càng sớm càng tốt trong lúc này, để kích cầu mua sắm.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, để kinh tế sớm phục hồi, phải tăng sức mua cho thị trường, bằng cách triển khai kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.

Với công cụ của nhà nước, chuyên gia cho rằng tiếp tục giảm thuế VAT là cần thiết. Theo ông, giảm thuế VAT xuống 8% là chưa đủ, mà cần có giải pháp mạnh hơn, thậm chí giảm xuống còn 5-6%. Thứ hai, là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng. 

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Du Lịch cho rằng nên chấp nhận thực hiện các chiến dịch giảm giá, kích thích thị trường trên tất cả lĩnh vực, để giảm hàng tồn kho, một mặt phục vụ thị trường nội địa, một mặt chờ tín hiệu từ thị trường quốc tế để nối lại hoạt động xuất khẩu.

Ngân hàng đừng chần chừ giảm lãi nữa!

Bên cạnh cần sớm thúc đẩy giảm thuế VAT, bà Lý Kim Chi cho biết việc giãn nợ hiện nay rất quan trọng, bởi sức khỏe doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, hầu hết đều từ lỗ tới huề vốn. 

“Tôi hy vọng các ngân hàng thương mại phải nhanh chóng đưa quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc giãn nợ vào áp dụng thực tế, đừng để có độ trễ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất, nhưng ngân hàng rất chần chừ. Tín dụng ngân hàng là sự sống còn của chúng tôi và chúng tôi, cũng là sự sống còn của ngân hàng. Vì vậy, phải bắt tay, hỗ trợ nhau”, bà Chi thẳng thắn.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đánh giá các chính sách đồng bộ từ phía Chính phủ và các bộ ngành rất quan trọng trong việc "cấp cứu" sức mua.

“Cấp cứu” sức mua tại TP.HCM  - Bài 3: Chỉ giảm giá chưa đủ, cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn- Ảnh 2.

Lãi suất vay ngân hàng quá cao là trở ngại lớn để doanh nghiệp phục hồi hiện nay. Ảnh: Quốc Hải

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết thêm bên cạnh nỗ lực kích cầu nội địa bằng chương trình bình ổn thị trường, khuyến mãi tập trung - vốn là các chương trình sáng tạo của thành phố, thì năm nay, lần đầu tiên Sở tổ chức diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM. Đây là hội chợ chuyên đề riêng về xuất khẩu, tập trung duy nhất vào việc hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM và cả nước kết nối nhà mua hàng quốc tế trong bối cảnh khó khăn.

Hội chợ sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thực phẩm và đồ uống, dệt may, thủ công mỹ nghệ, cao su nhựa… trực tiếp giao thương, đàm phán với khoảng 3.000 nhà mua hàng từ các quốc gia nhập khẩu trọng điểm như Mỹ, Hàn, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia…

“Các doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp FDI sẽ tăng cường cơ hội kết nối với các đối tác, khách hàng quốc tế, xem xét mở rộng thị trường nội địa để giải quyết khó khăn hiện tại và nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu dùng trong nước”, ông Vũ nhấn mạnh.

Các chuyên gia tin rằng doanh nghiệp rất trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong bối cảnh khó khăn, các chính sách lúc này sẽ là phao cứu sinh hỗ trợ vực dậy thị trường. 

Kinh tế toàn cầu cũng đang dần ổn định tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các chính sách hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp vừa chắc chân thị trường trong nước vừa chuẩn bị nối lại hoạt động xuất khẩu, phục hồi trong nửa cuối năm.