Dân Việt

Kể câu chuyện đi tu bất thành, Phật tử đến từ Huế đoạt giải Nhất cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi”

Hà Tùng Long 24/05/2023 12:21 GMT+7
Sáng nay (24/5), tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi”. Sự kiện hướng tới kỷ niệm Ngày Đức Phật đản sinh và Bồ tát Thích Quảng Đức “vị pháp thiêu thân” bảo vệ chính pháp và truyền thống văn hóa dân tộc.

Cuộc thi "Đạo Phật trong trái tim tôi" chính thức phát động vào ngày 2/11/2022, với mục đích khích lệ tinh thần tìm hiểu đạo Phật trong xã hội, cộng đồng Phật tử, nâng cao hiểu biết về kiến thức Phật pháp, lan tỏa, tôn vinh, giữ gìn những giá trị truyền thống nhân văn, nhân bản của Phật giáo.

Phát biểu tại lễ trao giải, Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sau 6 tháng kể từ khi phát động cuộc thi, tính đến ngày 30/4/2023, Ban tổ chức đã nhận được 800 tác phẩm tham gia dự thi thuộc các thể loại khác nhau, trong đó có tác giả tham gia nhiều nhất với 5 tác phẩm, tác giả tham dự ít nhất với 1 tác phẩm.

Kể câu chuyện đi tu bất thành, Phật tử đến từ Huế đoạt giải Nhất cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi” - Ảnh 1.

Hòa thượngThích Gia Quang phát biểu tại lễ trao giải "Đạo Phật trong trái tim tôi". Ảnh: HNY.

Từ tháng 11/2022 đến cuối tháng 4/2023, Ban Giám khảo đã lựa chọn ra 30 tác phẩm để đăng tải trên Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam, một số tác phẩm sẽ tiếp tục được tuyển chọn đăng tải, cập nhật trong thời gian tới.

Các tác phẩm đã truyền tải nhiều giá trị của cuộc sống, giàu ý nghĩa, ngợi ca, xiển dương, tôn vinh, gìn giữ những giá trị cao đẹp của đạo Phật trong xã hội. Dư âm cuộc thi sẽ tiếp tục lan tỏa, truyền tải những giá trị cao đẹp của Đạo Phật.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Phó trưởng BTC cuộc thi "Đạo Phật trong trái tim tôi" bày tỏ mong muốn có nhiều cuộc thi như thế này để lan tỏa giá trị tốt đẹp của Phật Pháp tới tăng, ni, Phật tử, quý đạo hữu và những người yêu mến đạo Phật trong và ngoài nước.

Kể câu chuyện đi tu bất thành, Phật tử đến từ Huế đoạt giải Nhất cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi” - Ảnh 2.

Hòa thượng Thích Gia Quang trao giải Nhất cho tác giả Quảng Phương. Ảnh: HNY.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho bài viết "Tu nhà" của tác giả Quảng Phương, cư trú tại phường Gia Hội, Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Hai giải Nhì được trao cho các bài viết "Con đã gặp Đức Phật từ vô thỉ kiếp đến bây giờ" của tác giả Lưu Đình Long, cư trú tại TP Hồ Chí Minh và bài viết "Thả trôi nhưng sợ hãi, muộn phiền và bất mãn của đời người" của tác giả Nguyễn Thị Kim Ngọc, cư trú tại TP Hồ Chí Minh.

Ba giải Ba được trao cho các bài viết "Viếng tổ đình Viên Minh" của tác giả Diệu An - Trần Ngọc Hà, cư trú tại Nha Trang (Khánh Hòa), bài viết "Viết cho mẹ và con" của tác giả Trần Thị Minh, cư trú tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và bài viết "Lạy Người, con đã về" của tác giả Dương Thị Kim Yến, cư trú tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kể câu chuyện đi tu bất thành, Phật tử đến từ Huế đoạt giải Nhất cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi” - Ảnh 3.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh và Cư sĩ Thiện Đức trao giải Nhì cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: HNY.

Kể câu chuyện đi tu bất thành, tác giả Quảng Phương đoạt giải Nhất "Đạo Phật trong trái tim tôi"

Chia sẻ với Dân Việt, tác giả Quảng Phương (tên thật Nguyễn Đình Mỹ) cho biết: "Tôi tham gia cuộc thi với tư cách là một Phật tử, đam mê viết lách. Trước khi tôi biết mình đoạt giải, tôi có nói với một người bạn rằng, tôi viết bài này để đưa ra một góc nhìn của mình về đạo Phật và đưa những điều mình đã trải qua để người khác có thể tham khảo ứng dụng vào cuộc sống chứ hoàn toàn không nghĩ mình sẽ đoạt giải.

Vì những lí do đó mà tôi gửi bài viết của mình khá chậm và được nửa tháng sau thì được đăng. Tháng đó tôi cũng được trao giải Bài viết của Tháng. Bài viết của tôi xuất phát từ câu chuyện thật mà mình đã trải qua. Thập niên 80, phong trào vượt biên xuất ngoại rất nhiều. 

Tôi cũng có ý định vượt biên để tìm cơ hội mới cho cuộc sống nhưng do nhiều lí do mà cuối cùng không thành. Sau này tôi nghĩ lại, đó vừa là nghịch duyên nhưng cũng là một sự may mắn cho mình. Vì thời điểm đó, đa số những người vượt biên đều phải bỏ mạng giữa biên khơi, trên những con tàu vượt trùng khơi.

Tôi thấy mình may mắn khi sau biến cố đó đã gặp được đạo Phật và thấm nhuần giáo lý của Phật. Tôi từng có ý định xuống tóc đi tu nhưng vướng nghịch duyên nên bất thành. Tôi ngộ ra rằng, trong thời mạt pháp, cần phải nương vào tha lực cứu độ mười phương của chư Phật để tu sửa mình, tìm cầu trí tuệ và hướng đến sự giải thỏa. Muốn làm được như thế thì trước hết phải "Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa" như ông cha mình đã dạy".