Từ đầu năm 2023, nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá thị trường trên địa bàn TP.HCM và các khu vực lân cận đang gặp nhiều khó khăn bởi chính sách pháp lý và siết tín dụng ngân hàng. Việc ngân hàng siết tín dụng cho vay vào bất động sản và tăng lãi suất đã khiến nhiều nhà đầu tư "lao đao" phải bán đi nhiều tài sản để có dòng tiền xoay vòng. Nhiều thông tin về bán cắt lỗ, bán hạ giá, "ngộp" nhà đất được rao nhan nhản trên các trang web, hoặc tờ rơi…
Theo ghi nhận của Dân Việt, trên địa bàn quận 9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) hiện nay có rất nhiều người rao bán đất, đặc biệt tại khu vực các phường như Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B… đây là một trong nhũng phường có nhiều đất nền, lại gần khu trung tâm và kết nối đến các tuyến đường.
Hay các phường khác trên địa bàn TP.Thủ Đức như phường Linh Tây, phường Bình Chiểu, phường Hiệp Bình Phước… đâu đâu cũng treo biển rao bán nhà đất, căn hộ…
Một số nơi còn đăng thông tin về việc bán cắt lỗ, bán hạ giá, thậm chí là rao thẳng trên mạng xã hội "bán nhà trả nợ ngân hàng"
Hay tại các tỉnh lân cận TP.HCM như tỉnh Bình Dương, nhiều nhà đầu tư cũng rao bán nhà đất trên mạng xã hội, hoặc cung cấp thông tin cho các sàn giao dịch bất động sản để tìm khác. Tất cả cùng mục đích muốn bán được sản phẩm để thu về tiền mặt.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, nhìn chung hiện nay thị trường bất động sản đúng là đang gặp khó khăn về nhiều mặt, tính thanh khoản chậm hơn trước. Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng gặp khó khăn, thậm chí có những người dựa vào những thông tin khó khăn để đẩy "hàng tồn", hoặc bán nhà đất nhưng vẫn thu lợi.
Anh Phan Trung Nhân nhà đầu tư đất tại phường Long Phước, TP.Thủ Đức cho biết từ tháng 5/2022, anh Nhân mua một miếng đất gần khu vực sông Đồng Nai có diện tích hơn 230m2 với giá hơn 3 tỷ đồng, khu đất này sau 2 tháng được trả gần 4 tỷ.
"Lúc đấy, mua xong là tôi đã lời nhiều rồi. Nhưng vẫn muốn giữ lại vì vị trí đất đẹp rộng, ngoài ra muốn làm của để dành, nhưng đầu năm 2023 thị trường bất động sản và nhiều ngành nghề khó khăn, vợ tôi mất việc nên tôi muốn bán có tiền trang trải và duy trì cuộc sống của gia đình. Tháng 4/2023 tôi bán với giá 4,2 tỷ nhưng không ai mua, sau đành phải rao bán cắt lỗ, trả nợ với giá 3,7 tỷ và đã có người mua" anh Nhân chia sẻ.
Cũng theo anh Nhân, với giá trên mà so với thị trường ở thời điểm đỉnh thì anh không bán, nhưng kinh tế khó khăn, ai cũng cần tiền mặt, ôm khư khư 1 mảnh đất mà khiến gia đình khổ cực thì không nên. Trong khi đó, so với số tiền bỏ ra ban đầu thì anh Nhân vẫn đã có lời.
Đơn cử tại Bình Dương, trong khu nhà phố Him Lam Phú Đông (phường An Bình, TP.Dĩ An) cũng có một số nhà đầu tư muốn bán lại căn nhà để thu tiền. Với căn kế góc, diện tích 100m2 (diện tích sàn hơn 400m2) được đầu tư xây dựng nội thất bài bản. PV Dân Việt đã liên hệ theo số điện thoại để tìm hiểu thì được chủ nhà báo giá là 9,9 tỷ đồng/căn.
Khi được thắc mắc là bán giá quá cao thì chủ nhà nói cần tiền mặt mới bán nhà và giá đấy có thể hạ bán lỗ so với thị trường còn 9,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ chủ đầu tư của dự án trên, khoảng 4 năm trước, dự án trên khi được xây dựng chỉ bán với mức giá 3 - 5 tỷ đồng tuỳ vào vị trí và diện tích các căn nhà phố. Sau nhiều năm, giá trị của khu vực đất cũng tăng lên theo thời gian.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một nhà đầu tư tay ngang ở TP.HCM cho hay: "Cách đây 2 tuần, có mua 1 lô đất tại phường Linh Đông, TP.Thủ Đức với giá 6 tỷ diện tích 130m2 đã có nhà. Chủ nhà rao bán lỗ và chấp nhận bỏ các chi phí để giao dịch được sớm. Sau khi nhận nhà, tôi mới biết chủ này trước đó chỉ mua miếng đất trên với giá gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi mua với mục đích là kinh doanh và vị trí đất đẹp còn có thể sinh lợi nên không quá quan tâm".
Theo ông Lê Đình Lăng - Giám đốc ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phá triển Địa ốc Song Long: "Việc rao bán cắt lỗ lúc nào cũng xuất hiện. Ngay cả khi thị trường bất động sản đang nóng sốt, vẫn rất nhiều người rao bán với nội dung "cần tiền bán cắt lỗ gấp"… Nhưng trên thực tế, hiện nay rất khó kiếm được những lô đất nào bán cắt lỗ, bán hạ giá thực sự".
"Những nhà đầu tư giai đoạn đầu, khi họ mua đất thường với giá thành khá rẻ, nhiều năm sau khu vực đất đã tăng giá, mặt bằng chung thị trường cả khu tăng thì họ bán có rẻ đi chăng nữa vẫn có lời. Ví dụ, mảnh đất mua vào với giá 1 tỷ đồng, sau đó bán lại với giá 900 triệu đồng mới thực sự là cắt lỗ. Còn mảnh đất mua vào với giá 1 tỷ nhưng vẫn bán được với giá 2 tỷ đồng, dù thấp hơn so với giai đoạn sốt nhưng vẫn chỉ là giảm giá, giảm kỳ vọng lời", ông Lăng cho hay.
Một số chuyên gia bất động sản nhận định, thời gian qua thị trường nhà đất đã bị đẩy lên quá cao, không còn phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, chi phí vốn, giá đất,... đã gây áp lực lên giá thành bất động sản.
Các nhà đầu tư hiện tại nếu bán cắt lỗ chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp, họ vào sau và gặp đúng thời điểm khó khăn của thị trường và nền kinh tế nên buộc bán lỗ. Còn những nhà đầu tư giai đoạn đầu vẫn ung dung thu lợi.