Nếu bạn thường xuyên xem các bộ phim cổ trang thì hẳn từng một lần nghe nhắc tới lãnh cung. Đây là nơi dùng để giam lỏng các phi tần phạm tội hoặc bị thất sủng. Nếu bị đưa vào lãnh cung cũng đồng nghĩa vị phi tần đó không nhận được sự kính trọng của kẻ hầu người hạ nữa. Hơn nữa, đa phần những người bị đày vào lãnh cung sẽ không có kết cục tốt đẹp gì. Vì vậy, lãnh cung được xem là nơi xui xẻo nhất trong Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành là quần thể cung điện được xây dựng trong khu vực có diện tích lên tới 720.000m2. Tử Cấm Thành có tới 800 cung điện và 9.999 phòng. Mặc dù rất nhiều cung điện nhưng trên thực tế, trong Tử Cấm Thành, không có vị trí cụ thể nào cho lãnh cung. Trong các ghi chép thời nhà Minh và nhà Thanh, không tài liệu nào đề cập tới “lãnh cung”, nghĩa là tên gọi này không phải để đặt cho một cung điện cụ thể nào.
Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh - Phổ Nghi đã tiết lộ trong cuốn hồi ký của mình rằng trong Tử Cấm Thành không có nơi nào được đặt tên là lãnh cung. Lãnh cung chỉ là cách gọi chung cho những nơi giam giữ các phi tần. Nó cũng không phải là một cung cố định nào, mà có thể là bất cứ căn phòng nào được dùng để giam giữ các phi tần. Lãnh cung đều có điểm chung là hẻo lánh, bị cô lập và không được tu sửa, khác xa với cung điện chính.
Ví dụ như vào cuối triều Minh, Thành phi Lý thị dưới thời Minh Hy Tông từng bị giam ở gian phòng phía tây Ngự Hoa Viên. Tới thời vua Quang Tự, Trân Phi lại bị giam ở phía bắc thuộc Các Cảnh Kỳ.
Như vậy có thể hiểu, tùy từng triều đại mà lãnh cung ở những vị trí khác nhau.
Ngày nay, Tử Cấm Thành trở thành bảo tàng Cố Cung, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Mỗi ngày nơi đây tiếp đón rất nhiều lượt du khách. Tuy nhiên, theo quy định của bảo tàng Cố Cung, lãnh cung không đón tiếp du khách tới tham quan. Vì sao vậy?
Đại diện của bảo tàng Cố Cung đưa ra 2 nguyên nhân lý giải cho vấn đề này:
Thứ nhất, lãnh cung gây ảnh hưởng tới cảm xúc của con người. Cụ thể, lãnh cung vốn được dùng để giam lỏng phi tần. Các phi tần, cung nữ bị đày vào đây sẽ bị cô lập với thế giới, khó có cơ hội được nhìn thấy thế giới bên ngoài. Do đó, nhiều người rơi vào tình trạng u uất, bế tắc.
Lâu dần, người bị nhốt trong lãnh cung có thể trầm cảm, thậm chí phát điên và tìm đến cái chết. Lãnh cung đã “chứng kiến” nhiều ký ức đau buồn, có thể nói là đáng sợ. Những điều này có thể gây ảnh hưởng tới du khách vì vậy lãnh cung đã trở thành “cấm địa”.
Thứ hai, tham quan lãnh cung có thể gây nguy hiểm cho du khách. Theo lời giải thích của Phổ Nghi, lãnh cung đều là những nơi rất đổ nát bởi chúng vốn đã không được các hoàng đế chú ý tu sửa. Hoàng cung quá rộng lớn, triều đình quyết định sẽ không phung phí tiền bạc tu sửa những cung điện bỏ hoang.
Do đó, những nơi từng là lãnh cung vốn tiêu điều lại càng tồi tàn, hư hỏng. Ban quản lý bảo tàng Cố Cung vì muốn đảm bảo yếu tố an toàn cho du khách nên đã quyết định đóng cửa các lãnh cung và những nơi quá cũ, đổ nát.