Dân Việt

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối)

Mùa Xuân 22/05/2023 09:00 GMT+7
Chuyện trò với cán bộ cũng như người dân ở xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, ai cũng bảo thôn Láo Lý “thay da, đổi thịt” như hôm nay là nhờ Bí thư Chi bộ thôn Phạm Huy Cảm.
Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 1.


Clip: Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai chia sẻ về sự đổi thay của đồng bào dân tộc Xa Phó.

Giúp đồng bào dân tộc Xa Phó thay đổi từ những công việc nhỏ nhất

Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, biết được bà con còn đói, còn nghèo, ông Cảm luôn trăn trở, nhiều đêm thức trắng kê cao gối để tìm ra hướng thoát nghèo hiệu quả mà bền vững. Ông suy nghĩ, bản thân mình từng đi bộ đội, từng xông pha tháo những quả bom nguy hiểm nằm sâu dưới lòng đất và đã thành công cả những lúc cận kề với cái chết; thì bây giờ phải tìm ra cách nào đó giúp bà con có một cuộc sống tươi sáng hơn, như người dân ở các vùng khác.

Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai bảo: Muốn thay đổi được nhận thức bà con thì phải bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất để bà con thấy lợi ích đem lại. Công việc đầu tiên mà tôi hướng đến đó chính là giúp bà con vệ sinh môi trường. Tôi đến từng ngõ, từng hộ dân mà thấy nhà đầy rác, phân trâu, gà, lợn đầy sân nhà… gây mùi hôi thối mà không thể chịu được. 

Do đó, tôi đã tổ chức họp thôn và vận động bà con vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Đồng thời, tôi giao cho các hội đoàn thể trong thôn phụ trách 4 nhóm (mỗi nhóm có khoảng 10 hộ) để tuyên truyền, nhắc nhở các hộ thường xuyên vệ sinh môi trường sạch sẽ. Làm được điều này chính là giúp mọi người được hít thở không khí trong lành, sức khỏe tốt hơn.

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 2.

Khi về làm Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, ông Cảm đã hướng dẫn bà con ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tận dụng phân chuồng để bón cho cây lúa. Ảnh: Mùa Xuân.

Khi người dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, ông Cảm nghĩ ngay đến việc người dân vẫn thiếu đói giáp hạt chính là bà con mới chỉ sản xuất lúa 1 vụ nên hộ nào có diện tích trồng lúa nhiều thì đủ ăn; còn hộ nào đông con, diện tích lúa ít thì không đủ gạo ăn quanh năm, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì cái bụng đói mà đồng bào dân tộc Xa Phó chưa thể nghĩ đến chuyện làm giàu, cho con cái đi học cao hơn…

Cùng với đó, ông Cảm nhận thấy: Bà con ở đây không biết tận dụng phân chuồng để bón cho cây lúa mà chỉ những hộ có điều kiện một chút thì mua phân NPK về bón, khiến năng suất lúa không cao.

Từ thực tiễn cuộc sống, ông Cảm đã đi nhiều vùng như đồng bào Mông ở huyện Mường Khương (Lào Cai) họ trồng lúa ruộng bậc thang và bón phân chuồng nên cây lúa phát triển rất tốt. Ông đã hướng dẫn bà con dân tộc Xa Phó xây chuồng chăn nuôi, có hố ủ phân chuồng rồi cho người dân phơi khô đóng vào bao tải khi đến mùa cấy mang ra bón cho cây lúa tươi tốt. 

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 3.

Bà con dân tộc Xa Phó đã chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ và áp dựng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ vậy, đã góp phần tăng năng suất lúa cao hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Đồng thời, vận động bà con sửa chữa, khơi thông kênh mương đảm bảo nguồn nước tưới tiêu để chuyển 15 ha lúa ruộng bậc thang 1 vụ sang 2 vụ; hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” được thay bằng các loại máy cày, máy bừa đất để giảm công, rút ngắn thời gian sản xuất... Nhờ cách làm này, bà con đã học tập và làm theo áp dụng vào thực tế trên mảnh ruộng; để rồi giờ đây nhà nhà không chỉ có đủ thóc ăn mà còn có thóc thừa để bán, có thêm tiền mua mắm, muối…

Sau khi đã giúp bà con giải quyết được bài toán xóa đói, ông Cảm lại kiên nhẫn tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây quế. Khi bà con còn khó khăn, ông Cảm lên thành phố Lào Cai xin cán bộ, viên chức ủng hộ cây giống cho bà con. 

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 4.

Cây quế đang dần phủ xanh trên đất vùng cao thôn Láo Lý, xã Tả Phời của đồng bào dân tộc Xa Phó. Ảnh: Mùa Xuân.

Việc làm đó đã được mọi người ủng hộ nhiệt tình, trong đó Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai ủng hộ 15.000 gốc giống quế cho bà con trồng. Hội Nông dân thành phố Lào Cai ủng hộ 1.000 cây giống và xã Tả Phời ủng hộ 5.000 cây nữa. Nhờ vậy mà, đến nay, bà con dân tộc Xa Phó đã trồng được 30 ha cây quế. Hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đây chính là tiền đề để sau này bà con có thêm cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương.

Xây dựng thành công hương ước cho đồng bào dân tộc Xa Phó

Một trong những thành công để giúp đồng bào dân tộc Xa Phó từng bước tháo gỡ những tồn tại hạn chế, đặc biệt là trong phong tục tập quán; năm 2019, ông Cảm đã cùng Chi ủy, Ban phát triển thôn và nhân dân xây dựng thành công hương ước riêng của thôn Láo Lý.

Bảng hương ước này được xây dựng dựa trên 4 nội dung lớn gồm: Công tác vệ sinh môi trường; an ninh trật tự trong thôn; văn hóa xã hội và công tác khen thưởng kỷ luật. Trong những nội dung của hương ước có nêu cụ thể những mục nhỏ, rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và có sự thống nhất của 100% hộ dân trong thôn đồng ý thông qua, được treo trang trọng trong nhà văn hóa thôn Láo Lý.

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 5.

Bảng hương ước được ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời cùng bà con xây dựng, tạo sự được đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong những nội dung đề cập của bảng hương ước, ở mục đối với công tác vệ sinh môi trường, nhấn mạnh đến xây dựng chuồng trại chăn nuôi, có hố ủ phân; nghiêm cấm không được mang súc vật chết về thôn. Đối với công tác văn hóa, xã hội khi thôn có ma chay, hiếu hỉ mọi người dân phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không bạo lực gia đình, con em đến tuổi đi học gia đình phải cho con đi học…

Trong quá trình xây dựng hương ước, ông Cảm cũng gặp không ít khó khăn do một số hộ dân chưa hiểu, nhất là vấn đề mang vật nuôi chết về ăn, vì người dân cho rằng chết thì ăn cho đỡ phí. Do vậy, một lần nữa ông Cảm đã phải giải thích, phân tích cặn kẽ nhiều lần để người dân hiểu được lợi ích, tác hại đem lại cho chính bản thân mỗi người dân, gia đình và cộng đồng. Nhờ thế, tất cả dân trong thôn mới đồng thuận thực hiện, sau đó mới đi vào nề nếp.

Cuộc sống bà con dân tộc Xa Phó bước sang trang mới

Như để minh chứng về sự đổi thay từng ngày của đồng bào dân tộc Xa Phó, ông Cảm dẫn chúng tôi đi thăm bà con trên thôn Láo Lý. Mùa này những cây lúa vụ chiêm xuân xanh bạt ngàn trên các thửa ruộng đang trổ bông; con đường vào thôn cũng đang được Nhà nước đầu tư nâng cấp mở rộng, đường làng ngõ xóm được bà con vệ sinh sạch sẽ.

Đồng bào dân tộc Xa Phó thôn Láo Lý từ trẻ nhỏ đến người lớn đều chào ông Cảm với một cái tên trìu mến: “thầy Cảm”. Có lẽ từ “thầy” không chỉ ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân vùng quê nghèo nơi đây khi ông Cảm còn đứng lớp mà bởi trên cương vị người Bí thư Chi bộ thôn, ông Cảm đã dạy và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu để hướng tới một cuộc sống giàu đẹp, văn minh đúng nghĩa như vùng quê nông thôn mới.

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 6.

Bằng việc tuyên truyền, vận động của Bí thư Chi bộ Phạm Huy Cảm thôn Láo Lý, con em đồng bào dân tộc Xa Phó đến tuổi đều được đến trường. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Phạm Huy Cảm, cho biết thêm: Điều mừng nhất đối với bản thân tôi là đến giờ bà con dân tộc Xa Phó không phải lo cái bụng đói nữa. Trong thôn đã có từ 1-2 hộ làm kinh tế giỏi, có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Tôi đã giúp thôn thành lập được các hội đoàn thể thôn. Không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn giảm dần qua từng năm. Đồng thời, giúp bà con xây dựng được quy ước, hương ước riêng. Trong năm 2022, tôi đã vận động được 13 thanh niên trong thôn đi học lớp Trung cấp nghề vừa nâng cao kiến thức, vừa có thêm việc làm.

Trước đây, do tỷ lệ bà con trong thôn biết tiếng phổ thông còn ít, năm 2022, ông Cảm xin Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho phép mở một lớp xóa mù chữ cho 15 học viên (từ 16-30 tuổi) trong thôn. Hoàn thành khóa học, có 3 đối tượng quần chúng ưu tú người dân tộc Xa Phó đã được giới thiệu để kết nạp đảng. Đây chính là cơ sở để xây dựng Chi bộ thôn Láo Lý ngày càng vững mạnh và lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế ở địa phương.

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 7.

Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, xã Tả Phời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, xây dựng nếp sống văn minh. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Châu Văn Thêm, Trưởng thôn Láo Lý, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, chia sẻ: Nhờ có thầy Cảm mà cuộc sống bà con trong thôn đổi thay hẳn đấy. Như gia đình tôi, trước trồng lúa 1 vụ còn không đủ ăn. Giờ áp dụng theo cách thầy Cảm hướng dẫn, với khoảng 1 ha lúa ruộng bậc thang, 1 năm gia đình tôi trồng 2 vụ lúa, thu về khoảng 100 bao thóc, cả gia đình ăn còn không hết, có thừa thóc để bán đấy. Giờ thôn không còn hộ đói nữa, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm dần rồi, bà con ai cũng vui mừng.

Anh Châu Văn Chấn, thôn Láo Lý là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào đổi mới theo sự hướng dẫn của ông Cảm; giờ đã có cuộc sống khá giả, làm được nhà mới khang trang hơn nhờ phát triển chăn nuôi.

Anh Chấn phấn khởi: Năm 2019, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con lợn nái để chăn nuôi. Được thầy Cảm hướng dẫn xây dựng chuồng trại, cách chăn nuôi vệ sinh và hiệu quả cao, nên gia đình tôi mạnh dạn mua thêm 4 con lợn nái nữa về nuôi. Từ 5 con lợn nái, này mỗi năm ngoài bán lợn giống, tôi còn để lại trên 20 con lợn thịt. Mỗi lứa, gia đình tôi xuất bán từ 15-20 con lợn thịt, thu về hơn 70 triệu đồng đấy. Hiện, gia đình tôi đã có tiền làm nhà mới, lắp mạng internet sử dụng, mừng lắm.

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 8.

Đây là Bằng khen thứ 2 mà ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý được Thủ tướng Chính phủ tặng vì có nhiều thành tích xuất sắc. Ảnh: Mùa Xuân.

“Cách đây vài tháng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường đã về tận thôn Láo Lý để dự sinh hoạt Chi bộ với thôn. Ông Cường phát biểu rằng nếu bác (ông Cảm) không về đây thì bà con thôn này vẫn chưa đổi thay như bây giờ. Và tất cả mọi nguyên nhân của mọi vấn đề có thay đổi được hay không cuối cùng chốt lại đều là do con người. Trước đây, bà con dân tộc Xa Phó khổ như thế, nếu con người từ xã đến thôn có cách tuyên truyền tốt, bước đi đúng hướng giúp bà con thay đổi nếp sống, cách làm thì không có gì là không thể” - ông Cảm tâm sự.

Ông Phạm Huy Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, nhận xét: Bí thư Chi bộ thôn Phạm Huy Cảm là một đảng viên, già làng, người có uy tín. Khi được Đảng ủy xã điều động từ Bí thư Chi bộ thôn Phân Lân lên thôn Láo Lý luôn phát huy tốt vai trò của người đứng đầu Chi ủy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được bà con tin yêu và quý mến.

Sau 5 năm được tăng cường lên thôn Láo Lý, ông Cảm đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung lãnh đạo nhân dân trong thôn phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư...

Chia tay với bà con Xa Phó, trở về thành phố, tôi chợt thấy lòng lâng lâng nhiều cảm xúc lạ. Bên con đường bê tông hóa sạch sẽ, khang trang ở thôn Láo Lý, những đứa trẻ đang mải mê chơi đùa. Xa Xa,  những nương đồi quế đang dần phủ xanh trên đất dốc... Bức tranh về một cuộc sống mới đang dần hiện hữu trên miền quê nghèo nơi thượng nguồn sông Hồng. Ở đó có một phần công lao rất lớn của người thầy, người cựu chiến binh, đảng viên, Bí thư Chi bộ Phạm Huy Cảm.

Người chỉ lối giúp đồng bào dân tộc Xa Phó ở Lào Cai: No cái bụng để nghĩ đến câu chuyện làm giàu (Bài cuối) - Ảnh 11.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).