Nằm trên con phố Trấn Vũ (158 phố Trấn Vũ, quận Ba Đình, Hà Nội) gần với khu phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã có một cửa hàng cơm Mậu dịch số 37 đang dần trở thành điểm đến yêu thích của người dân, du khách trong nước và du khách nước ngoài.
Ngay từ ngoài cửa, du khách đã thấy hình ảnh của một thời kỳ thông qua chiếc cột đèn, chiếc xe đạp hay màu sơn rất đặc trưng. Bước chân vào bên trong, du khách sẽ thấy một không gian ngập tràn những đồ vật, kỷ vật thời bao cấp. Từ những bức ảnh đen trắng, chiếc bàn ăn được làm từ chân máy khâu, bộ gế salon có đệm vải họa tiết hoa văn con công rất đặc trưng… đến cốc bia hơi, viên đá xếp hàng được chủ cửa hàng trưng bày trong tủ kính.
Dường như cửa hàng Mậu dịch 37 đang tái hiện lại khung cảnh xưa của thời bao cấp gian nan mà tràn đầy yêu dấu.
Chị Đặng Thanh Thủy, chủ cửa hàng chia sẻ với Dân Việt, ký ức thời bao cấp lớp trẻ ngày hôm nay được nghe qua những câu chuyện kể của ông bà cha mẹ, là những quầy mậu dịch đông kín người xếp hàng chờ mua lương thực, là cái ti vi trắng đen cả xóm quây quần mỗi tối, là bát đĩa men, đài bán dẫn, dép nhựa Tiền Phong... Một thời Hà Nội gian khó và "có lẽ vì dính mồ hôi con người mà các sợi mỳ gia công có vẻ dai và mặn hơn…". Mậu Dịch số 37 sẽ là nơi lưu giữ ký ức thương mến và nhiều vất vả ấy, trong một không gian nhuốm màu hoài niệm đựng đầy thời gian, giữa lòng Hà Nội hiện đại và sôi động ngày hôm nay.
Điều thú vị, không chỉ có những đồ vật và kỷ vật được trưng bày tại cửa hàng cơm Mậu dịch 37, mà các đồ dùng cho một mâm cơm thời bao cấp như bát men tráng sứ, bát tô đựng canh, muôi… đến các món ăn thời bao cấp như nem mậu dịch, nem Hà Nội, nem cuốn tôm thịt mậu dịch, dưa muối rang top mỡ, rau lang, cơm cháy nồi gang… cũng được chị Thanh Thủy tỉ mỉ lên thực đơn, nấu đúng như thời bao cấp khiến du khách trong nước, đặc biệt là du khách nước ngoài rất thích thú.
Chị Đặng Thanh Thủy cho biết: "Thời đó nghèo khó nên gia đình nào cũng phải tự sáng tạo để làm sao bữa cơm dễ ăn nhất. Nhà tôi nuôi lợn, tôi và các anh hay đi hái mót khoai lang, củ khoai thì về để dành luộc ăn dần, còn ngọn khoai thì ngắt chế biến với om mẻ, trộn lẫn với mắm tôm, thế là cả nhà có bữa ăn tươi. Hay là mỡ lợn được tôi rán, nước mỡ thì cất đi, còn tóp mỡ nấu với dưa chua.
Những món ăn như: rau lang om mẻ, cá riếc kho tương; đậu tẩm hành; cơm độn mì, độn sắn; canh cua tập tành, cà pháo, cơm cháy… rất được du khách trong nước và du khách nước ngoài thích thú và bày tỏ khen ngợi.
Chị Thủy cũng cho hay, chị cũng chỉ trưng bày, tái hiện một lát cắt nhỏ để gợi lại một phần của lịch sử thời bao cấp, chứ chị không muốn tái hiện tất cả để rồi khi mọi người bước vào sẽ chỉ thấy sự nặng nề, in hằn những khó khăn, vất vả, cực nhọc. Thời kỳ nào cũng có những câu chuyện tích cực, với thời kỳ bao cấp cũng vậy, nên chị cũng cứ bám vào tinh thần đó để cố gắng lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của một thời đã qua.
Cửa hàng cơm Mậu dịch số 37 đã có nhiều báo, đài quốc tế đến quay phim, chụp ảnh như New Yorktime của Mỹ; truyền hình NHK của Nhật Bản; báo của Úc.
Lúc đầu khi đồng ý cho họ đến quay video, viết bài, tôi hơi ngại vì tất cả đều là đồ cũ kỹ, ảnh thì đen trắng, đồ vật đều tối màu, thế nhưng không ngờ khi họ quay và gửi link xem thấy quá đẹp, mọi thứ thật trong veo và đong đầy cảm xúc".
Chị Đặng Thanh Thủy cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ tạm dừng, rất nhiều du khách nước ngoài cảm thấy tiếc vì không được đến cửa hàng và sau khi mở cửa, cuộc sống trở về bình thường, họ sang Việt Nam và điều đầu tiên họ làm là quay lại cửa hàng Mậu dịch này.
"Còn có những đoàn du khách nước ngoài đến đây ăn bữa cơm trước khi rời khỏi Việt Nam thì chia sẻ, đây là buổi cuối cùng trong chuyến du lịch ở Việt Nam, được thưởng thức bữa cơm với tinh thần văn hóa Việt. Cảm nhận rõ nét nhất về Việt Nam chính là bữa cơm này và nó sẽ là bữa cơm lưu giữ kỷ niệm đẹp về Việt Nam.
Đó là điều tôi thấy vui, và hiện tại đã là 12 năm mở cửa hàng cơm Mậu dịch mà chưa bao giờ tôi thấy hết đam mê, hết nhiệt huyết. Lúc nào tôi cũng cảm thấy vui, hạnh phúc khi nhìn nét mặt của khách hàng khi bước vào quán, thưởng thức các món ăn", chị Đặng Thanh Thủy nói.
Theo chị Đặng Thanh Thủy, giá trị của cửa hàng cơm Mậu dịch 37 là khi các thế hệ ông bà, bố mẹ đến đây để được ôn lại kỷ niệm một thời họ đã sống, còn các bạn trẻ đến đây để tò mò xem ông bà, bố mẹ mình đã sống như thế nào, ăn uống ra sao ở thời kỳ bao cấp.
Rất đông các bạn trẻ đến đây thưởng thức các món ăn và câu đầu tiên các bạn ấy thốt lên là: Sao bảo khổ mà ăn ngon thế nhỉ? Ăn ngon thế này thì khổ gì?.
Nói về thu nhập và lượng khách đến với cửa hàng cơm Mậu dịch này, theo chị chủ quán, cũng khó để áng chừng, bởi có những ngày cuối tuần đông nườm nượp khách, ngồi kín cả hai tầng nhưng cũng có những ngày lác đác khách đến.
"Thu nhập bình quân, một ngày không cao như nhiều nhà hàng khác, bởi đây là hàng cơm bình dân, các món ăn giá bình dân nên để nói thu nhập của quán để làm giàu là không có. Tôi làm vì đam mê văn hóa, lịch sử, muốn lưu giữ một phần ký ức của thời bao cấp, vì vậy quán mở ra mang giá trị tinh thần nhiều hơn", chị Đặng Thanh Thủy nói.
12 năm mở quán, cửa hàng cơm Mậu dịch số 37 của chị Đặng Thanh Thủy có nhiều món ăn đặc trưng thời bao cấp và cũng có hàng chục món đặc sản của thời kỳ hiện tại được chị đưa vào thực đơn.
Là người tâm huyết và đam mê văn hóa, lịch sử, muốn lưu giữ cho các thế hệ mai sau hiểu phần nào về thời kỳ bao cấp, hiểu thế nào về tem phiếu, hiểu cảnh xếp hàng từ nửa đêm đến gà gáy để được phát 1 lạng thịt hay mớ rau, chiếc quần dài, áo dài… thế nhưng cửa hàng cơm của chị cũng giống như nhiều quán khác, cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí có những lúc chị tưởng mình buông tay.
"Tôi lên ý tưởng làm cửa hàng mậu dịch xuất phát từ đam mê văn hóa, lịch sử, sau nữa là do sự hối thúc và giúp đỡ của nhà văn Nhà văn Việt Hà, họa sĩ Quách Đông Phương, nhà báo Thu Hà… Hơn nữa ngày nhỏ, tôi cũng đã phần nào trải qua thời bao cấp, cũng đã đi xếp hàng. Tuy nhiên thời điểm chuẩn bị khai trương, tôi đã lo nghĩ tới mất ăn, mất ngủ nhiều đêm, có những lúc cũng nản, muốn bỏ cuộc. Bởi vì, tôi không biết mình làm có bị sai không, đã đúng chưa, có bị lên án, có bị cho là ngông cuồng không?.
Rồi thì không biết tìm ai, tìm ở đâu để có được những đồ vật thời bao cấp. Hàng trăm câu hỏi như vậy cứ lẩn quẩn trong đầu tôi hàng đêm.
Thế nhưng ngày khai trương quán, tôi không ngờ đã được đón nhận, có rất nhiều người đến chia vui và ủng hộ tôi bằng những đồ vật mà họ đã lưu giữ suốt mấy chục năm. Rất nhiều bác ở các tỉnh cũng đã tìm đến cửa hàng và tặng tôi những đồ vật như xe đạp phượng hoàng, đài cát xét…
Những vị khách quý này đã ủng hộ, động viên tôi, nói với tôi: Cháu cứ làm đi, cháu đang làm đúng rồi đấy. Rồi cháu nên thế này, cháu nên thế kia… tôi lắng nghe hết và chỉnh sửa". Chị Đặng Thanh Thủy tâm sự.
Hỏi chị trong số những đồ vật được tặng, chị ấn tượng nhất đồ vật nào? Chị Đặng Thanh Thủy cho biết, chị ấn tượng và cực kỳ xúc động với ba vị khách quý này.
Vị khách đầu tiên là Nguyễn Thị Vinh, cựu nhân viên cửa hàng bia Cổ Tân, người đã tặng chị cốc bia hơi. Đây là cốc bia hơi đã theo chân vị khách này trong suốt những năm tháng thời bao cấp với rất nhiều kỷ niệm buồn, vui.
"Cốc bia hơi thời bao cấp giống như cốc bia hơi bây giờ, cũng là thủy tinh với màu xanh nhạt và có những hạt khí bọt. Tuy nhiên cốc bia hơi này có kích thước là 500ml lớn hơn rất nhiều so với cốc bia hơi hiện tại", chị Thanh Thủy cho biết.
Vị khách thứ hai cũng để lại nhiều ấn tượng cho chị, đó là nhà dịch giả Hán Nôm – Mai Xuân Hải.
Nhà dịch giả này đã tặng cho chị viên đá có khắc tên ông và được ông mang đi xếp hàng ở rất nhiều cửa hàng mậu dịch trong những năm tháng bao cấp.
"Bác đến cửa hàng của tôi, bác rất xúc động khi nhìn thấy không gian, đồ vật tôi trưng bày.
Bác có nói với tôi: Đây là kỷ vật đã theo chân bác qua rất nhiều cửa hàng mậu dịch, đã "dậy" cùng bác lúc nửa đêm, gà gáy. Bác có quá nhiều kỷ niệm với viên đá. Tuy nhiên khi bác đến đây, bác thấy, không nơi nào có thể lưu giữ tốt như nơi này. Nơi đây sẽ khiến viên đá được gần gũi nhiều với mọi người. Nó sẽ tự kể lại câu chuyện của chính nó thời kỳ đó", chị Đặng Thanh Thủy chia sẻ.
Câu chuyện thứ ba khiến chị xúc động đó là hai vị khách ở Hải Phòng.
"Hai bác ở Hải Phòng, bác trai làm trong quân đội, bác gái làm y tá. Bác gái kể với tôi, bác đọc báo và biết có một cửa hàng cơm Mậu dịch ở Hà Nội, bác đã nói con trai đưa mình đến.
Khi bước chân vào đến cửa, bác gái đã khóc òa. Bác nói với tôi: nhìn những đồ vật này khiến bác như được sống lại thời bao cấp và rất nhiều kỷ niệm thời đó đã ùa về.
Hai bác bảo tôi, bác muốn tặng toàn bộ đồ dùng sinh hoạt gia đình thời bao cấp cho cửa hàng cơm Mậu dịch số 37. Tôi nghe xong rất xúc động và bất ngờ.
Sau buổi nói chuyện, tôi đã theo bác về Hải Phòng. Tôi ngỡ ngàng vì toàn bộ đồ sinh hoạt cho một gia đình thời bao cấp vẫn được bác giữ nguyên, thậm chí có cái còn mới và rất đẹp. Ví dụ như tủ trưng bày ở phòng khách, chạn bát, bộ bàn ghế salon, hộp trang sức, chậu rửa mặt tráng men bằng sứ trắng. Chiếc chậu này, bác gái nói thời đó rất quý và không phải ai cũng có, bác làm y tá nên may mắn có một cái.
Cũng nhờ sự hào phóng của hai bác mà cửa hàng cơm Mậu dịch số 37 đã có rất nhiều đồ vật thời đó.
Sau đó hai bác không lên thăm quán lần nào, nhưng vừa rồi anh con trai hai bác có lên thăm và nhìn lại các đồ vật của gia đình. Anh báo tin cho tôi biết hai bác đã mất. Nghe tin báo tôi rất buồn nhưng cũng thầm cám ơn hai bác rất nhiều", chị Đặng Thanh Thủy bồi hồi nói.
Theo chị Đặng Thanh Thủy, đây là những câu chuyện thật của những người đã sống trong thời bao cấp, những đồ vật, kỷ vật, những câu chuyện đã tiếp sức cho chị, để chị có thêm nhiều động lực đến ngày hôm nay.
Hỏi chị, đến thời điểm hiện tại, chị mong muốn điều gì nhất?
Chị cho hay, chị muốn tạo dựng một cửa hàng Mậu dịch đúng nghĩa, tức là cửa hàng đó phải được xây dựng là ngôi nhà cấp 4 với gian bếp chung, sân chung.
"Tôi nghĩ rằng nếu tái hiện được ngôi nhà cấp 4 như vậy để mở cửa hàng Mậu dịch sẽ rất độc đáo và thú vị. Tuy nhiên để thực hiện được ước mơ này, tôi nghĩ sẽ còn rất lâu vì vừa phụ thuộc vào tài chính vừa phụ thuộc phải tìm được địa điểm phù hợp với mô hình mà tôi muốn làm", chị Thanh Thủy cho hay.