Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm người dân nuôi chó. Vì thế, nhiều người đã chọn các loại chó khác nhau, trong đó có cả chó dữ để làm thú cưng, nuôi trong khu dân cư.
Tuy nhiên, pháp luật quy định quá trình nuôi chăm sóc chó phải đảm bảo an toàn, phải tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, cho cộng đồng.
Theo Quyết định 193/QĐ-TTg ban hành ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế và loại trừ bệnh dại, quy định người nuôi chó phải quản lý chó nuôi, phải tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình, khi ra ngoài còn phải đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải xích giữ chó hoặc có người dắt.
Theo ông Cường, trường hợp để chó thả rông không có người dắt, không đeo rõ mõm dẫn đến chó cắn người, đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người.
Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hậu quả chưa nghiêm trọng, hành vi cũng sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trường hợp chó cắn người mà hậu quả nạn nhân không tử vong, thương tích chưa nghiêm trọng, người quản lý phải chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, với mức phạt hành chính là phạt tiền 1 đến 2 triệu đồng.
Ngoài ra phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự về thiệt hại do vật nuôi gây ra và thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể đến 5 năm tù.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, đối với trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người mà nạn nhân không chết nhưng thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật hình sự với mức phạt là phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích của nạn nhân từ 31% trở lên, người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự.
"Sau những vụ việc thương tâm vừa qua, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là các loại chó dữ, nghiên cứu để ban hành các quy định nhằm cấm hoặc hạn chế những loại vật nuôi nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho cộng đồng" – ông Cường nêu quan điểm.