Từ cuối 2022, thị trường bất động sản TP.HCM dường như tê liệt. Hàng loạt dự án phải tạm dừng triển khai vì nhiều nguyên nhân như thiếu dòng tiền, thanh khoản kém.... Trong đó, điểm nghẽn pháp lý là nguyên nhân chính khiến nhiều công trình phải nằm đắp chiếu.
Các dự án "dậm chân tại chỗ" đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung nhà ở, đặc biệt là đối với TP.HCM - địa phương tập trung dân số đông với nhu cầu nhà ở đứng đầu cả nước. Nhiều người lao động nóng lòng chờ mong được tiếp cận, mua các sản phẩm nhà ở giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền nhưng không có nguồn cung.
Tuy nhiên, từ quý 2/2023, hàng loạt động thái ráo riết, gỡ khó cho bất động sản đã được cơ quan quản lí triển khai. Bất động sản trở thành lĩnh vực kinh doanh được quan tâm hàng đầu. Nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ, trình bày khó khăn vướng mắc giữa chính quyền với các doanh nghiệp đã được diễn ra. Liền sau đó là loạt cơ chế, quy định mới được ban hành để gỡ khó cho bất động sản...
Những điều trên đã góp phần "hâm nóng" thị trường, vực dậy niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, những người lao động có thể mong chờ về chốn an cư trong thời gian tới khi mà nguồn cung sản phẩm nhà ở dồi dào hơn.
Khảo sát thực tế, từ những tín hiệu tốt về mặt chính sách, doanh nghiệp có thêm trợ lực để "phá băng" thị trường. Nhiều đơn vị đã thực hiện chiến lược tái khởi động dự án để tranh thủ chiếm thanh khoản, hướng vào nhóm khách sẵn sàng tiền mặt, có tâm lí chờ mua bất động sản giá rẻ. Chính vì thế, tại TP.HCM, nhiều công trình xây dựng đã bắt đầu nhộn nhịp thi công sau thời gian dài ngưng trệ.
Ông Phan Công Chánh - chuyên gia bất động sản cho biết thị trường bất động sản TP.HCM liên tiếp nhận được trợ lực từ việc tháo gỡ khó khăn về trái phiếu, hạ nhiệt lãi suất ngân hàng. Các động thái này được xem như là giải pháp giúp thị trường "phá băng", phục hồi trở lại.
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá mặc dù giao dịch chưa thể sôi động ngay, nhưng có thể thấy thị trường đang dần có dấu hiệu vực dậy niềm tin. Sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, tín dụng... dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm lên từ quý 3/2023.
Việc gỡ khó cho các dự án, hồi phục thị trường kinh tế vẫn đang là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý địa phương. Mới đây nhất, ngày 31/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định về việc kiện toàn Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là Tổ Công tác).
Tổ Công tác sẽ do các lãnh đạo cấp cao thành phố phụ trách, bao gồm: Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai làm Tổ phó; các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành.
Được biết, nhiệm vụ của Tổ Công tác là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM do các sở, ban, ngành của thành phố đang thụ lý hồ sơ. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian theo quy định pháp luật.
Đồng thời, Tổ Công tác sẽ rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.
Rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Trước đó, UBND TP.HCM đã báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu đề xuất kiến nghị đối với Tổ công tác Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn của các dự án bất động sản trên địa bàn.
Kết quả, UBND TPHCM đã chủ trì, tổ chức hợp với các Sở, ngành có liên quan để làm rõ các nội dung vướng mắc và chỉ đạo giải quyết 16/36 dự án theo danh mục mà do Tổ công tác gửi UBND TPHCM yêu cầu rà soát.
Còn lại 20/36 dự án, UBND TP.HCM đã giao các Sở ngành tiếp tục rà soát pháp lý để tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp một. Các nguyên nhân vướng mắc tại các dự án còn lại như: thủ tục điều chỉnh quy hoạch xây dựng; xác định giá trị quyền sử dụng đất và gia hạn tiến độ thực hiện dự án; rà soát lại pháp lý dự án…
Đồng thời, thành phố cũng đang tập trung giải quyết các kiến nghị tháo gỡ của các dự án bất động sản do Hiệp hội bất động sản TP.HCM tổng hợp (khoảng 148 dự án, với 189 kiến nghị). Trong số đó có những dự án thuộc danh sách 36 dự án mà Tổ công tác đã gửi UBND TP.HCM yêu cầu rà soát.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng những nỗ lực của UBND TP.HCM bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường bất động sản. Đồng thời, ông Châu kỳ vọng thời gian tới phần lớn các dự án bị vướng thủ tục pháp lý sẽ được giải quyết, để ổn định thị trường.