Phát triển vùng Đông Nam bộ xứng tầm - Bài 4: Giải pháp nào để TP.HCM trở thành cực tăng trưởng của khu vực?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 28/03/2023 06:33 AM (GMT+7)
TP.HCM không thể phát triển tự thân mà phải đặt trong mối liên kết chặt chẽ với các địa phương vùng Đông Nam bộ. Hơn thế nữa, đô thị ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này phải thể hiện rõ vai trò “hạt nhân” và là cực tăng trưởng quan trọng của vùng.
Bình luận 0

Nghị quyết 16/2012 đã xác định rõ TP.HCM phải phát triển ngang tầm những đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Singapore, Jakarta, Kuala Lumpur,... Từ đó, toàn vùng Đông Nam bộ phải trở thành khu vực phát triển nhất cả nước vào năm 2045, ngang tầm khu vực, thế giới với "hạt nhân" và cực tăng trưởng quan trọng là TP.HCM.

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: Nâng tầm “hạt nhân” TP.HCM - Ảnh 1.

Cầu Thủ Thiêm 2 (Ba Son) bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng mới của TP.HCM. Ảnh: Quốc Hải

Cần có chính sách tạo động lực để "hạt nhân" TP.HCM phát triển

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển TP.HCM trong thời kỳ mới thông qua việc cụ thể hóa Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về TP.HCM; kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 với việc xin thí điểm việc mở rộng cơ chế phân cấp phân quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực…

Đặc biệt, sớm thí điểm cơ chế vận hành và thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào việc xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM; cơ chế phân cấp phân quyền cho TP.Thủ Đức.

"Cần khẳng định TP.Thủ Đức có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng đô thị TP.HCM. Là đô thị kết nối vùng ở phía Đông, việc khai thác lợi thế phát triển của Thủ Đức không phải chỉ vì lợi ích riêng của đô thị này, mà quan trọng hơn là vai trò tạo tác động lan tỏa cho sự phát triển của vùng. Nếu duy trì cơ chế quản lý hành chính của TP.Thủ Đức như cấp quận, thì không thể khai thác được tiềm năng và lợi thế của một đô thị có quy mô kinh tế chiếm đến 1/3 TP.HCM, với tương lai có quy mô dân số đến 3 triệu người", ông Lịch nói.

Phát triển vùng Đông Nam Bộ xứng tầm - Bài 4: Giải pháp nào để TP.HCM trở thành cực tăng trưởng của khu vực? - Ảnh 2.

TP.HCM cần tiếp tục công tác chỉnh trang đô thị gắn với quá trình phát triển đô thị mới; trong đó, tập trung cải tạo bộ mặt đô thị khang trang. Ảnh: Như Thuần

Ngoài ra, theo ông Lịch, cần tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên triển khai thực hiện. Trong đó, sắp xếp danh mục dự án đầu tư công theo tiêu chí: Tạo sự lan tỏa mạnh mẽ nhằm kích thích tổng cầu và có tác động thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân theo nguyên tắc đầu tư công tạo "vốn mồi".

Bên cạnh các dự án giao thông nối kết vùng, TP tiếp tục công tác chỉnh trang đô thị gắn với quá trình phát triển đô thị mới. Trong đó, tập trung cải tạo bộ mặt đô thị khang trang, quy hoạch và cải tạo các dự án chung cư cũ, ven kênh rạch, ưu tiên các dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp, công nhân; bảo vệ môi trường xanh, bền vững; phát triển y tế công nghệ cao và giáo dục chất lượng cao; đưa TP thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho cả vùng…

TP.HCM trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế

Để TP.HCM trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam bộ, việc nhanh chóng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại địa phương này đặc biệt quan trọng.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (Đức) nhận định, TP.HCM có nhiều lợi thế cả về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Cụ thể, TP.HCM sở hữu những lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Nằm ở múi giờ khác với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu và chỉ cách các nền kinh tế năng động nhất châu Á (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines) 3 giờ bay. 

Đây là lợi thế đặc biệt trong việc thu hút vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm tài chính khác và vô cùng thuận lợi cho giao thương giữa các thành phố năng động nhất châu Á.

Trong nước, thành phố nằm ở vị trí kết nối giữa 2 vùng kinh tế trọng điểm là Đông Nam bộ (tập trung phát triển các KCN) và Đồng bằng sông Cửu Long (phát triển kinh tế nông nghiệp). Do đó, TP.HCM thích hợp trở thành trung tâm cung cấp tài chính cho phát triển công nghiệp đồng thời cũng là trung tâm cho các sàn giao dịch hàng hóa.

Với những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và xã hội, cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng, TP.HCM là địa phương thu hút FDI nhiều nhất trong cả nước trong nhiều năm qua.

Phát triển vùng Đông Nam Bộ xứng tầm - Bài 4: Giải pháp nào để TP.HCM trở thành cực tăng trưởng của khu vực? - Ảnh 4.

TP.HCM đủ sức trở thành trung tâm tài chính quốc tế, có như vậy mới kéo cực tăng trưởng chung của toàn vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Như Thuần

Nhìn từ góc độ khởi nghiệp và môi trường kinh doanh, TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về số lượng và sự năng động trong hoạt động kinh tế. 

Năm 2022 (tuy là một năm khó khăn với cả nước) số doanh nghiệp thành lập mới là 44.369 (tăng 42,3% về số lượng doanh nghiệp). Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gấp đôi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TP.HCM được coi là cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp cả nước.

Tổng vốn đầu tư FDI vào TP.HCM là 3,54 tỷ USD tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 893 dự án cấp mới (số liệu từ 1/1 - 20/12/2022). Số liệu 20 ngày đầu tiên của năm 2023, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 50 dự án FDI mới với tổng số vốn 178 triệu USD (tăng 73,7% so với cùng kỳ năm 2022), chứng tỏ sức hấp dẫn ngày càng tăng của TP.HCM đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến tháng 8/2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các Start-up là hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay thành phố có khoảng 2000 start-up, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm 65%.

Để xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp và kinh doanh cần phải chú ý xây dựng tất cả các cấu phần về thị trường, nguồn nhân lực, nguồn vốn, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, các trường, học viện,… trong đó nhu cầu về vốn và tài chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất. TP.HCM là nơi các ngân hàng nội địa và nước ngoài đều đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh đồng thời cũng là nơi hội tụ của các quỹ đầu tư.

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: Nâng tầm “hạt nhân” TP.HCM - Ảnh 5.

Cải tạo các dự án chung cư cũ, ven kênh rạch, ưu tiên các dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp, công nhân... cũng là nhiệm vụ mà TP.HCM phải làm nhanh để thúc đầy vai trò "hạt nhân" vùng Đôg Nam bộ. Ảnh: Quốc Hải

Như vậy, bản thân TP.HCM đã là nơi thích hợp để xây dựng một trung tâm tài chính và từ đó càng thúc đẩy sự phát triển của thành phố trở thành một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai. Việc xây dựng trung tâm tài chính sẽ tạo ra sự phát triển về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường sống. Trung tâm tài chính quốc tế phải trở thành trụ cột chính, tập trung phát triển các công ty công nghệ tài chính trong các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư.

Từ đó sẽ tạo yếu tố thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tận dụng cơ hội để dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Sự dịch chuyển dòng vốn - huyết mạch của nền kinh tế - sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư, đồng thời dẫn đến sự phát triển của một hệ sinh thái doanh nghiệp.

"Với lợi thế là đầu tàu phát triển kinh tế, trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu năng động của cả nước, TP.HCM trước mắt xứng tầm trở thành trung tâm tài chính cấp quốc gia. Sau đó tiếp tục hoàn thiện và nâng tầm hoạt động, mở rộng tiếp nhận nhiều hàng hóa, dịch vụ, phát triển các loại thị trường tài chính và dịch vụ hỗ trợ theo tiêu chuẩn quốc tế để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai".

GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem