Thông tư số 11 được Bộ LĐTBXH ký giữa năm 2022 hướng dẫn cụ thể một số hoạt động để triển khai Chương trình "Hỗ trợ việc làm bền vững" trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong số đó, có nội dung quản lý dữ liệu lao động được hướng dẫn rất cụ thể.
Chương II của Thông tư 11 của Bộ LĐTBXH, ban hành tháng 6/2022 và có hiệu lực tháng 8/2022 quy định đối tượng cần quản lý về dữ liệu lao động là lao động từ đủ 15 tuổi trở lên đang cư trú tại địa bàn.
Cơ sở dữ liệu về người lao động là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, việc làm, quan hệ lao động của người lao động, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở dữ liệu về người lao động bao gồm các thông tin cơ bản của người lao động, trình độ, kỹ năng lao động, tình trạng việc làm, quan hệ lao động, tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Thông tư quy định, thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động được xác lập từ 2 nguồn sau:
Thông tin đăng ký lao động của người lao động thông qua ứng dụng điện tử đăng ký việc làm hoặc các ứng dụng khác có liên quan.
Thông tin về người lao động được số hóa, chuẩn hóa từ nghiệp vụ thu thập, cập nhật thông tin về lao động. Có kết nối, chia sẻ, đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
Các địa phương khi khai báo dữ liệu lao động cần lưu ý điều chỉnh từ các nguồn sau: Kết quả của quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nghiệp vụ liên quan đến quản lý lao động; Đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thay đổi hoặc phát hiện các thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động chưa đầy đủ, chính xác; Từ các cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có thay đổi.
Cơ quan lao động địa phương hướng dẫn khai báo lao động bằng mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo Cục Việc làm, để triển khai việc khai báo, quản lý dữ liệu về dân cư, các Sở LĐTBXH phải tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện những việc sau:
Xây dựng kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động của địa phương.
Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý.
Tổng hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu về người lao động theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH để xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động trong phạm vi cả nước.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý.
Uỷ ban nhân dân cấp xã căn cứ vào nguồn lực, hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp trên và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện: Lập kế hoạch và tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn quản lý; xử lý các vấn đề phát sinh; Thiết lập cơ chế đối soát, cập nhật, chia sẻ dữ liệu người lao động thu thập với dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác là cơ sở để xác thực hoàn thiện và cung cấp sổ lao động điện tử của người lao động.
Các thông tin từ cơ sở dữ liệu về người lao động được sử dụng để làm cơ sở quản lý lao động và thiết lập sổ lao động điện tử cho người lao động.
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm ở trung ương, địa phương khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước về lao động theo thẩm quyền.
Người lao động sử dụng sổ lao động điện tử để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính liên quan đến đào tạo, tuyển dụng lao động, tham gia các chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và các hoạt động của cơ quan liên quan khác.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu người lao động qua Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH, Cổng thông tin điện tử của địa phương và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Điều 14, Thông tư 11 quy định cách sử dụng dữ liệu lao động trong Tiểu dự án 4.3 về "Hỗ trợ việc làm bền vững". Theo đó, thông tư nhấn mạnh việc xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm cơ sở dữ liệu người lao động phải đảm bảo tính chính xác, sự ổn định thông suốt trên toàn hệ thống. Đồng thời việc quản lý, xử lý phải đảm bảo 4 yêu cầu: “Cập nhật, xử lý và tích hợp thông tin vào các cơ sở dữ liệu liên quan; Quản lý quyền cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu; Theo dõi, giám sát tình hình sử dụng cơ sở dữ liệu; Hỗ trợ vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu”.
Hiện nay khá nhiều địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc thống kê dữ liệu lao động, tuy nhiên việc nhập liệu lưu trữ quản lý đang gặp khó khăn do phần mềm chưa đồng bộ. Vấn đề kinh phí hỗ trợ thống kê, nhập liệu quản lý lao động chưa được phân bổ, làm rõ…