Dân Việt

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (Bài cuối): Liên kết trồng quế hữu cơ, nông dân bán giá cao hơn hẳn, khối người mua

Bình Minh 26/05/2023 13:01 GMT+7
Đêm hôm đó, tôi ngủ lại nhà anh Triệu Phúc Vầy - Giám đốc HTX Quế hữu cơ Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ngôi nhà 3 tầng xây năm 2021 có trị giá hơn 2 tỷ, tôi đếm sơ sơ cũng 5 hay 6 phòng ngủ. Bao quanh “biệt phủ” của Giám đốc người Dao là những rừng quế - “báu vật” của người dân Nậm Đét.
"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (Bài cuối): Liên kết trồng quế hữu cơ, nông dân bán giá cao hơn hẳn, khối người mua - Ảnh 1.

Clip: Anh Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX Quế hữu cơ Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai) giới thiệu về mô hình sản xuất quế hữu cơ. Thực hiện: Bình Minh

Quế hữu cơ bán giá cao hơn 20% so với quế thường

Chiều hôm ấy, tôi theo chân anh Vầy thi thăm hết các cơ sở trồng quế của vị Giám đốc người Dao. Trên chục đường liên xã, thi thoảng thấy từng tốp người từ bìa rừng đi ra, họ gùi theo hàng chục kg vỏ quế trên lưng. Anh Vầy bảo, thời điểm bày đang bắt đầu vào vụ thu hoạch quế ở Nậm Đét. 

Đến vườn ươm, anh Vầy khoe với tôi, đây là vườn ươm cây giống chuyển hóa sang hữu cơ của HTX có diện tích 32ha, đã được Sở NNPTNT Lào Cai công nhận. "Cả tỉnh Lào Cai có mình HTX Quế hữu cơ Nậm Đét có vườn giống chuyển hóa hữu cơ này thôi đấy”.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (bài cuối): Liên kết trồng quế hữu cơ, nông dân bán giá cao hơn 20% so với quế thường - Ảnh 2.

Anh Triệu Phúc Vầy - Giám đốc HTX Quế hữu cơ Nậm Đét bên vườn ươm cây giống của HTX. Ảnh: Bình Minh

Anh Vầy nói tiếp, cây quế do bà Triệu Mùi Pham đem về Nậm Đét trồng từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước. Sau một thời gian trồng, giá quế lúc lên lúc xuống khiến nhiều người không mấy mặn mà. Nhưng đến năm 2015, giá quế bắt đầu ổn định, cuộc sống của người trồng quế cũng khá lên từ đó.

Đặc biệt, mấy năm gần đây, người dân trồng quế ở Nậm Đét có xu hướng chuyển sang trồng quế hữu cơ, phát nương, làm cỏ theo cách làm truyền thống. Khi thu hoạch, phơi quế phải để nơi thoáng đãng, sạch sẽ trên nền trải bạt. Ngoài ra, lý do nông dân thích trồng quế hữu cơ hơn bởi giá thu mua quế hữu cơ cao hơn sản phẩm cùng loại khác.

Nắm bắt được cơ hội này, năm 2018, Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét được thành lập do anh Vầy làm Giám đốc. HTX ra đời với mục tiêu giúp các hộ dân có đầu ra, giá bán quế ổn định.

Đến nay, diện tích quế của HTX là 120ha, ngoài ra, HTX còn liên kết với 150 hộ trên địa bàn xã với diện tích gần 1.800ha. Sản lượng quế trung bình hàng năm loại khô khoảng 300 - 500 tấn; loại tươi 1.000 - 1.500 tấn.

"HTX đang trồng quế theo quy trình sạch và xây dựng thành công chứng nhận quế hữu cơ quốc tế - đây là giấy thông hành để quế Nậm Đét vươn tầm thế giới. Hiện sản phẩm quế của hợp tác xã xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, EU và Nhật Bản", anh Vầy chia sẻ.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (bài cuối): Liên kết trồng quế hữu cơ, nông dân bán giá cao hơn 20% so với quế thường - Ảnh 3.

Anh Vầy cho biết, quế hữu cơ bán giá cao hơn 20% so với quế thường. Ảnh: Bình Minh

Theo anh Vầy, tất cả các bộ phận của cây quế như vỏ, thân, lá đều có thể bán được. Trong khi đó, giá bán quế hữu cơ luôn cao hơn 20% so với quế được trồng thông thường. Đồng thời, khi trồng hữu cơ sẽ được các doanh nghiệp thu mua toàn bộ, nên đầu ra rất ổn định.

Giá bán vỏ quế có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi từng cây. Cây càng già thì vanh quế càng dày, giá bán sẽ cao hơn. Tuy nhiên tính trung bình, 1ha quế sẽ thu được khoảng 600 triệu đồng tiền vỏ, 150 triệu đồng tiền bán thân gỗ và 50 triệu đồng tiền bán lá. Nhẩm tính, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi hộ có thu nhập trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/năm.

Liên kết để làm giàu bền vững

Sang đến vườn trồng, anh Vầy đầy tự hào nói với tôi, trong tổng diện tích quế của HTX có hơn 1.200ha liên kết với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) đã được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế. Hầu hết các hộ trồng quế trong thôn được cấp chứng nhận hộ nông dân sinh thái của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA ORGANIC).

Chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế hay USDA ORGANIC đều là những chứng nhận rất khó để đạt được, vì quá trình kiểm tra rất nghiêm ngặt. Chứng nhận chỉ có hiệu lực 1 năm, hết thời gian này sẽ có các chuyên gia từ nước ngoài lên tận từng rừng trồng lấy mẫu kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn mới được cấp lại chứng nhận, còn không sẽ bị hủy bỏ.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (bài cuối): Liên kết trồng quế hữu cơ, nông dân bán giá cao hơn 20% so với quế thường - Ảnh 4.

Anh Vầy cùng anh Vảng (bên phải) kiểm tra khu sơ chế quế của HTX. Ảnh: Bình Minh

Do đó, để không đánh mất cơ hội đưa sản phẩm của mình xuất khẩu đi các nước trên thế giới với giá cao, các hộ đồng loạt bảo nhau cắp sách đi học tại lớp tập huấn do các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến xã tổ chức cũng như các lớp tập huấn "cầm tay chỉ việc" do doanh nghiệp, HTX triển khai về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý theo một quy trình thống nhất. Trong đó, một yếu tố then chốt để canh tác hữu cơ thành công là "nói không" với thuốc BVTV và không dùng phân bón hóa học. Các hoạt động dọn vườn, phát cỏ, tỉa cây, cành lá sâu bệnh chỉ làm bằng tay, ghi lại bằng nhật ký và có tổ trưởng thường xuyên giám sát nhắc nhở.

Về khai thác, hầu hết các hộ cũng bỏ thói quen khai thác non, đầu tư chăm sóc khi vườn quế đạt 10 - 12 năm mới tiến hành thu tỉa ở những rừng có mật độ dày, những vườn đạt 20 - 30 năm mới khai thác trắng. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng quế đều được tăng lên.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (bài cuối): Liên kết trồng quế hữu cơ, nông dân bán giá cao hơn 20% so với quế thường - Ảnh 5.

Anh Vầy cho biết, mỗi hộ có thu nhập trung bình từ 200 - 400 triệu đồng/năm khi liên kết trồng quế. Ảnh: Bình Minh

Màn đêm buông xuống, ánh điện sáng choang chiếu sáng cả bản làng. Ở ngoài đường tiếng người í ới gọi nhau đi ăn Tết Thanh minh, hòa vào nhóm người, tôi theo chân anh Vầy tham dự tại nhà người thân của anh chỉ cách đó vài bước chân.

Đứng trước hiên nhà anh Vầy, vút tầm mắt, phía những dãy núi xa xa xuất hiện những đốm lớn màu đỏ, nhìn như quả cầu lửa, tôi tò mò không biết đó là gì?. Anh Vầy bảo, "người dân đốt nương đấy. Sau 6 giờ chiều là họ lại đốt, lửa cháy đến sáng mới tắt". Đó là ở những xã khác, không phải xã mình. Từ ngày có cây quế, dân Nậm Đét bỏ đốt nương, rẫy rồi.

Phía bên trong nhà người thân anh Vầy, tiếng chúc tụng rôm rả, họ chúc nhau sức khỏe, công việc thuận lợi, chúc cho vụ quế bán được giá cao.

"Xã tỷ phú" ở Lào Cai (Bài cuối): Liên kết trồng quế hữu cơ, nông dân bán giá cao hơn hẳn, khối người mua - Ảnh 7.