Dân Việt

Báo cáo Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước, những hạn chế, tồn tại nào được cơ quan thẩm tra chỉ ra?

PVCT 24/05/2023 06:36 GMT+7
Theo chương trình kỳ họp, sáng 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 trước Quốc hội.

Tiếp sau phần trình bày báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Báo cáo Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước, những hạn chế, tồn tại nào được cơ quan thẩm tra chỉ ra? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trình bày báo cáo quyết toán ngán sách nhà nước năm 2021. Ảnh Quốc hội

Cũng trong sáng 24/4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Về nội dung báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, trước đó tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo này.

Theo báo cáo, quyết toán thu NSNN năm 2021 tăng 17,2% so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Thu nội địa tăng 15,9% so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu NSNN đạt 82,5%.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, từ giám sát của Ủy ban và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương: Rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Trong chương trình làm việc buổi chiều 24/5, Quốc hội sẽ thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.