Nguyễn Văn Tú ( sinh năm 1998 tại Nam Đàn, Nghệ An) – là một Kiến trúc sư trẻ, khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Trước khi vào học Đại học, anh chưa biết về Kiến trúc bởi ở quê Tú lúc đó ngành vẽ ít, và Tú có 2 lựa chọn một là thi vào Quân đội, hai là ngành xây dựng cũng khá phát triển, nên cuối cùng, năm 2016 Tú đã chọn thi khoa Xây dựng của trường Đại học Kiến trúc (thi đầu vào là khối A).
"Nhưng mọi việc thay đổi khi lên Hà Nội học, mình gặp được một bạn học ngành Kiến trúc, lúc đó thấy bạn miệt mài vẽ và thiết kế công trình, thì mình nhận ra rằng, đó mới là cái mình thích thật sự", Tú nhớ lại.
Để biến niềm đam mê thành sự thật, Tú quyết định liều một phen để thi lại, nhưng thời gian đó Tú mới học khoa Quản lý Xây dựng được một kỳ (học kỳ 1) nên việc bảo lưu kết quả, không thực hiện được.
Lúc này, Tú phải đứng trước hai phương án, một là cứ duy trì đóng học phí, hai là anh phải rút toàn bộ hồ sơ học bạ. Phương án nào cũng khiến Tú phải "cân não". "Bởi việc rút hồ sơ phải đối diện với thực tế là, nếu thi lại mà không được như mong muốn thì mình học trường gì đây?, còn nếu, cứ kệ như thế, nghĩa là cứ duy trì nộp học phí để giữ suất, mình sẽ không có sự quyết liệt mạnh mẽ", Tú tâm sự.
Sau một thời gian ngắn trăn trở, Tú quyết định rút học bạ để có thêm động lực để thi lại, với Tú đây là quyết định "một mất một còn" nên anh phải nỗ lực với 200% sức lực.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, quyết định của Tú còn gặp phải sự phản đối có phần gay gắt từ phía bố mẹ, bởi bố mẹ Tú vốn là người truyền thống nên không ủng hộ việc rút hồ sơ học bạ của anh để về quê ôn thi lại một ngành khác.
"Cả hai bên nội ngoại không tin mình, vì phương án đó không an toàn, thêm nữa bên nội ngoại nhà mình có người thân, các anh chị học hành ở những ngôi trường Đại học danh tiếng, ra trường được công tác ở những cơ quan lớn, tự nhiên lại nảy nòi ra mình, lông bông, đang học thì bỏ dở về quê ôn thi lại", Tú bộc bạch.
Tuy nhiên khi thấy quyết tâm của Tú, bố mẹ đã thay đổi, chấp nhận, và động viên, khích lệ Tú để anh tập trung ôn thi thật tốt.
Dù chưa được tiếp xúc với môn vẽ trước đó, nhưng sự chăm chỉ, nỗ lực của Tú trong thời gian ôn thi (vài tháng từ Tết cho tới hè 2017), nên kết quả của cuộc thi Đại học năm đó hoàn toàn xứng đáng với công sức Tú bỏ ra, Tú đã đỗ vào khoa Kiến trúc – Đại học Kiến Trúc Hà Nội – đúng khoa mà Tú yêu thích.
Vào trường dù có xuất phát điểm sau các bạn, nhưng Tú lại cảm thấy mình có nhiều điểm mạnh, vì thời gian nghỉ học ôn thi, Tú quen biết nhiều anh chị đi trước, đã tốt nghiệp. Là người nhanh nhạy và chăm chỉ, nên anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức bổ ích về lĩnh vực Kiến trúc. Đến bây giờ, sau khi tốt nghiệp, đi làm, Tú vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với các anh chị đã giúp đỡ mình.
Năm 2021, khi đang là sinh viên năm thứ 4, Tú tham gia Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội dành cho đối tượng bán chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, với tác phẩm "Hà Nội phố cổ-Nghìn năm văn hiến" của mình, anh đã xuất sắc giành giải nhất tại hạng mục "Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo".
Lấy cảm hứng thiết kế từ quá trình đô thị hóa của Thủ đô với sự biến đổi về cuộc sống con người, kiến trúc xưa và nay, với hai vấn đề "hỗn độn" và "trật tự", dự án gửi gắm thông điệp lưu giữ nét cổ truyền trong đời sống mới.
"Dù phát triển nhanh, vượt bậc nhưng mảnh đất Hà thành vẫn mang trong mình những yếu tố truyền thống xứng đáng với lịch sử nghìn năm tuổi hào hùng. Đó là nét văn hoá rất riêng mà không nơi nào có được", Tú cho hay.
Say mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ và giàu sức sáng tạo về Hà Nội, Tú tiếp tục giành được những thành tích, như: Giải hội đồng Cuộc thi Thiết kế kiến trúc cảnh quan Quảng trường Trần Đại Nghĩa-Đại học Bách Khoa Hà Nội, năm 2022; giải nhì Cuộc thi Thiết kế ngôi nhà mơ ước 2021-2022 (lần thứ 3) với chủ đề "Cá tính của không gian ở"; giải đề cử Cuộc thi Thiết kế nhanh 72h - Vẽ lại giấc mơ hiện đại, năm 2022...
Bên cạnh đó, trong thời gian đại dịch Covid-19, anh còn kiên trì làm đồ án đề xuất lại một khu vực mới dành cho người yếu thế tại bờ sông Hồng (Hà Nội). Taị đây, họ sẽ có một môi trường sống tốt hơn và tạo được công ăn việc làm bền vững, kết nối bối cảnh xung quanh thành một khu văn hóa ven sông Hồng.
"Mình đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội, mình đã yêu nét văn hoá, kiến trúc của Hà Nội từ lúc nào không hay, nên nghĩ mình cần phải biết ơn và sống có trách nhiệm với cộng đồng nơi đây, nên mỗi ý tưởng đưa ra, mình đều muốn gửi gắm tấm lòng và sự gắn bó của mình vào đó. Và chính những giải thưởng đã thôi thúc mình càng ngày càng say mê với những sáng tạo về Thủ đô yêu dấu", Chàng Kiến trúc sư trẻ trải lòng.
Đến bây giờ, khi nhìn lại những gì đã trải qua với những vui buồn, Tú thấy quyết định nghỉ học về quê ôn thi lại sang ngành Kiến trúc của mình năm xưa thật sự không hề uổng phí.