Trên thị trường hiện nay, hàng "fake" là một khái niệm quen thuộc đối với những tín đồ mua sắm, đặc biệt là chị em phụ nữ. Hàng "fake" không chỉ đơn giản là hàng giả, theo một số doanh nghiệp, có những loại sản phẩm còn được sản xuất dựa theo công thức, mẫu mã và gần giống với thương hiệu đã đăng ký bảo hộ. Điều này khiến tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ trở nên nghiêm trọng hơn, hình thành nên cả một thị trường hàng giả công khai dưới khải niệm "super fake", "fake 1", "fake 2"...
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Hoàng Tuyết Lan, phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết, một trong những lý do rõ ràng nhất khiến chị lựa chọn hàng "fake" là mức giả rẻ hơn hàng tiêu chuẩn. "Chi phí sinh hoạt tại thành phố buộc tôi phải cân đong từng khoản. Bởi vậy hàng "fake" được ưu tiên. Đặc biệt là hậu covid, kinh tế sụt giảm, càng khiến cho các sản phẩm giá rẻ và có chất lượng chấp nhận được trở nên cần thiết", chị Lan nói.
Theo khảo sát của PV từ người tiêu dùng, không ít người còn nêu lý do lựa chọn sản phẩm nhái "siêu cấp" vì lo ngại hàng bị làm "nhái" nhưng vẫn bán giá chính hãng. "Tôi được bạn bè khuyến cáo nhiều về việc hàng nhái nhưng vẫn được bán ngay trong chuỗi cửa hàng thương hiệu. Giá các sản phẩm đó cao gấp đôi, gấp 3 so với hàng nhái "công khai". Bởi vậy, tôi chấp nhận mua hàng "supper fake" thay vì bỏ ra số tiền gấp nhiều lần mà vẫn bị lừa", chị Lương Nhung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội chia sẻ.
Thực tế, nhiều ý kiến cũng cho rằng các sản phẩm nhái "siêu cấp", được nhập từ Trung Quốc và bán trên thị trường được phân nhiều mức. Nhiều sản phẩm bị làm giả giống tới nỗi nếu khách không sành sỏi thì rất khó phân biệt đâu là hàng thật hay giả.
Chính vì sức mua lớn trên thị trường, sự dễ dãi của người tiêu dùng với hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, các đối tượng vi phạm ngày càng sử dụng nhiều hình thức để làm giả, nhái sản phẩm tung ra thị trường với nhiều mức giá rẻ hơn so với hàng chính hãng. Tùy mức độ tinh xảo, tương ứng với chất lượng và giá thành giảm dần, người tiêu dùng dễ dàng mua sản phẩm "giống hàng hiệu" với giá từ vài chục ngàn, cho tới vài triệu nhưng vẫn là cực kỳ rẻ so với niêm yết giá của hàng đã được bảo hộ. Từ đó, hàng "fake" bao vây gần như ở mọi phân khúc.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương, công tác đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát và thu được những kết quả khả thi. Tuy vậy, nhưng nhìn chung công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi thì còn do cơ chế thực thi lại tồn tại chồng chéo, chưa đồng bộ, hạn chế nguồn lực, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao. Mặc khác, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân cần phải kể đến.
Cụ thể, doanh nghiệp dù bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng nhiều khi không chủ động. Việc phối hợp chỉ dừng lại ở mức thông báo sự vụ cho các cơ quan chức năng. Trong khi thông tin làm căn cứ xác minh nguồn gốc làm giả, hàng vi phạm không được chú ý đến.
"Chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất phân phối trên thị trường. Vì vậy, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương nhấn mạnh.
Mặt khác, trên các cửa hàng, tình trạng hàng nhái được bày bán đã giảm rõ rệt do sự quyết liệt của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trên sản thương mại điện tử, việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều đối tượng thực hiện phát video trực tiếp để quảng cáo bán sản phẩm, có thể thực hiện hàng trăm giao dịch mỗi ngày.
Tuy nhiên, nơi thực hiện quảng cáo và kho lưu chứa thường được bố trí ở địa điểm khác nhau. Những nơi cất giấu hàng hóa thường ở vùng ven đô, vùng sâu vùng xa, các tỉnh lân cận đô thị lớn hoặc trong các khu nhà ở, khu chung cư tại các đô thị lớn. Việc tìm người vận chuyển cũng thực hiện trên các mạng xã hội. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.