Nhiều người đưa ra ý kiến sau vụ một đoàn tàu của tuyến metro số 1 bị vẽ bậy
Tàu metro bị vẽ bậy: Cấm tiệt hay chọn cách tô điểm hình ảnh phù hợp, có thu phí?
Vũ Quyền
Thứ ba, ngày 02/05/2023 15:18 PM (GMT+7)
Vụ tàu metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tiếp tục bị vẽ bậy, nhiều người lên án hành vi này, đồng thời đề xuất quản lý chặt hơn và có thể tô điểm cho đoàn tàu thêm sinh động.
Bày tỏ quan điểm về vấn về một đoàn tàu của tuyến metro số 1 bị vẽ bậy, anh Võ Đức Dự (ngụ TP.HCM), người khá nổi tiếng với nhiều bức tranh tường cho rằng, đây là hành vi phá hoại tài sản công.
Chàng trai 9x với 10 năm kinh nghiệm vẽ tranh tường cho biết, anh có nhiều bạn bè chơi thể loại graffiti này và rất thành công khi thành lập đội, được vẽ tranh cho các dự án, nhận được sự quý trọng của nhiều người.
Theo anh Dự, graffiti là môn bộ môn nghệ thuật rất hay, nhưng các bạn đang theo đuổi cần có ý thức hơn trong việc thể hiện tài năng của mình. Bởi vẫn có rất nhiều nơi phù hợp, sẵn sàng chi trả phí và cần tài năng của các bạn. Việc vẽ ở những nơi không được phép thì đó là vẽ bậy và làm xấu đi hình ảnh của bộ môn nghệ thuật này trong mắt người dân.
"Nghệ thuật vẽ tranh đường phố sẽ giúp mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn và nghệ thuật hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi người hoạ sĩ đặt đúng chỗ, phát huy được giá trị của tác phẩm và mang đến người xem những năng lượng tốt và ý nghĩa", anh Dự nói.
Chị Tăng Lê Quỳnh Trâm (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cảm thấy bức xúc khi thấy đoàn tàu chưa kịp đưa vào hoạt động chính thức nhưng đã bị vẽ bậy hai lần. Chị Trâm mong cơ quan quản lý cần phải kiểm soát phải chặt chẽ những đoàn tàu này, bởi có người lén vẽ lên tàu, người khác cũng có thể lén dán thêm các quảng cáo khác như hút hầm cầu, cho vay tiền…
"Tuyến tàu metro số 1 là bộ mặt tượng trưng cho sự hiện đại của thành phố. Nếu có thể tô vẽ lên một công trình công cộng để đánh dấu hoặc quảng bá hình ảnh, văn hoá của đất nước thì rất hay nhưng cần có sự kiểm soát. Một đoàn tàu được tô vẽ đẹp, ý nghĩa sẽ giúp quảng bá hình ảnh về nơi mình sinh sống tích cực hơn", chị Trâm bày tỏ.
Tương tự chị Trâm, anh T. (ngụ TP.HCM) cho biết, vẽ bậy lên đoàn tàu metro là một hành vi đáng lên án. "Graffiti là môn vẽ nghệ thuật đường phố. Hình ảnh đẹp, hay là do con người sáng tạo nên. Ý thức của con người khi tham gia bộ môn này sẽ giúp nó phát triển hoặc bị đả kích", anh T. nói.
Tô điểm hợp lý cho đoàn tàu, quảng bá cho thành phố
Ngoài ra, theo anh T., đây là công trình công cộng, cơ quan nhà nước cũng có thể tô điểm cho đoàn tàu bằng một số hình ảnh để quảng bá cho thành phố như: hình ảnh chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng...
Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Hiếu, Đại học Luật TP.HCM, việc vẽ lên tàu bị cấm ở rất nhiều nước, trừ trường hợp cơ quan vận hành hoặc cơ quan quản lý chủ động sơn lên tàu. "Phương tiện công cộng vừa là tài sản, vừa là bộ mặt thành phố, việc ai sơn, sơn gì đều phải được kiểm soát", thạc sĩ Hiếu nói.
Cũng theo thạc sĩ Hiếu, cơ quan quản lý có thể lấy ý kiến người dân về việc sơn gì lên đoàn tàu. Nhưng để làm việc này chi phí sẽ rất lớn, trong khi hiệu quả thì chưa rõ. Nếu làm không tốt thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho xã hội. Trường hợp chi phí hợp lý thì có thể sơn một số hình ảnh hài hoà, cổ vũ cho môi trường hoặc phát triển kinh tế.
"Ngoài ra, có thể cân nhắc đến việc khoán cho một công ty để họ khai thác và thu một khoản tiền. Tuy nhiên, cũng cần kiểm soát chặt chẽ, tránh những trường hợp không hay xảy ra", thạc sĩ Hiếu đưa ra ý kiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.