Tại hội thảo tiếp nhận kiến nghị của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về các giải pháp thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM tổ chức chiều 29/5, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết lượng kiều hối chuyển về trong 5 năm gần đây trên địa bàn thành phố luôn đạt mức tăng trưởng khá.
Năm 2018, lượng kiều hối chuyển về đạt 4,7 tỷ USD, tăng 8,8%; năm 2019 đạt 5,45 tỷ USD, tăng 15,8%; năm 2020 là 6,09 tỷ USD, tăng 11,8%. Con số cao nhất là năm 2021, đạt 7,07 tỷ USD, tăng 16% và năm 2022 đạt 6,6 tỷ USD, giảm 7%.
Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tăng 7,6%/năm.
Theo ông Lệnh, kiều hối là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế xã hội. Nhận diện và đánh giá đầy đủ vai trò, ý nghĩa của nguồn lực này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố”.
Đề án đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kiều hối; về thực hiện các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường, từ nguồn kiều hối và sự tham gia đóng góp của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Nhìn về lượng kiều hối chuyển về trong 5 năm gần đây, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kiều hối bình quân 10% giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM là khả thi.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông, cần tiếp tục triển khai tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là chính sách về kiều hối, cũng như chi trả kiều hối của Ngân hàng Nhà nước (công tác quản lý; phát triển mạng lưới chi trả kiều hối; dịch vụ kiều hối; hoàn thiện chính sách: phản biện, góp ý kiến, đề xuất kiến nghị với NHNN…) nhằm thu hút kiều hối chuyển về.
Thứ hai, điều cơ bản theo ông Lệnh, là tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, đây là giải pháp quan trọng, gắn với nhiệm vụ củng cố vững chắc, ổn định kinh tế vĩ mô, là yếu tố nền tảng không chỉ thu hút nguồn kiều hối mà còn các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước ngoài để phát triển kinh tế Thành phố, kinh tế đất nước.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối, đổi mới quy trình, thủ tục chi trả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận kiều hối, làm tốt hoạt động thông tin, tư vấn, chăm sóc khách hàng, sử dụng ngày càng mở rộng các phương tiện thanh toán hiện đại như ví điện tử; QRcode, các dịch vụ chuyển tiền điện tử…
Cuối cùng, ông Lệnh cho rằng cần làm tốt công tác truyền thông chính sách. Ngoài việc truyền thông cho khách hàng, người dân, người thụ hưởng… còn cần quan tâm các biện pháp truyền thông cho kiều bào nắm rõ chủ trương chính sách, đường lối của Đảng, nhà nước về kiều bào, về sự phát triển đất nước, về chính sách và dịch vụ kiều hối của ngành ngân hàng, các thủ tục.
Ông nhấn mạnh cần quan tâm làm tốt nội dung nhiệm vụ này để kiều bào thuận lợi trong tìm kiếm, tư vấn thông tin, góp phần thu hút nguồn kiều hối về TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.