Chị Nguyễn Thị Hồng – 58 tuổi, lao động di cư tự do, chuyên là nghề thu nhặt phế liệu tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, chị từng làm qua nhiều công việc như: Bốc vác; thợ hồ; bây giờ là nhặt buôn bán phế liệu. Công việc nào của chị cũng vất vả, tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, chị không hề được bảo hộ lao động, cũng không có bảo hiểm. Mỗi lần không may gặp tai nạn lao động thì “tự xử”. Tự bưng bó, tự lấy thuốc uống, chứ không dám đi bệnh viện.
Nghe thông tin có thể tới đây, những lao động như chị sẽ được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, được hỗ trợ khi chẳng may gặp tai nạn… chị Hồng tỏ ra rất vui mừng và phấn khởi.
“Lần đầu tiên tôi nghe tới có chính sách này, chúng tôi làm công việc tự do, không có bảo hiểm nghĩ rất thiệt thòi nhưng không biết làm thế nào cả”, chị Hồng chia sẻ.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, cả nước có hơn 52 triệu lao động, gần 50% trong số này trong số này là lao động phi chính thức, làm công việc tự do, không có hợp đồng lao động. Số này chủ yếu rơi vào hộ nông dân, làm nông nghiệp, người làm nghề dịch vụ nhỏ lẻ, hợp tác xã… Hầu hết trong số này chưa tham gia BHXH, nếu có cũng chỉ số ít tham gia BHXH tự nguyện, hoặc mua bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, đây là đối tượng lao động trực tiếp, đặc thù công việc vất vả, nguy cơ hứng chịu tai nạn lao động rất cao. Chính bởi vậy, mới đây Bộ LĐTBXH đã đề xuất hỗ trợ tiền để lao động tự do tham gia BH tai nạn lao động trong Dự thảo Nghị định về BHXH tai nạn lao động tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng.
Theo đề xuất này, lao động tự do chỉ phải đóng từ 65.000 đồng/tháng và được Nhà nước hỗ trợ một phần, lao động tự do tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được nhận trợ cấp khi gặp tai nạn lao động.
Người lao động được tham gia loại hình bảo hiểm này khi đủ 15 tuổi trở lên, làm việc trong khu vực không chính thức. Loại bảo hiểm này là một phần của quỹ BHXH.
Dự thảo cũng ghi rõ người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi gặp tai nạn trong quá trình làm việc suy giảm sức khỏe từ 5% trở lên sẽ được hưởng các chế độ như: chi phí giám định sức khỏe; trợ cấp 1 lần, hằng tháng, phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Khi suy giảm sức khỏe từ 5 - 30% do tai nạn lao động, người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần.
Cụ thể, mất sức lao động 5% sẽ được nhận trợ cấp 1 lần bằng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó mất sức thêm 1% được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Nếu tham gia nhiều năm, từ năm thứ 2 trở đi được tính cộng thêm 0,3 mức lương cơ sở.
Từ 1/7 tới, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, trường hợp tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được 2 năm, khi gặp tai nạn mất sức 10% sẽ nhận được trợ cấp 1 lần là 14,04 triệu đồng.
Trường hợp người lao động gặp tai nạn dẫn tới tử vong (kể cả tử vong khi điều trị, tái phát thương tật), người thân sẽ nhận được trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở, tức 64,8 triệu đồng.
Trường hợp người tham gia loại bảo hiểm trên bị tai nạn lao động có tỷ lệ mất sức từ 31% trở lên sẽ nhận trợ cấp hằng tháng.
Cụ thể, khi suy giảm sức khỏe 31% sẽ được trợ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó suy giảm thêm 1% được cộng thêm 2% mức lương cơ sở; trường hợp đóng bảo hiểm dưới 1 năm được tính thêm 0,5% mức lương cơ sở, từ năm thứ 2 trở đi tính thêm 0,3% lương cơ sở, được cấp bảo hiểm y tế miễn phí.
Nếu người lao động bị tai nạn và mất sức 40%, tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được 2 năm, sẽ nhận được mức trợ cấp 878.400 đồng/tháng.
Trường hợp người lao động bị tai nạn khi làm việc dẫn tới mất sức từ 81% trở lên kèm các thương tật như: liệt cột sống, mù hai mắt, cụt hoặc liệt hai chi, bị bệnh tâm thần, ngoài mức trợ cấp hằng tháng kể trên còn được trợ cấp hằng tháng phục vụ bằng lương cơ sở (thêm 1,8 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, trường hợp người tham gia bảo hiểm gặp tai nạn phải sử dụng các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình thì được thanh toán kinh phí theo chỉ định của bác sĩ.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bằng 2% mức lương tối thiểu vùng 4, hiện lương tối thiểu vùng 4 là 3,25 triệu đồng, tức người lao động đóng 65.000 đồng/tháng. Trường hợp người lao động phi chính thức thuộc hộ nghèo khi đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hỗ trợ thêm mức đóng bằng 30% chuẩn nghèo nông thôn.
Nếu người tham gia thuộc hộ cận nghèo, được hỗ trợ 25% chuẩn nghèo nông thôn. Với người tham gia không thuộc 2 nhóm trên, Nhà nước hỗ trợ 10% chuẩn nghèo. Phần hỗ trợ này do ngân sách địa phương chi trả.
Người lao động có thể đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tại cơ quan BHXH gần nhất. Người lao động có thể lựa chọn các phương thức đóng hàng tháng, đóng 3 tháng/lần, đóng 6 tháng/lần, đóng 12 tháng/lần.
Ông Lê Văn sơn – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng – đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với lao động di cư, lao động tự do đánh giá cao đề xuất này của Bộ LĐTBXH.
“Đây là đề xuất nhân văn, tiến bộ, thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước với những lao động yếu thế”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, lao động phi chính thức, làm công việc tự do vốn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, dễ mắc tai nạn lao động. Vì thế nếu đề xuất được thông qua sẽ tạo điều kiện chăm lo tốt hơn cho nhóm lao động này. Giúp họ chăm sóc sức khỏe tốt hơn từ đó tăng năng suất lao động, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước.
Tuy đồng tình nhưng bản thân ông Sơn cũng mong muốn các mức đề xuất hỗ trợ 1 làn và hỗ trợ hàng tháng đối tượng tai nạn lao động có thể được nâng lên. Vì khoản tiền vài trăm nghìn 1 tháng chưa thể hỗ trợ nhiều cho lao động.