Dân Việt

Vùng đất này ở Phú Yên sinh ra một tướng tài nhà Nguyễn, thạo cấy cày, đi lính rồi thăng tới chức Thống chế

TS Nguyễn Nhật Kim 07/06/2023 05:14 GMT+7
Trong số các tướng lĩnh quê quán Phú Yên dưới thời nhà Nguyễn, Nguyễn Công Nhàn có nhiều công lao được sử sách triều Nguyễn ghi chép đầy đủ. Năm 1863, Nguyễn Công Nhàn về hưu, được thăng Thực thụ Thống chế hàm chánh nhị phẩm...

Đồng thời qua nguồn tư liệu các sắc phong của gia đình của danh tướng Nguyễn Công Nhàn, chúng ta khẳng định đóng góp to lớn của ông trong việc ổn định bờ cõi phía Nam đất nước ở thế kỷ XIX.

 Theo nguồn tư liệu gia đình Nguyễn Công Nhàn, ông sinh ngày 10/5/1789, tại xã Phú Lộc, tổng Thượng, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). 

Tổ tiên của ông từ miền Bắc di cư vào đất Phú Yên, sống tại làng Phú Phong, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa. Đến đời ông Nguyễn Công Thì và vợ là Trần Thị Đinh mới di cư sang thôn Phong Niên sinh sống và sinh ra Nguyễn Công Nhàn.

Binh nghiệp hiển hách

Nguồn tài liệu gia đình ông cho biết, thuở nhỏ, Nguyễn Công Nhàn siêng năng, biết giúp đỡ gia đình trong việc đồng áng. Ông cũng là người sáng dạ, thông minh, học đâu biết đấy. Trạc tuổi 13-14, khi đi chăn bò, ông thường tham gia đánh trận giả cùng các bạn.

Vùng đất này ở Phú Yên sinh ra một tướng tài nhà Nguyễn, thạo cấy cày, đi lính rồi thăng tới chức Thống chế - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Điệp, một người trong dòng tộc đang trông coi nhà thờ Thống chế Nguyễn Công Nhàn giới thiệu về nơi thờ vị dũng tướng triều đại nhà Nguyễn nhiều công trạng này. Nhà thờ của danh tướng Nguyễn Công Nhàn tọa lạc tại quê nhà, thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

Năm Gia Long thứ 17 (1818), Nguyễn Công Nhàn có lệnh nhập ngũ. Con đường binh nghiệp của ông cũng bắt đầu từ đó, ông thăng tiến qua nhiều chức vụ quan trọng dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. 

Năm 1833, ông tham gia trong đoàn quân đàn áp cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi ở thành Phiên An với chức vụ Hậu vệ nhị đội, sau đó ông được điều ra Quảng Nam làm Chánh đội trưởng suất đội.

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), ông làm Phó vệ úy Khánh Hòa, rồi Định Tường. Cuối năm 1839, ông được điều sang Trấn Tây Thành (Cao Miên) làm Phó lãnh binh. Năm 1840, ông được thăng Lãnh binh Trấn Tây Thành, đem 700 quân đánh tan 10 đồn của quân Xiêm từ Mi Súc đến Tà Sà, thu về nhiều vũ khí. 

Với chiến công này, vua Minh Mạng thưởng cho ông tấm thẻ bài vàng có khắc chữ “Hùng dũng tướng”. Năm 1841, vua Minh Mạng qua đời, vua Thiệu Trị kế ngôi xét thăng thưởng cho ông chức Chưởng vệ sung Tham tán. 

Trong thời gian này, ông tham gia tiễu trừ cuộc nổi dậy của Lâm Sâm ở phủ Lạc Hóa (nay là Trà Vinh). Đánh dẹp giặc cướp, ông được thăng thự Đốc bộ tỉnh An Giang, rồi hợp với tướng Nguyễn Văn Điển đi đánh quân Xiêm ở vùng biên của tỉnh.

Tháng 2/1842, quân Xiêm kéo gần chục ngàn người tấn công Hà Âm (vùng biên Châu Đốc - Hà Tiên) lập nhiều đồn lũy. Lực lượng quân ta ít hơn nên Nguyễn Công Nhàn bàn với tướng Điển chia quân ra đánh lẻ, lấy ít địch nhiều, nhờ vậy mà đánh đuổi được quân Xiêm xâm lấn bờ cõi. 

Cũng trong năm này, ông cùng với tướng Lê Văn Đức, Tôn Thất Bạch đánh đuổi quân Xiêm ở Sâm Phủ, Bàn Ly, Sách Nô... và ông được thăng Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên). Ông còn được nhà vua cho phép đề chữ “Hùng dũng tướng” trước họ tên mỗi khi viết công văn hay tấu sớ.

Năm 1845, trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của Triều Nguyễn với Xiêm ở Cao Miên, ông đem quân tiến đánh đồn Thiết Thăng, thừa thắng kéo quân đến Nam Vang với khí thế mạnh mẽ khiến quân Xiêm bỏ chạy, quân ta toàn thắng, ảnh hưởng của Triều Nguyễn được triều đình Cao Miên công nhận. Sau thắng lợi này, ông được bổ làm Đề đốc An Giang rồi Tổng đốc An Hà, thăng Phó vệ úy và tặng thưởng quân công.

Vùng đất này ở Phú Yên sinh ra một tướng tài nhà Nguyễn, thạo cấy cày, đi lính rồi thăng tới chức Thống chế - Ảnh 2.

Sắc phong Thống chế Nguyễn Công Nhàn hàm nhị phẩm năm Tự Đức thứ 16 (1863)

 Năm 1847, tình hình Cao Miên ổn định. Nhà vua khi xét công cho các tướng lĩnh, ông được phong tước Trí Thắng nam, được khắc tên vào cỗ súng Thần uy phục viễn (cỗ thứ 4) tại kinh thành Huế. Sau đó, ông được cử làm Lãnh binh tỉnh Bình Định. Đến năm 1856, Nguyễn Công Nhàn được thăng Chưởng vệ lãnh Đề đốc An Giang, lãnh chức Tuần phủ Hà Tiên, kiêm Bố chánh sứ.

Đầu năm 1859, quân Pháp vây hãm thành Gia Định. Nguyễn Công Nhàn được bổ làm hộ lý An Giang, rồi Tổng đốc Định Tường ra sức chuẩn bị lực lượng chống Pháp. Ngày 26/3/1861, quân Pháp tiến công Định Tường, Nguyễn Công Nhàn vừa đến Định Tường thì thành Mỹ Tho đã thất thủ. 

Nguyễn Công Nhàn biết tin liền cho quân đóng cọc ở sông Tiền phòng thủ. Thế nhưng, quân Pháp đã tràn đến nhổ cọc và vượt vào đất liền. Ông phải thu quân binh rút về cố thủ ở Kiến Đăng. Thành Mỹ Tho mất, ông bị tuần phủ Nguyễn Hữu Thành vu cho tội bỏ thành chạy, vua Tự Đức cho lột hết chức tước để chờ nghị tội nhưng vẫn ngầm yêu cầu ông lẻn về lỵ sở cũ để chiêu tập dân báo phục về sau.

Tháng Giêng năm 1862, vua đổi ông làm Thương biện quân vụ Vĩnh Yên. Nguyễn Công Nhàn không tuân lệnh mà ở lại tiếp tục chiêu tập nghĩa dũng chống Pháp. 

Theo lời truyền tụng trong dân gian vùng Long Hưng, thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thì Hùng dũng tướng quân Nguyễn Công Nhàn sau khi Định Tường thất thủ đã rút quân doanh về đây lập tổng hành dinh, chiêu tập nghĩa dũng chống Pháp. Hiện nơi này còn địa danh Rạch Dinh, là nơi ghe Ô, ghe Sa của ông thường ra vào tổng hành dinh.

Thực hiện chính sách an dân

Bên cạnh công lao to lớn trên lĩnh vực quân sự, Nguyễn Công Nhàn còn đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chính sách an dân mà nổi bật là việc đề xuất và chỉ đạo đào kênh Vĩnh An ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang khi làm Đốc bộ ở đây (năm 1843). 

Kênh Vĩnh An được khởi đào từ năm 1843 đến tháng 5/1844 thì xong. Kênh Vĩnh An nối liền sông Tiền và sông Hậu, đã đem lại lợi ích nhiều mặt cho dân sinh, quốc phòng, giao thông ở khu vực này. Về sau, để tỏ lòng biết ơn, chính quyền địa phương đã đặt tên Nguyễn Công Nhàn cho con đường dọc bờ kênh và một tấm bia được dựng lên với nội dung “Vĩnh An hà, Thiệu Trị đệ ngũ niên, cát nhật tạo” (nghĩa là: kênh Vĩnh An, tạo vào ngày tốt năm Thiệu Trị thứ 5-1845). 

Sau năm 1975, phần đất nơi dựng bia bị nước sông chảy mạnh xói mòn, bia bị rơi xuống lòng sông, đến nay không còn dấu tích.

Nguyễn Công Nhàn là danh tướng nhà Nguyễn có tài thao lược, giỏi binh pháp và chiến trận. Ông lập được nhiều chiến công trong việc dẹp các cuộc nổi loạn trong nước và đánh tan các cuộc xâm lấn của quân Xiêm bảo vệ biên giới Tây Nam của đất nước.

Ông được triều đình nhiều lần khen thưởng và thăng bổ nhiều chức vụ quan trọng. Công lao của ông trải dài trên nhiều địa phương trong cả nước, nhưng nổi bật là vùng đất Tây Nam Bộ.

Trong thời gian giữ chức Tổng đốc An Hà, lĩnh vực kinh tế cũng được Nguyễn Công Nhàn quan tâm thực hiện. 

Năm 1843, ông xin vua nhà Nguyễn cho đặt Sở giao dịch ở vùng Tân Châu. Đơn vị giao thương vùng biên giới được đặt ở vùng thượng du đồn Đa Phúc với thời gian hoạt động mỗi tháng 2 lần, mỗi lần 2 ngày. 

Sở giao dịch được hình thành đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giao thương ở biên giới, làm cầu nối liên kết kinh tế giữa các vùng, các địa phương ở đầu nguồn sông Tiền. Đồng thời đáp ứng nhu cầu giải quyết các thủ tục thương mại có liên quan, bảo hộ cho sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế biên giới trong thời gian dài.

Năm 1863, Nguyễn Công Nhàn về hưu, được thăng Thực thụ Thống chế hàm chánh nhị phẩm. Ông mất ngày 3/1/1872 tại quê nhà.

Nhà thờ họ tộc Nguyễn Công Nhàn tại thôn Phong Niên hiện bảo tồn 14 sắc phong, sắc chỉ do các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban tặng cho Nguyễn Công Nhàn và cha mẹ ruột của ông. Trong đó có 2 sắc phong cho cha ông là Nguyễn Công Thùy Minh Nghĩa Đô úy và mẹ ông là Nguyễn Thị Đinh Chánh Tứ phẩm Phu nhân. 

Qua tìm hiểu nội dung 14 sắc phong, sắc chỉ, chúng ta thấy được chức tước và sự nghiệp của Nguyễn Công Nhàn trong gần 30 năm cống hiến cho đất nước.