Những điểm đến Nam Định nổi tiếng này cực thú vị, du khách nên đến
Cách Hà Nội không xa, những địa điểm nổi tiếng này cực thú vị, du khách nên đến
Huy Hoàng (tổng hợp)
Thứ hai, ngày 22/05/2023 13:00 PM (GMT+7)
Không chỉ nổi tiếng với những lễ hội mang bản sắc văn hóa Việt Nam hay những nhà thờ có kiến trúc mang tính nghệ thuật, tinh tế, Nam Định còn được biết đến với nhiều cảnh quan thiên nhiên, điểm đến độc đáo, thú vị mà du khách nên trải nghiệm.
Nằm cách Hà Nội chưa đến 100km, cùng đó là giao thông thuận tiện với phương tiện đường bộ như ô tô khách, xe máy, đường sắt như tàu hỏa. Nam Định đã trở thành một trong những điểm đến được nhiều du khách yêu thích.
Nam Định là tỉnh với nhiều lễ hội lớn mang bản sắc văn hóa Việt Nam như Lễ hội khai ấn đền Trần; Lễ hội Phủ Dầy; Chợ Viềng… Bên cạnh đó, tỉnh này có rất nhiều địa điểm đẹp, hấp dẫn, đặc biệt các nhà thờ với lối kiến trúc nghệ thuật, tinh tế và độc đáo, đặc biệt nhiều nhà thờ được xây dựng từ rất lâu đời. Đến với Nam Định là đến với nhiều địa điểm thú vị mà du khách nên trải nghiệm.
Cồn Lu – Cồn Ngạn thuộc thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, là 1 trong những khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Việt Nam. Sở hữu diện tích cực kỳ rộng lớn lên đến 10.000 ha vùng đệm cộng với 7.000ha vùng bảo vệ rất chặt chẽ. Nơi đây đã trở thành địa hình lý tưởng để nhiều loài sinh vật về đây sinh sống. Và hàng năm, khu ngập mặt Cồn Lu - Cồn Ngạn lại đón tiếp hàng chục ngàn cá thể gồm nhiều loài chim quý từ phương Bắc về.
Theo thống kê của những nhà nghiên cứu, nơi đây quy tụ hơn 220 loài chim quý và có rất nhiều loài chim thuộc diện sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Năm 1989, UNESCO đã chính thức công nhân khu sinh thái Cồn Lu - Cồn Ngạn được tham dự công ước RAMSAR về bảo tồn tự nhiên. Và cũng từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng được đông đảo người dân địa phương và nơi khác về đây tham quan.
Với những du khách yêu thiên nhiên, đất trời và kết nối với nhiều loài chim mới lạ, quý hiếm thì đây là cơ hội để khám phá và trải nghiệm tuyệt với nhiều loài chim mới lạ, quý hiếm.
Nếu du khách đi vào dịp hè, chắc chắn sẽ cảm nhận được bức tranh thiên nhiên nơi đây vô cùng xanh mát, biển trời rộng mênh mông, rực rỡ nắng vàng. Đồng thời sẽ bắt gặp các loài chim di trú về đây nhưng số lượng không nhiều và đa dạng. Chủ yếu là những loài chim bản địa như: vịt trời, cò bợ, bìm bịp, bói cá, chèo bẻo.... Hay những loài chim màu sắc sặc sỡ như: đuôi cụt bụng đỏ, sẻ đồng ngực vàng...
Còn nếu du khách đi vào mùa đông (tháng 11 - 12 đến tháng 3 - tháng 4 năm sau): Lúc này cảnh sắc thiên nhiên không được xanh tươi như mùa hè. Nhưng đây lại là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh thiên nhiên sôi động, hoạt náo của hàng ngàn, hàng vạn loài chim quý hiếm từ phương Bắc về đây di chú. Đặc biệt cứ vào tầm tháng 11, tháng 12 thì từng đàn chim sải cánh bay từ Hàn Quốc, Xibêri... về đây cứ ngụ mang theo nhiều sắc màu sống động cho khu ngập mặn Cồn Lu - Cồn Ngạn.
Top những điểm đến Nam Định: Cửa Ba Lạt
Cửa Ba Lạt tọa lạc nằm ở phía Bắc - xã Giao Thiện - huyện Giao Thủy - tỉnh Nam Định. Phía Nam giáp với xã Nam Phú - Tiền Hải - Thái Bình. Doi đất ngay bờ tại Bắc chính là Cồn Vành thuộc huyện Tiền Hải, doi đất ngay bờ Nam chính là Cồn Lu thuộc huyện Giao Thủy. Trước đây, cửa Ba Lạt chính là cửa ngõ quan trọng về đường thủy để vào Thăng Long và nay nó là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Cửa Ba Lạt hay còn gọi là cửa sông Ba Lạt nơi con sông Hồng chảy ra biển Đông. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của cửa biển Ba Lạt mà sẽ được nghe kể về nhiều câu chuyện đẹp cũng như huyền thoại ly kì nơi đây.
Huyền thoại cửa Ba Lạt Nam Định luôn ẩn chứa những câu chuyện li kỳ và bí ẩn. Người ta thường truyền miệng rằng tên cửa Ba Lạt bắt nguồn từ những xác người chết đói vào những năm 1945 khi không được chôn cất, phải cột 3 mối lạt tre và thả trôi ra sông Hồng để đến nấm mồ lớn ở Biển Đông.
Tuy nhiên theo ghi chép lịch sử, cửa sông Ba Lạt cho đến thế kỷ 18 vẫn thuộc nhánh sông nhỏ khi nhánh sông chính là sông Sò với 2 cửa Lân và cửa Hà Lan. Năm 1787, một cơn lũ lớn dâng nước ngập và đã khai thông cửa Ba Lạt thành cửa lớn trong khi sông Sò đã bị lấp. Sự kiện đó đã được lịch sử ghi lại là "Ba Lạt phá hội" với nhiều ruộng vườn đã biến mất khi dải đất màu mỡ xuất hiện.
Đến với Cửa La Lạt, du khách sẽ cảm nhận rõ hơn về con gió biển mang theo chút vị nồng mặn của muối cộng với hương rừng sú, rừng đước... mang đến sự thân thương, giao hòa với thiên nhiên.
Không chỉ ngắm vẻ đẹp tươi xanh của những cồn đước giữa vùng đầm phá ven biển mà du khách còn có thể tìm hiểu nếp sống, văn hóa, công trình kiến trúc đặc trưng của những ngôi làng bên cửa Ba Lạt.
Dạo quanh những ngôi làng ven sông, du khách sẽ bắt gặp những giáo đường cổ kính như: giáo xứ vùng Giao Thiên, Giao An đã có tuổi đời trên 100 năm. Nhà thờ cổ ở nơi đây không chỉ thiết kế lộng lẫy mà kiến trúc rất độc đáo toát lên vẻ đẹp riêng biệt. Và đây cũng là vùng đất của thiên chúa giáo.
Bên cửa Ba Lạt - nơi sông hòa mình với biển và đây cũng chính là mảnh đất mưu sinh, kiếm sống của biết bao người dân từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và du khách có thể trải nghiệm bắt ngao, bắt cá cùng người dân để thấu hiểu hơn về cuộc sống thường nhật của họ.
Đến tối, du khách có thể thưởng thức bữa tối bên cửa Ba Lạt cùng người dân bản địa với nhiều món hải sản chân quê được chế biến từ ngao, sò, ốc, cá... nhìn rất ngon và dân giã.
Tháp Phổ Minh nằm trong khuôn viên cùa chùa Phổ Minh, thuộc thôn Tức Mặc , phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc độc đáo. Đây là ngôi tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam. Tháp cao tổng cộng 19,51m gồm 1 kiệu bát cống và 13 tầng. Tháp được xây trên một sân nhỏ hình vuông, mỗi chiều là 8,6m và nằm thấp hơn so với mặt đất 0,45m.
Kiệu bát cống là phần đế của tháp được thiết kế hoàn toàn bằng đá xanh mỗi cạnh dài 5,20m. Dưới chân tháp có một băng hoa sen có cánh to cánh nhỏ từ giữa nghiêng dần về góc tháp biểu tượng một đài sen nâng kiệu. Phần dưới bệ đá được tạo dáng cong lên về hai phía làm người ta lầm tưởng do đá bị lún nhưng thực chất là dụng ý xây dựng để tạo đà cho hơn một chục tầng phía trên đều có độ cong như vậy. Nhìn toàn bộ cây tháp người ta sẽ liên tưởng đến một bông hoa Sen đang vươn lên và nở ra giữa hồ nước.
Từ kiệu bát cống trở lên có 13 tầng tháp xây bằng gạch đỏ trổ 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Trước đây, các tầng đều để mộc lộ họa tiết Rồng chầu cùng hoa lá trang trí khá đẹp mắt, các tầng tháp càng lên cao thì chiều cao và chiều rộng của mặt tháp càng nhỏ dần.Trên cùng cây tháp là một hình khối có dáng một đóa hoa Sen chưa nở bằng đất nung già. Tuy nhiên sau đó Tháp đã bị tu sửa và quét lớp xi măng bên ngoài làm mất đi hoa văn của viên gạch.
Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ tháp cũng như được tìm hiểu về lịch sử của ngôi chùa và tháp Phổ Minh, đồng thời sẽ được tham quan hồ sen thơm ngát, chiêm ngưỡng những cây đại thụ to lớn, tỏa bóng, xum xuê, những mái nhà kiểu cổ,…
Top những điểm đến Nam Định: Bãi Tắm Thịnh Long
Thịnh Long là một bãi biển hoang sơ dài khoảng 3km nằm ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 150 km. Khác với sự đông đúc nhộn nhịp của biển Sầm Sơn hay Cửa Lò, Thịnh Long lại hấp dẫn du khách bởi một vẻ đẹp hoang sơ, bình dị với làn nước biển trong xanh, bờ cát trắng mịn.
Do không chịu ảnh hưởng của gió Lào oi nồng khô nóng nên bầu không khí tại đây cực kỳ mát mẻ, dễ chịu, rất thích hợp để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc hay học tập căng thẳng. Đặc biệt, hải sản tại đây rất tươi ngon mà giá lại vô cùng rẻ.
Thời điểm lý tưởng nhất để đến đây là mùa hè, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.
Top những điểm đến Nam Định: Bảo Tàng Đồng Quê
Tọa lạc trên diện tích 5.000m2, Bảo tàng Đồng quê thuộc xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, được ra đời từ năm 2010 và là nơi hấp dẫn du khách bởi tái hiện lại cơ bản cuộc sống chân quê, dân dã của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Bảo tàng gồm 3 khu trưng bày chính: Khu trưng bày ngoài trời; khu trưng bày trong nhà; khu văn hóa ẩm thực đồng quê.
Từ cổng vào, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những mẫu nhà tranh vách đất được lợp bằng rơm rạ của bần cố nông những năm 30, 50 của thế kỷ trước; ngôi nhà trung nông với bờ tường xây luồn gianh lợp cói; nhà địa chủ với nhà ngói, gỗ lim; nhà gác tường có từ những năm 60 của thế kỷ trước được trồng nhiều cây như cây sung, cây cau...
Ở khu trưng bày trong nhà là tòa nhà 4 tầng nằm chính giữa trung tâm bảo tàng. Nơi đây, trưng bày nhiều hiện vật, hiện kim quý qua các thời kỳ.
Tầng 2 và tầng 3 là khu trưng bày liên quan đến hàng nghìn hiện vật của vùng quê Bắc Bộ: Công cụ lao động sản xuất nông nghiệp, nghề muối, nghề biển... Các dụng cụ chủ yếu liên quan đến nghề trồng lúa và cuộc sống sinh hoạt của người dân quê Bắc Bộ như: Nồi, mâm, sanh đồng, đèn dầu, tiền xu, tiền giấy Đông Dương...
Tầng 4 là thư viện mini nhỏ trang bị hơn 1.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ năm 1945 mà nhiều thư viện khác không có. Và đây cũng là nơi sử dụng không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân địa phương.
Top những điểm đến Nam Định: Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai
Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai là một trong những điểm đến check in được nhiều bạn trẻ yêu thích, bởi nơi đây có kiến trúc Gothic với những mái vòm nhọn đặc trưng.
Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai thuộc xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Nhà thờ này thuở ban đầu có phong cách kiến trúc Gothic đậm dấu ấn Tây Ban Nha, sau được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. Với chiều dài 80 mét, rộng 27 mét, cao 30 mét, Nhà thờ Phú Nhai được mệnh danh là Thánh đường lớn nhất Đông Nam Á.
Hai tháp chuông cao 44 mét đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng lần lượt là: 2 tấn – 1.2 tấn – 0.6 tấn và 0.1 tấn.
Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá. Đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai, người dân sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh của huyện Xuân Trường.
Từ xa đi lại, qua chiếc cổng đá cổ kính của nhà thờ, khách tham quan được tận mắt ngắm nghía vẻ kì vì của tòa thánh đường.
Top những điểm đến Nam Định: Phủ Dầy
Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Giầy (hay còn được ghi là Phủ Dầy) thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại tỉnh Nam Định. Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà chúa Liễu Hạnh- vị thánh bất tử của Việt Nam.
Kiến trúc quan trọng nhất là Phủ chính Tiên Hương - công trình được xây dựng từ thời Lê - Cảnh Trị (1663 - 1671), Phủ Vân Cát - được xây dựng trên khu đất rộng gần 1 hecta, mặt quay về hướng tây bắc. Cùng xác công trình kiến trúc xây dựng nằm liền kề với quy mô bề thế mang phong cách cổ truyền dân tộc hết sức độc đáo. Đặc biệt lăng Bà chúa Liễu do Nam Phương Hoàng Hậu ( vợ vua Bảo Đại) hưng công năm 1938 làm toàn bằng đá xanh và có 60 búp sen đá hồng trông xa như một hồ sen cạn. Chính giữa là mộ tưởng niệm của công chúa Liễu Hạnh.
Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn bà chúa Liễu Hạnh với sự tham gia của đông đảo dân chúng. Di tích Phủ Dầy có giá trị rất cao, thể hiện được trình độ kiến trúc nghệ thuật Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.