Dân Việt

Hàn Quốc: Đối phó với vấn nạn sinh viên ngoại quốc thuê người học hộ

Trọng Hà 23/05/2023 06:00 GMT+7
Một sinh viên đã bị bắt quả tang thuê người đại diện trong cả học kỳ khi sinh viên này ở lại Trung Quốc.

Theo Bộ giáo dục Hàn Quốc, một xu hướng đáng báo động đang diễn ra, sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Hàn Quốc đang thuê người học hộ để tham dự các lớp học, cũng như làm bài tập về nhà. Vấn nạn này phát sinh trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, việc học online giúp cho sinh viên có thể thoải mái thuê người khác học hộ mình. 

Xu hướng này đã gây lo ngại cho các nhà quản lý và giáo dục đại học, họ nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện việc quản lý sinh viên quốc tế và đưa ra hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người tham gia vào các hoạt động như vậy.

Hàn Quốc: Đối phó với vấn nạn sinh viên ngoại quốc thuê người học hộ

Việc học hộ giúp các sinh viên Trung Quốc dù không đi học, nhưng vẫn nhận được tín chỉ cho các khóa học. Những người được thuê thường được trả các khoản phí từ 10.000 đến 20.000 won mỗi giờ, với các thỏa thuận kéo dài một học kỳ có giá lên tới 600.000 won. Ngạc nhiên thay, một số sinh viên thậm chí còn tìm kiếm những người được thuê để viết luận văn cử nhân hoặc thạc sĩ của họ, sẵn sàng trả một khoản tiền "kếch xù" khi sử dụng các dịch vụ này.

Hàn Quốc: Đối phó với vấn nạn sinh viên ngoại quốc thuê người học hộ - Ảnh 1.

Sihn viên tại một trường Đại học Hàn Quốc. Ảnh: IT.

Các nền tảng trực tuyến, chẳng hạn như cộng đồng trực tuyến phổ biến của Trung Quốc ICNKR và WeChat, đã trở thành điểm nóng cho các giao dịch dối trá. Học sinh đang tìm người học hộ đăng yêu cầu, nêu rõ các yêu cầu như giới tính, ngoại hình hoặc các hướng dẫn đặc biệt như đội mũ và đeo kính. Đại dịch Covid-19 và việc chuyển đổi sang các lớp học trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, nhưng việc sử dụng khẩu trang trong các lớp học trực tiếp cũng "tiếp tay" cho vấn nạn này.

Chẳng hạn, tại Đại học Chung-Ang ở Seoul, một sinh viên Trung Quốc đã bị bắt quả tang thuê người đại diện trong cả học kỳ khi sinh viên này ở lại Trung Quốc. Trường đại học đã phát hiện ra vụ việc vào tháng trước và tiến hành các thủ tục kỷ luật đối với sinh viên này. Đáng chú ý, những người được thuê thường là các sinh viên Trung Quốc, những người xem đó như một công việc bán thời gian.

Các nhà quản lý đại học "xứ kim chi" bày tỏ sự lo ngại về danh tiếng chung của các trường đại học Hàn Quốc, đặc biệt là khi số lượng sinh viên quốc tế tiếp tục tăng. Sinh viên Trung Quốc chiếm một phần đáng kể, với hơn 40% trong số 167.000 sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc đến từ Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn, số lượng sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc tiếp tục tăng, không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ các quốc gia khác như Việt Nam, Philippines và Campuchia. Hành vi phi đạo đức này không chỉ làm suy yếu tính toàn vẹn của hệ thống giáo dục mà còn có nguy cơ làm hoen ố danh tiếng của các tổ chức giáo dục Hàn Quốc.

Yang Jung-ho, giáo sư giáo dục tại Đại học Sungkyunkwan, nhấn mạnh các trường đại học cần giáo dục sinh viên quốc tế về sự bất hợp pháp của việc đi học hộ và những hậu quả tiềm ẩn mà họ có thể phải đối mặt nếu bị bắt. Yang đề nghị thêm rằng chính phủ nên đưa ra các biện pháp xử phạt nghiêm ngặt, chẳng hạn như đình chỉ thị thực, để hạn chế xu hướng đáng lo ngại này.