Dân Việt

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Hiện tượng nhiều người dân vùng dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo là có thật

Nguyễn Tố 06/06/2023 19:39 GMT+7
Tại phiên trả lời chất vấn chiều 6/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận, có hiện tượng nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, cận nghèo. 

Đại biểu cho rằng tâm lý không muốn thoát nghèo, cận nghèo diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý thì công tác xóa nghèo của Nhà nước không đạt hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp ra sao để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo.

Vì sao nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo? - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 6/6. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.

Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.

Vì sao nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo? - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao nhiều hộ gia đình thuộc vùng đồng bảo dân tộc thiểu số không muốn ra khỏi diện nghèo. Ảnh: quochoi.vn

Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại.

Liên quan đến Nghị định 05, ĐB Mai Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi: Nghị định 05 năm 2011 về công tác dân tộc đã ban hành 12 năm, hiện nay có nhiều bất cập, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi hay chưa? Nguyên nhân của thực trạng trên là gì? 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị định đã được các bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Tuy nhiên qua rà soát và đánh giá nhận thấy nhiều chủ trương, chính sách khác có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được cập nhật và bổ sung điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. 

Ủy ban Dân tộc đã chủ động cùng với các địa phương về đánh giá việc thực hiện Nghị định 05 và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung trên tinh thần là cập nhật, bổ sung nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc trong Hiến pháp các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương để trình Chính phủ trong năm 2027.

Vì sao nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo? - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân tại Tây Giang (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế để thoát nghèo. Ảnh: Hiền Thúy

Trả lời câu hỏi về dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, Bộ trưởng cho biết đang gặp vướng mắc do chưa có văn bản quy định về định mức hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt. Vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 04 quy định về định mức nhà ở, đất ở. Như vậy đã có định mức cơ sở để các địa phương triển khai. Tuy nhiên, còn vướng mắc do nguồn hỗ trợ dự án này là nguồn đầu tư công, mà theo luật Đầu tư công, mỗi dự án đều theo quy trình xây dựng cơ bản rất phức tạp. 

Qua nghiên cứu, rà soát, hiện Nghị định 27 đã được sửa đổi, cho cơ chế được áp dụng cấp phát cho bà con nhân dân, vì những dự án này là đầu tư trực tiếp từng hộ gia đình, không phải cộng đồng dân cư, thôn bản, nên không thể lập dự án chung. Như vậy, hai vấn đề vướng mắc trong dự án này đã được giải quyết xong.

Về dự án hỗ trợ sản xuất dược liệu quý, Bộ trưởng cho biết, việc này đã giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, Bộ Y tế đã có thông tư số 10 để hướng dẫn thực hiện dự án này. Tuy nhiên, thông tư này cũng có vướng mắc về quy định liên quan đến diện tích, danh mục cây dược liệu quý. Hiện Bộ Y tế đang sửa thông tư 10 theo hướng tháo gỡ những vướng mắc này, sẽ ban hành trong tháng 6. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cần sửa Luật Lâm nghiệp vì khu vực này không phát triển kinh tế, không làm sinh kế, nên gây ra vướng mắc.