Dân Việt

Đề xuất tuyến metro ngầm dài 300-500km, kinh phí 45 triệu USD/km để giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM

Vũ Quyền 18/05/2023 11:15 GMT+7
Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (PDI) đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ cho vùng lõi TP.HCM trước năm 2035, tổng chiều dài khoảng 300-500 km phủ kín vành đai 2, giá 45 triệu USD/km.

Đề xuất tuyến metro ngầm dài 300-500km để giảm ùn tắc

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ban ngành và đơn vị liên quan việc chuẩn bị nội dung phục vụ hội thảo "Các giải pháp quản lý phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) trong quy hoạch xây dựng TP.HCM" dự kiến tổ chức trong thời gian tới.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, hội thảo sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những quan điểm, giải pháp có hiệu quả về phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng trong tổng thể quy hoạch chung thành phố.

Đề xuất tuyến metro ngầm dài khoảng 300-500 km, giá 45 triệu USD/km để giảm ùn tắc TP.HCM - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 ở TP.HCM đự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào 9/2023: Ảnh T.A.

Cụ thể, công tác quy hoạch sử dụng đất, xác định các vấn đề trọng tâm làm cơ sở cho việc đề xuất nội dung và giải pháp điều chỉnh quy hoạch ứng với từng tuyến giao thông đường sắt đô thị, đồng bộ với hệ thống quy hoạch giao thông đường thủy, quy hoạch xe buýt, giao thông khác cao độ và không gian đô thị ngầm xung quanh…

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chuyển nội dung báo cáo dự án đầu tư xây dựng mạng lưới metro TP.HCM theo mô hình TOD (dự án TOD) của Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển để các sở, ban, ngành và các đơn vị đóng góp ý kiến và chuẩn bị tham luận theo lĩnh vực chuyên ngành quản lý cho hội thảo.

Theo nội dung báo cáo, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển giao thông đô thị tại TP.HCM. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy và không thể hạn chế phương tiện cá nhân cho tới khi có hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (MRT) khép kín cả vùng lõi của thành phố.

Từ kinh nghiệm thế giới cho thấy các đô thị từ 1 triệu dân đều bắt buộc phải có hệ thống tàu điện ngầm mới thực sự giúp giảm được ùn tắc giao thông.

Do đó, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ cho vùng lõi TP.HCM trước năm 2035 kết hợp với chỉnh trang và phát triển đô thị hiệu quả theo mô hình TOD bằng nguồn lực trong nước kết hợp với công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Đề xuất tuyến metro ngầm dài khoảng 300-500 km, giá 45 triệu USD/km để giảm ùn tắc TP.HCM - Ảnh 2.

Một đoàn của tuyến metro số 1 chạy thử hồi tháng 4/2023. Ảnh: Vũ Quyền.

Cụ thể, quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị ngầm tổng chiều dài khoảng 300-500 km phủ kín vành đai 2 cho vùng lõi thành phố mỗi hướng tính từ trung tâm thành phố, đi qua các khu vực đông dân cư đô thị cũ và mới, khoảng cách giữa các nhà ga từ 1-1,2km.

Đồng thời, kết hợp với quy hoạch phát triển các khu đô thị tổng hợp theo mô hình TOD, hiện đại, đa chức năng khép kín, khai thác không gian ngầm gắn với nhà ga tàu điện ngầm với khoảng cách 1km giữa các nhà ga.

Dự kiến ba hợp phần, hoàn thành trước 2035

Dự kiến dự án có ba hợp phần gồm, đường hầm (vốn nhà nước), hệ thống đầu máy toa xe và hệ thống điều hành (vốn tư nhân) và nhà ga, đô thị TOD (vốn tư nhân).

Trong hợp phần một, đơn giá dự kiến 45 triệu UDS/km bao gồm khoan, lắp hệ thống đường ống bê tông, đường ray và hệ thống hộc kỹ thuật, điện… Hợp phần này sẽ đấu thầu làm liên tục cho cả hệ thống từ 300-500km không bị gián đoạn do phải chờ giải phóng mặt bằng, dự kiến 3-5 năm là hoàn thành, tùy thuộc vào số lượng máy.

Đề xuất tuyến metro ngầm dài khoảng 300-500 km, giá 45 triệu USD/km để giảm ùn tắc TP.HCM - Ảnh 3.

Hành khách đi thử tuyến metro số 1. Ảnh: Vũ Quyền.

Theo tính toán sơ bộ, với suất đầu tư 45 triệu USD/1km đường ống cho hệ thống MRT chạy ngầm dưới lòng đất, tổng mức đầu tư xây dựng 500km của toàn thành phố sẽ là 22 tỷ USD.

Dự kiến toàn tuyến sẽ chọn 300 địa điểm để làm TOD, diện tích bình quân mỗi TOD là 7.5 ha, trong nội thành diện tích TOD sẽ nhỏ hơn, khoảng 2-3 ha, ngoại thành có thể lên 10-20 ha.

Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng, có thể dùng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án TOD, tạo nguồn thu đầu tư cho hợp phần này.

Hợp phần hai, theo khái toán, tổng chi phí đầu máy toa xe cho hợp phần này là 6.4 tỷ USD. Nhà đầu tư sẽ tự bỏ tiền, thu hồi vốn và lãi thuần túy từ phí bán vé. Qua dự kiến uớc tính tổng doanh thu, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho rằng việc này rất khả thi và hấp dẫn để thu hút cho nhà đầu tư tham gia.

Hợp phần 3, quy hoạch chỉ cho phép xây cao tầng, đô thị nén tại các nhà ga tàu điện ngầm nhờ năng lực vận tải lớn, giải tỏa giao thông tàu điện ngầm. Phần còn lại của thành phố không cho xây mới, không cho tăng mật độ dân cư và tăng chiều cao công trình. Ngoài ra, theo tính toán sơ bộ, nếu thực hiện khoảng 300-500 km hệ thống MRT kết hợp phát triển TOD thì có thể tạo thêm chỗ ở cho khoảng 6 triệu cư dân của thành phố.

Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển dự kiến cùng các sở, ban, ngành liên quan của thành phố phối hợp, tiến hành khảo sát và điều chỉnh hướng tuyến, mạng lưới MRT toàn thành phố, kết hợp với xác định những khu vực khả thi trên mạng lưới MRT để quy hoạch các TOD nhằm khai thác quỹ đất hiệu quả.

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển cũng dự kiến phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cho các hợp phần liên quan từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2024. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ 1/2025 đến tháng 12/2035.

TOD (Transit Oriented Development) được hiểu là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư, từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.