Dân Việt

Chủ tịch Quốc hội: "Một vấn đề về nước nhưng có rất nhiều anh quản"

Quỳnh Nguyễn 05/06/2023 18:11 GMT+7
Chủ tịch Quốc hôi Vương Đình Huệ chỉ ra thực tế hiện vấn đề về nước đang có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý. Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Tài nguyên nước sửa đổi nên quy định rành mạch chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các bộ.

Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham gia ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ, nhấn mạnh, quán triệt quan điểm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước cũng như sử dụng nước tiết kiệm.

Chủ tịch Quốc hội: "Một vấn đề về nước nhưng có rất nhiều anh quản" - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ về Luật Tài nguyên nước.

60% tổng lượng nước của Việt Nam phụ thuộc nước ngoài

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một trong những phạm trù về an ninh. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết riêng về vấn đề an ninh nguồn nước. 

"Nước ta là nước nắng nóng, mưa nhiều nên nhiều người nghĩ Việt Nam nhiều nước lắm, nhưng thực tế không phải như vậy. Hiện 60% tổng lượng nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài, trong đó có những lưu vực sông như lưu vực sông Mê Kông phụ thuộc đến 90%", ông Huệ nêu thực tế và nhận xét, vấn đề bảo đảm an ninh an toàn nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đã có trong luật nhưng nguyên tắc, quan điểm, giải pháp thì chưa nhiều.

Ông Huệ dẫn chứng, nhà máy nước thải ở Hà Nội thời ông còn là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông đi thăm và được biết nước sau xử lý sẽ đổ ra mương rồi ra biển, không có kế hoạch để sử dụng số nước đó, hoặc sử dụng trở lại để bổ cập cho sông Tô Lịch.

Trong khi đó, ở đất nước Israel, người dân tận dụng từng giọt nước, dùng hết cho thuỷ lợi, họ có quy định sử dụng nước cụ thể và coi đó như một sản phẩm của nhà máy nước thải.

"Chưa kể bùn sông, Israel không dùng cho nông nghiệp, nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam nếu đưa bùn đó ra sản xuất phân để dùng cho lâm nghiệp thì quá tốt, như thế nó còn có thêm hiệu quả sử dụng nữa sau xử lý nước thải. Hiện nay, các nhà máy xử lý nước thải của ta chưa tính đến việc đó", ông Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải tính lại chuyện nước thải và nước tận dụng sau khi xử lý nước thải, đó cũng là tài nguyên nên phải có kế hoạch sử dụng triệt để.

Bộ, ngành chồng chéo trong quản lý lĩnh vực nước

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một thực tế khác, quy định pháp luật về nước thôi "rất nhiều anh quản". 

"Bộ Tài nguyên - Môi trường thì quản lý nhà nước về nước nói chung và nước ngầm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì quản lý nước thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, quản lý nước sạch nhưng là nước sạch nông thôn, trong khi đó nước sạch đô thị lại thuộc quản lý của Bộ Xây dựng. Bộ Công Thương quản lý nước trong các công trình thuỷ điện. Bộ Giao thông Vận tải lại quản lý nhà nước về đường thuỷ nội địa và giao thông thuỷ nói chung. Bộ Y tế quản lý về chất lượng nước sinh hoạt. Rất nhiều bộ, rất nhiều ngành!", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong dự án luật này nên quy định rành mạch chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ. Theo đó, Nhà nước và Chính phủ quản lý về lĩnh vực này, Bộ Tài nguyên - Môi trường là cơ quan đầu mối chủ trì giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước và trực tiếp quản lý một số lĩnh vực khác.

"Theo tôi, sửa luật cũng là cơ hội để làm rõ việc quản lý tài nguyên nước. Về luật này kỳ trước chúng ta còn nói nôm na lắm, thảo luận rất kỹ, nói mãi nhưng chưa triển khai được", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại vụ sông Đà bị đổ dầu thải vào năm 2019, khiến cho đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

"Ta cũng đã thấy rồi, cách đây vài năm có vụ nước ô nhiễm ở Hoà Bình. Khi chúng tôi yêu cầu phải lắp đặt các trạm nước mặt này thì ngành tài nguyên của Thủ đô bảo không có định mức, không có chi phí cho việc này. Tôi nghĩ luật giờ có phải bổ sung không?", ông Huệ nêu câu hỏi. 

Bên cạnh đó, theo ông Huệ, nước ngầm cũng không ai quản lý, khai thác quá mức nước ngầm làm sụt lún ở miền Đông Nam Bộ, làm cạn kiệt nguồn nước cho Tây Nguyên, không có nước tưới tiêu, cà phê dẫn đến năng suất thấp. 

"Nên có những chính sách khuyến khích trong việc áp dụng công nghệ sử dụng tiết kiệm nước, nhất là trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần siết lại công tác quản lý, giám sát những dòng sông, suối và điều chỉnh một số điểm trong Luật Tài nguyên nước", Chủ tịch Quốc hội góp ý.