Giá điện tăng cao sẽ là áp lực đối với nhiều người khi đang là cao điểm sử dụng điện. Với các thiết bị như điều hoà, tủ lạnh, máy giặt và các vật dụng khác, nếu không biết cách sử dụng sẽ tiêu tốn nhiều điện, đồng nghĩa với việc chi trả tiền điện tăng cao.
Theo khuyến cáo, với các phòng có diện tích nhỏ từ 9-15m2, nên lựa chọn điều hoà có công suất 9.000 BTU là phù hợp. Các phòng có diện tích rộng hơn từ 20-30m2 có thể dùng điều hoà công suất 12.000 BTU, các căn phòng rộng hơn nữa sẽ dùng các loại máy có công suất lớn hơn như 18.000 BTU, 24.000 BTU…Nếu sử dụng điều hoà không phù hợp, công suất quá lớn sẽ gây lãng phí và công suất quá nhỏ sẽ không đảm bảo khả năng làm lạnh. Vì thế bạn nên lưu ý điều này.
Khi mở điều hoà, chúng ta phải đảm bảo đóng kín tất cả các cánh cửa để hơi lạnh không bị thoát ra ngoài. Khi cửa hở, hơi lạnh thoát ra, điều hoà phải tăng hoạt động để tạo ra hơi lạnh bù vào khi đã bị mất đi, vì thế mà càng làm tăng quá trình sử dụng điện năng. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn vị trí lắp điều hoà phù hợp để lan toả hơi lạnh một cách đều nhất, có thể sử dụng quạt máy để hỗ trợ.
Đây là cách dùng sai lầm nếu như bạn cảm thấy đủ lạnh và tắt điều hoà đi. Khi nóng quá lại bật lên và vòng xoay lặp đi lặp lại như này sẽ rất tốn điện. Vì mỗi lần tắt bật, hệ thống máy phải khởi động lại từ đầu. Thay vì thói quen này, hãy lưu ý trên chiếc điều khiển của bạn sẽ có nút hẹn giờ, bạn hoàn toàn có thể hẹn giờ tắt mà không phải lo bị thức giấc giữa chừng.
Khi đang cảm thấy nóng nực và muốn lạnh nhanh, nhiều người có thói quen hạ nhiệt độ điều hoà ở mức thấp nhất là 18 độ, tuy nhiên, đây là thói quen gây nguy hiểm cho "sức khoẻ" của chiếc điều hoà. Bất kỳ vật dụng gì cũng cần có thời gian để khởi động và hoạt động từ từ. Chiếc điều hoà cũng tương tự như vậy. Cần phải có thời gian để chúng làm lạnh từ từ vì công suất của điều hòa có giới hạn. Đặc biệt, bắt ép điều hòa hoạt động hết công suất trong thời gian dài có thể khiến dàn nóng gặp phải hiện tượng quá tải và có thể gây cháy nổ, hỏng hóc.
Ngoài ra nếu đang ở khu vực nắng nóng, nhiệt độ cao mà vào phòng lạnh luôn, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn có thể khiến bạn bị sốc nhiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Trong phòng kín, nếu bạn tắt điều hoà trước 30 phút thì trong phòng sẽ vẫn còn hơi lạnh, bạn sẽ tận dụng nốt được không khí mát mẻ trước khi ra ngoài. Đồng thời sẽ giúp cho điều hoà được nghỉ thêm 30 phút không phải dùng đến điện. Do đó, đương nhiên chúng ta có thể tiết kiệm thêm được một chút.
Việc loại bỏ các bụi bẩn, dị vật bám trên điều hoà cũng giúp các thiết bị hoạt động trơn tru, làm lạnh nhanh hơn, giúp tiết kiệm điện. Vì nếu không vệ sinh, lớp bụi dầy đặc sẽ chắn đường thoát ra hơi lạnh của dàn lạnh, khiến điều hoà phải hoạt động nhiều hơn gây tốn điện.