Đây là cách tỉnh Bắc Kạn đang tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Đây là cách tỉnh Bắc Kạn tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 24/05/2023 12:04 PM (GMT+7)
Bắc Kạn xác định để giảm nghèo hiệu quả, bền vững không còn cách nào khách là tạo việc làm cho người nghèo. Bởi vậy, thời gian qua tỉnh này đã có nhiều giải pháp nhằm tư vấn, giới thiệu tạo việc làm bền vững cho người nghèo.
Tạo việc làm bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2- 2,5%/năm
Những năm qua nhờ sự quyết tâm, cách làm sáng tạo trong giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Kạn giảm nhanh và khá bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm hơn 2,6% còn 20.281 hộ, chiếm tỷ lệ 24,71%; hộ cận nghèo giảm 0,53% còn 7.385 hộ, chiếm tỷ lệ 9%. Hai huyện nghèo (Pác Nặm và Ngân Sơn) tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,45%, hộ cận nghèo giảm 0,85%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 2,6%, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số giảm 0,47%. 67 xã đặc biệt khó khăn đều thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,87%.
Để triển khai Chương trình giảm nghèo quốc gia, ngày 3/3/2023 UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch 139 Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, trong đó có nội dung "Hỗ trợ việc làm bền vững" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2% - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 (giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 22,22%, số hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 18.235 hộ, giảm 2.046 hộ).
Cụ thể tỉnh phấn đấu giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm. Mục tiêu giải quyết việc làm cho 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tối thiểu 500 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Tổng nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Bắc Kạn toàn giai đoạn 2021 -2025 là 236.388 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 229.504 triệu đồng (vốn đầu tư 105.463 triệu đồng; vốn sự nghiệp 124.041 triệu đồng); ngân sách địa phương: 6.884 triệu đồng (vốn đầu tư 3.163 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 3.721 triệu đồng).
Để thực hiện giảm nghèo tỉnh triển khai 7 dự án, với tổng kế hoạch vốn trên 236 tỷ đồng trong đó có dự án 4 là phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Ông Phạm Duy Hưng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết để thực hiện nội dung Hỗ trợ việc làm bền vững, tỉnh xây dựng kế hoạch với nội dung cụ thể.
Đầu tiên là xây dựng dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu; cập nhật dữ liệu việc tìm người-người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Kinh phí để triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ việc làm bền vững” trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 là 8.198 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 7.959 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 2.766 triệu đồng; vốn sự nghiệp 5.193 triệu đồng). Ngân sách địa phương là 239 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 83 triệu đồng; vốn sự nghiệp 156 triệu đồng).
UBND tỉnh giao cho Sở LĐTBXH tỉnh chủ trì phối hợp với các các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh này đang triển khai các nội dung thuộc tiểu dự án 4.3, tuy nhiên nhiều nội dung chưa triển khai được hoặc triển khai chậm. Ví dụ như việc thống kê cập nhật dữ liệu thị trường lao động, dữ liệu người tìm việc – việc tìm người. Hoặc nội dung hỗ trợ tiền (400.000 đồng/1 vụ) giới thiệu việc làm thành công cho lao động nghèo.
Một số nội dung được triển khai tốt là việc tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nghèo; trang bị cơ sở hạ tầng, cho địa phương và trung tâm dịch vụ việc làm.
Hiện nay, các ngành, địa phương đã sẵn sàng tổ chức thực hiện chương trình với quyết tâm cao. Bà Nông Thị Diệp - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Na Rì cho biết, địa phương này đang triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong đó có nội dung tiểu Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững”.
"Nhiều nội dung trong tiểu dự án 4.3 "Hỗ trợ việc làm bền vững" đã được địa phương thực hiện như: Xây dựng cơ sở dữ liệu lao động – chủ sử dụng lao động phục vụ cho nhiệm vụ đồng bộ, quản lý thị trường lao động, đầu tư máy móc trang thiết bị", bà Diệp nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.