Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu tại buổi thảo luận kinh tế xã hội sáng 1/6 của Quốc hội. Bà Thúy cho hay ghi nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng chương trình phổ thông khi "không chủ động được về cả người và tiền".
Tuy vậy theo bà, nếu Bộ kiểm tra, thanh tra sâu, kịp thời trao đổi với lãnh đạo địa phương, báo cáo thủ tướng tháo gỡ thì những khó khăn, sai phạm ấy không phải không phải không có cách giải quyết. Bà Thúy xin nêu 3 hạn chế về điều hành của Bộ Giáo dục.
Thứ nhất là sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD), doanh nghiệp trực thuộc Bộ mà phải xử lý hình sự nên: "Có trách nhiệm của cơ quan chủ quản từ bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng đến thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát".
Thứ 2, về sai sót trong một số sách giáo khoa và thiếu sách giáo khoa trong năm tới, bà Thúy cho rằng: "Thái độ của bộ và các nhà xuất bản trong tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hầu hết ý kiến phê bình không được trả lời hoặc trả lời không đúng thực tế".
Ví dụ, trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng khẳng định NXBGD đã thu hồi, sửa chữa 110.000 cuốn và hủy in lại 38.000 cuốn Khoa học Tự nhiên lớp 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều trường, sách chưa được thay mới.
"Muốn biết thông tin nào đúng, sai chỉ cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách là rõ. Nếu sách được sửa thì sửa thời gian nào, quyết định thành lập hội đồng thẩm định, biên bản của thẩm định, quyết định phê duyệt của Bộ trưởng có hay không?", đại biểu nêu quan điểm.
Cũng theo bà Thúy, trong thư trả lời chất vấn mới đây, Bộ trưởng Giáo dục tái khẳng định ý kiến của đại diện của NXBGD khi làm việc với Phó thủ tướng, nội dung đến 30/4/2023, tỷ lệ in sách của Nhà xuất bản Giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho các khối lớp 4 – 8- 11 đạt 79%.
Thực tế đến 5/5/2023, nhà xuất bản này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4 – 8 – 11 để nhập kho với thời gian mở thầu là 9h ngày 21/5/2023. "Như vậy, số lượng 79% NXB báo cáo Phó thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu", bà Thúy nói.
Hạn chế thứ 3 theo nữ đại biểu là: "Tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường, phụ huynh trong chọn sách giáo khoa". Việc này bắt nguồn từ Thông tư 25/2020 của Bộ Giáo dục, giao quyền chọn sách cho một hội đồng 15 người nhưng không có quy định khi 1 sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ ra sao thì hội đồng có trách nhiệm chọn cuốn ấy.
Bà Thúy nói: "Nhiều tổ chuyên môn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp ý kiến cấp trên. Tôi có địa chỉ cụ thể của những giáo viên, cán bộ quản lý này".
Cầm tập hồ sơ trên tay, bà Thúy cho hay đây là báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục Phương Nam - công ty con của NXBGD. Nó thể hiện chưa đầy 2 năm, Công ty Phương Nam chi gần 100 tỷ "phát triển thị trường và tập huấn".
"Không rõ Bộ giáo dục đã thanh tra nội dung này chưa, nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện xử lý hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này, rồi có ngày hối không kịp như vụ Việt Á hoặc các vụ hình sự khác về đấu thầu trong chính ngành giáo dục", bà Thúy nói.