Ý tưởng táo bạo của chàng thợ điện
Năm 2019, anh Dương Văn Tú (SN 1998, quê ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) vào xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để lắp đặt một số thiết bị, hệ thống điện cho trang trại lợn tại đây. Thời điểm này, vấn đề xử lý chất thải từ đàn lợn hàng ngàn con luôn làm cho chủ trang trại đau đầu. Không chỉ riêng trang trại lợn nơi anh Tú làm việc mà tại đây có nhiều trang trại khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Anh Dương Văn Tú xây dựng mô hình nuôi giun quế quy mô lớn ở xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thu về gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Thực hiện: Thắng Tình
Một ý tưởng táo bạo được chàng trai trẻ nghĩ đến đó là sẽ giúp chủ trang trại xử lý triệt để nguồn nguồn chất thải này và mang lại lợi ích kinh tế bằng cách sử dụng nguồn phân từ đàn lợn để nuôi giun quế. Nghĩ là làm, anh Tú bắt đầu tìm hiểu quy trình nuôi giun quế từ chất thải của động vật. Sau đó đi tham quan, học tập ở một số mô hình nuôi giun quế.
Đồng thời anh Tú đã liên hệ với chủ trang trại nơi mình từng làm việc để cùng tìm giải pháp giải bài toán xử lý chất thải khiến chủ trang trại đau đầu suốt những năm qua. Ngay sau khi nghe chàng trai trẻ trình bày, chủ trang trại lập tức đồng ý, đồng thời cũng đứng ra giúp anh xây dựng chuồng trại để hiện thực hóa ý tưởng táo bạo của anh Tú.
Trại lợn có quy mô hơn 5.000 con này sẽ cung cấp nguồn chất thải, xây dựng hệ thống chuồng trại. Trong khi anh Tú bỏ công, kỹ thuật để thực hiện dự án biến chất thải thành "vàng đen". Hai bên thống nhất lợi nhuận sẽ chia đều. "May nhờ có sự hợp tác từ chủ trang trại, nên em mới có thể thực hiện được ý tưởng của mình. Khu vực nuôi giun quế được xây dựng ngay bên cạnh trang trại nuôi lợn vì thế mình chỉ cần lắp đặt một đường ống đưa phân lợn vào bể xử lý, sau đó bơm lên làm thức ăn cho giun, cắt giảm được khâu vận chuyển nên rất thuận tiện", anh Tú chia sẻ.
Biến chất thải thành mặt hàng nhiều người tìm mua
Trung bình mỗi năm, lượng chất thải mà đàn lợn này thải ra khoảng 600 tấn. Chất thải được trang trại xử lý bằng bể lọc, hầm biogas, thông qua một hồ điều hoà. Tuy nhiên, mùi hôi thối vẫn chưa được hạn chế triệt để nên ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý này thường quá tải, chi phí vận hành tốn kém.
Năm 2020, sau khi xây dựng xong hệ thống chuồng trại với tổng diện tích hơn 2.000 m2, có hệ thống bể lắng, bể xử lý chất thải với máy móc hiện đại, trang trại đưa vào vận hành. Anh Tú cũng bắt đầu thả những lứa giun quế đầu tiên.
Anh Tú chia sẻ, việc chăm sóc giun quế không khó, nhưng để đảm bảo cho giun phát triển đều, việc quan trọng đầu tiên là thiết kế chuồng trại cần phải đủ ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ, đủ kín để các loại côn trùng không thể xâm nhập.
Bên cạnh đó để đảm bảo độ ẩm, làm mát cho hệ thống chuồng nuôi giun, anh Tú lắp thêm hệ thống phun sương. Nhờ hệ thống phun sương, tạo độ ẩm, anh Tú đã giải quyết được bài toán hóc búa nhất đó là đối phó với cái nắng bỏng rát tại Nghệ An vào mùa hè. Nhờ vậy đàn giun quế sinh trưởng và phát triển rất nhanh, ngoài sự mong đợi của anh Tú.
Chất thải từ đàn lợn, sau khi thu gom, lắng lọc sẽ được chuyển trực tiếp tới bể ngâm ủ, xử lý, vi khuẩn gây hại, chất thải của lợn được bơm trực tiếp cho giun ăn. Sau 30 - 45 ngày nuôi thì giun có thể thu hoạch. Trung bình mỗi năm, trang trại cho sản lượng giun khoảng 10 tấn và sản lượng phân khoảng 300 tấn".
Giun quế của trang trại anh Tú được rất nhiều người tìm đến mua để làm thức ăn cho lươn, cá, gà. Đồng thời, giun quế cũng có thể chế biến thành dịch giun quế để làm phân bón lá cho cây trồng, hoặc bổ sung vào các loại chất ăn chăn nuôi. Nguồn phân từ giun quế, cũng được các trang trại trên địa bàn rất ưa chuộng, đặc biệt là trang trại trồng hoa quả sạch.
Hiện tại, giun quế được anh Tú bán với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg giun, 3.500 đồng/kg phân. Ngoài ra anh Tú còn cung cấp giun quế giống cho một số trang trại khác để phát triển mô hình. Mỗi năm, nguồn thu từ giun quế của trang trại lên đến 1 tỷ đồng.
Ngoài trại lợn ở xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, anh Tú cũng đang liên kết với các trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn để triển khai nuôi giun quế. Bên cạnh đó, anh Tú cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục trang trại quy mô, hàng trăm gia trại và các hộ gia đình về cách xử lý chất thải vật nuôi thành giun quế. Theo khảo sát của anh Tú, tại Nghệ An, nhu cầu mua giun quế làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng phân từ giun quế để bón cho cây trồng là rất lớn.
Ông Thái Văn Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An: Từ mô hình nuôi giun quế của anh Tú, nhiều nông dân trong xã đã biết cách tận dụng chất thải gia súc, gia cầm nuôi giun quế, tạo thành mô hình chăn nuôi khép kín, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường.