Dân Việt

Bất động sản TP.HCM tê liệt suốt nhiều tháng, doanh nghiệp chật vật bán hàng tồn, người mua nhà mỏi mắt tìm dự án mới

Gia Linh 09/06/2023 09:45 GMT+7
Thị trường bất động sản tại TP.HCM dường như tê liệt suốt nhiều tháng qua. Không có dự án mới, nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng.

Mỏi mắt tìm dự án nhà ở mới

Giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay, công ty của ông chưa phát triển, mở bán được một dự án nào. Để có kinh phí duy trì hoạt động, công ty phải ra sức chào bán các sản phẩm trong giỏ hàng tồn lại từ 2022. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công cũng rất hạn chế vì đa số khách mua gặp khó khăn trong quá trình vay vốn ngân hàng.

"Theo kế hoạch, quý 2/2023 là chúng tôi có thể giới thiệu ra thị trường một dự án căn hộ với quy mô hơn 700 căn. Tuy nhiên, quá trình phê duyệt, trình ký pháp lý kéo dài... khiến kế hoạch bán hàng bị lùi lại chưa biết đến khi nào", vị này cho hay.

TP.HCM: Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đều giảm kỉ lục - Ảnh 1.

Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM lao dốc nghiêm trọng. Ảnh: Gia Linh

Báo cáo thị trường bất động quý 1/2023 của Savills Việt Nam cũng ghi nhận nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM giảm 25% theo năm, chỉ có 1.610 căn.

Trong khi đó, số liệu của DKRA, trong quý 1/2023, thị trường căn hộ TP.HCM và vùng giáp ranh ghi nhận 9 dự án mở bán trong quý, với nguồn cung mới khoảng 1.378 căn. Nguồn cung mới giảm tới 67% so với quý trước và giảm 59% so với cùng kỳ năm 2022.

Sở Xây dựng TP.HCM mới đây cho biết năm 2021, TP.HCM đã xây dựng mới 4,9 triệu m2 sàn nhà ở, vượt 16,7% so với chỉ tiêu, trong đó nhà riêng lẻ do dân xây dựng chiếm tỷ trọng cao (76%), nhà ở hoàn thành trong dự án chiếm khoảng 24%. 

Năm 2022, TP.HCM xây dựng mới 8,45 triệu m2 sàn nhà ở, vượt 28% chỉ tiêu.

Nhưng quý 1/2023, TP.HCM chỉ phát triển khoảng 0,95 triệu m2 nhà ở, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhà ở do dân xây dựng chiếm hơn 90% so với tổng diện tích sàn tăng thêm.

TP.HCM: Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đều giảm kỉ lục - Ảnh 2.

Thị trường đang lệch pha cung - cầu. Ảnh: Gia Linh

Về nhà ở xã hội, từ năm 2021 hết quý 1/2023, TP.HCM chỉ mới hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án, quy mô 260 căn, 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô 4.077 căn, 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.040 căn.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng thị trường bất động sản TP.HCM đang trong tình trạng lệch pha cung - cầu; thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền.

Phát triển nhà ở tại TP.HCM chưa bền vững

Trước thực trạng nguồn cung liên tục sụt giảm, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng công tác phát triển nhà ở trên địa bàn chưa bền vững, kết quả thực hiện chủ yếu vẫn là nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng.

Nhà ở dự án chỉ chiếm 30%, với tình trạng nguồn cung ngày càng giảm, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn về dự án nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Chưa đa dạng về sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá thấp.

TP.HCM: Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đều giảm kỉ lục - Ảnh 3.

Người có nhu cầu nhà ở thực cần được hỗ trợ để có được cơ hội mua nhà. Ảnh: Gia Linh

Sở Xây dựng cho rằng trường hợp không quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân, TP.HCM sẽ không có dự án đủ điều kiện để hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo nghị quyết 33/NQ-CP về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho hay hiện nay do thiếu nguồn cung mới mà giá nhà liên tục leo thang. 

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội và vốn vay nhà ở xã hội. Cơ quan chức năng cần hỗ trợ người có nhu cầu nhà ở thực có được cơ hội mua nhà. Xem xét và giải quyết sớm các thủ tục, từ đó cân bằng cung cầu và đưa thị trường bất động sản về giá trị thực.