Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội kết quả kiểm toán năm 2022 về tình hình quản lý và sử dụng Bảo hiểm Y tế (BHYT) năm 2021. Báo cáo phục vụ cho kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 5 này.
Dẫn Báo cáo tài chính năm 2021 và dự toán thu chi quỹ BHYT 3 năm 2022-2024, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu trong báo cáo cho biết, kết dư quỹ BHYT trong năm 2021 là 23.067 tỷ đồng; số dư quỹ BHYT chuyển năm sau là 59.015 tỷ đồng.
Dự kiến giai đoạn 2022-2024 quỹ BHYT sẽ tiếp tục bội chi với dự kiến lần lượt là 6.634 tỷ đồng, 6.197 tỷ đồng, 5.557 tỷ đồng trong các năm 2022, 2023 và 2024.
Qua kiểm toán, số kết dư quỹ BHYT năm 2021 là 22.695 tỷ đồng và số dư quỹ BHYT chuyển năm sau là 58.643 tỷ đồng, tương ứng giảm 373 tỷ đồng so với số báo cáo của đơn vị.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, về cơ bản BHXH Việt Nam đã quản lý, sử dụng quỹ BHYT theo quy định của nhà nước. Song việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT vẫn còn một số tồn tại.
Đó là, thu BHYT không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 590 triệu đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 86 triệu đồng.
Thu BHYT trùng đối tượng do cấp trùng 8.027 thẻ BHYT với số tiền 6,4 tỷ đồng.
Thu BHYT đối với 100.099 trường hợp trùng giữa ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng với các đối tượng khác đóng là trên 39 tỷ đồng.
Về chi BHYT, kiểm toán chi ra nhiều dịch vụ thanh toán không đúng quy định, trong đó dịch vụ kỹ thuật 2,9 tỷ đồng, tiền giường gần 5,7 tỷ đồng, tiền thuốc 673 triệu đồng, tiền khám bệnh 267 triệu đồng; bác sỹ chỉ định khám, chữa bệnh (KCB) từ 02 cơ sở y tế trở lên trong cùng một ngày gần 2,1 tỷ đồng,…
Cùng với đó, chi chăm sóc sức khỏe ban đầu 2,34 tỷ đồng không đúng quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018.
Thời gian khám chữa bệnh của một số bệnh nhân không hợp lý, không phù hợp với quy trình khám chữa bệnh BHYT theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế (khám chữa bệnh 0 phút, 01 phút, 02 phút).
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, quyết toán chi khám chữa bệnh BHYT vượt dự toán của các năm trước tại BHXH tỉnh Yên Bái chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần 18,6 tỷ đồng.
Năm 2021, một số cơ sở y tế chưa kiểm định máy móc, thiết bị, chưa thực hiện đầy đủ quy trình chuyên môn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh song chưa được Bộ Y tế rà soát, phát hiện; BHXH Việt Nam cũng chưa quy định trong quy trình giám định để thực hiện giám định điều kiện thanh toán bảo hiểm theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.
Từ năm 2019, nhiều cơ sở y tế vẫn tiếp tục ký hợp đồng máy mượn, máy đặt không đúng quy định, nhưng chưa được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phát hiện, xử lý.
Từ kết quả kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm quỹ BHYT 372 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách trước khi in và cấp thẻ; rà soát, kiểm tra, giám định chặt chẽ đối tượng thu, thanh toán BHYT để đảm bảo thu, chi BHYT chính xác, đúng quy định.
Đồng thời, rà soát, thẩm định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có ý kiến về chi phí khám chữa bệnh chưa được thanh toán cho các cơ sở y tế do vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán hoặc do nguyên nhân khác mà các cơ sở y tế đã thực hiện theo quy định.
Dẫn báo cáo của BHXH Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa được thanh, quyết toán từ năm 2021 trở về trước do vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán hoặc có vướng mắc về hồ sơ thanh toán là 8.801 tỷ đồng.
Kiếm toán kiến nghị, hoàn trả ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ và đóng trùng với đối tượng ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng số tiền là 27 tỷ đồng.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền nợ đọng, chậm đóng BHYT đến thời điểm 31/12/2021 là 1.507 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc là 1.404 tỷ đồng, nợ lãi là 103 tỷ đồng). BHXH Việt Nam cơ bản đã tổ chức theo dõi, quản lý nợ đọng, chậm đóng theo quy định song số nợ đọng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn xử lý. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, phải theo dõi tiền lãi các khoản nợ đọng, chậm đóng đầy đủ, đúng quy định và tăng cường các biện pháp xử phạt hành chính, khởi kiện để xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng, chậm đóng.
Ngoài ra, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để báo cáo Chính phủ xử lý đối với khoản nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn hiện nay không thể thu hồi nhằm có biện pháp xử lý đối với các khoản nợ, đồng thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp xử lý các vướng mắc về thu, chi bảo hiểm để quy định thống nhất và hợp lý trong công tác thu, chi bảo hiểm.
Về công tác lập, giao dự toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị chấn chỉnh công tác lập, giao và điều chỉnh dự toán đảm bảo tuân thủ đúng thời gian và nội dung theo quy định.