Dân Việt

Đổi đời với quốc bảo Việt trên đỉnh Ngọc Linh

Theo Phạm Hoàng 08/06/2023 11:57 GMT+7
Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là "quốc bảo" của Việt Nam". Dược liệu quý này hứa hẹn là "đòn bẩy" giúp đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) thoát nghèo.

Báu vật trên đỉnh núi

Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh. Từ một bài thuốc dân gian của người bản địa Xơ Đăng, sâm Ngọc Linh được khẳng định là dược liệu quý của Việt Nam, không thua kém các loại sâm quý trên thế giới.

Đổi đời với quốc bảo Việt trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 1.

Sâm Ngọc Linh được trồng trên dãy núi Ngọc Linh, vùng giáp ranh 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum (Ảnh: Phạm Hoàng).

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới những tán cây cổ thụ dọc các dãy núi Ngọc Linh thuộc các huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (Kon Tum) và một số huyện của tỉnh Quảng Nam. Sâm trồng trên đỉnh núi cao hơn 2.000m so với mực nước biển.

Đổi đời với quốc bảo Việt trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 2.

Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh (Ảnh: Phạm Hoàng).

Năm 1973, một đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y khu V do Dược sỹ Đào Kim Long dẫn đầu đã tìm một số dược liệu nhằm phục vụ công tác chăm sóc, cứu chữa bộ đội bị thương. Tại đây, Dược sỹ Đào Kim Long phát hiện dược liệu quý sâm Ngọc Linh.

Ban đầu, các nhà khoa học nghiên cứu và phát hiện trong phần thân và rễ của sâm Ngọc Linh chứa 52 hợp chất saponin (thành phần hóa học của các loại thảo mộc rất có lợi cho sức khỏe). Trong đó có 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới, chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác.

Mới đây, các nhà khoa học nghiên cứu, thống kê đầy đủ thêm cho thấy trong sâm Ngọc Linh có đến 103 hợp chất saponin.

Đổi đời với quốc bảo Việt trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 3.

Dược sỹ Đào Kim Long, người đầu tiên phát hiện ra sâm Ngọc Linh vào năm 1973 trong rừng sâu ở Kon Tum (Ảnh: Phạm Hoàng).

Dược sỹ Đào Kim Long cho biết: "Chúng tôi lên rừng tìm kiếm dược liệu, phát hiện sâm Ngọc Linh có nhiều hoạt chất giúp kháng viêm, làm lành vết thương nhanh. Từ đó, chúng tôi đưa sâm Ngọc Linh vào nguồn dược liệu phục vụ điều trị vết thương cho bộ đội. Đất nước hòa bình, tôi cùng các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giá trị của nguồn dược liệu quý này, mong muốn sâm Ngọc Linh được bảo tồn và nhân rộng vùng trồng, phát huy giá trị".

Thoát nghèo, đổi đời với sâm Ngọc Linh

Với thương hiệu và giá trị đã được công nhận, sâm Ngọc Linh được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bảo tồn và nhân rộng vùng trồng, để khai thác nguồn lợi kinh tế từ loại dược liệu quý này.

Đổi đời với quốc bảo Việt trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 4.

Toàn huyện Tu Mơ Rông hiện có khoảng 1.700ha sâm Ngọc Linh, trong đó có 7/11 xã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (Ảnh: Phạm Hoàng).

Vùng trồng sâm được bảo tồn và mở rộng, đồng bào  Xơ Đăng sinh sống nơi dãy núi Ngọc Linh ngày càng ổn định việc làm, thu nhập khá.

Ngoài việc làm công trồng và chăm sóc sâm cho các doanh nghiệp, bà con còn được chính quyền địa phương hỗ trợ sâm giống để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Huyện Tu Mơ Rông hiện có khoảng 1.700ha sâm Ngọc Linh, trong đó có 7/11 xã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê từ tỉnh Kon Tum, có hơn 1.200 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh.

Nhiều hộ gia đình người Xơ Đăng  mạnh dạn vay vốn để trồng hàng nghìn cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh. Ngoài ra, bà con đồng bào còn học hỏi, trồng nhiều dược liệu quý phù hợp thổ nhưỡng địa phương như hồng đẳng sâm, đương quy...

Đổi đời với quốc bảo Việt trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 5.

Nhiều hộ gia đình đồng bào Xơ Đăng được hỗ trợ cây giống và mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông A Brít, người Xơ Đăng bộc bạch: "Bà con mình giữ rừng tốt lắm, không ai chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy. Chúng tôi giữ rừng già, tán rộng để che phủ cho trồng sâm Ngọc Linh. Cây sâm giúp bà con chúng tôi hết nghèo, hết đói".

Anh A Chung - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri cũng không giấu việc gia đình anh cũng như nhiều hộ dân nơi đây cùng trồng sâm với ước mơ đổi đời từ nguồn lợi tiền tỷ này.

Sâm Ngọc Linh hiện có giá 120-260 triệu đồng/kg. Cây giống có giá 300.000 đồng/cây. Lá sâm có giá 5-10 triệu đồng/kg. Mỗi bộ phận trên cây dược liệu quý đều bán được giá.

Hiện trên mạng xã hội có nhiều thông tin rao bán sâm Ngọc Linh nhưng thực chất là củ, hạt tam thất. Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum cũng trực tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, sản xuất, mua bán rượu sâm và củ, hạt sâm Ngọc Linh giả, dỏm với số lượng lớn. Thậm chí, nhiều trường hợp lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để phát triển thị trường sâm "ảo" ở Kon Tum.

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trước tình hình trên, để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, chính quyền đã khuyến cáo người dân báo tin ngay khi thấy có người lạ trà trộn vào địa bàn để mua, bán sâm hoặc các loại củ, hạt không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, vận động người dân, doanh nghiệp đăng ký mã QR để người tiêu dùng tra cứu, xác định nguồn gốc, chất lượng của từng củ sâm Ngọc Linh.