Dân Việt

Ông nông dân Quảng Nam sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản gì mà thành tỷ phú của làng?

Đỗ Tâm 10/06/2023 13:11 GMT+7
Ông nông dân Đồng Phước Tào (SN 1968) ở thôn Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam làm nghề thu mua, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như lúa, gạo, nếp, bắp, sắn...Không những thành "tỷ phú" chân đất mà ông còn giải quyết hơn 20 lao động thường xuyên và thời vụ tại địa phương.

Đi lên từ nông sân "chân đất"

Trò chuyện cùng PV Báo Dân Việt, ông Tào cho biết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp III, không có điều kiện để tiếp tục theo học đại học, ông xung phong nhập ngũ. Năm 1992, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về lại địa phương, lập gia đình và tiếp tục công việc của một nhà nông, kinh tế gia đình gắn liền với 5 sào ruộng, kết hợp với chăn nuôi và làm vườn.

Lão nông xứ Quảng phất lên nhờ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Ông Đồng Phước Tào ở thôn Trà Đình, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đổi đời với nghề thu mua, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: T.H.

Tuy chăm chỉ làm việc, nhưng thu nhập từ nông nghiệp cũng chỉ đủ chi phí trang trải trong gia đình. Qua trăn trở và bàn bạc, hai vợ chồng ông thống nhất làm thêm nghề kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm của nông nghiệp với mong muốn ban đầu là vừa có thể tăng thu nhập cho gia đình, vừa giúp cho bà con nông dân địa phương tiêu thụ nông sản ổn định.

Lão nông xứ Quảng phất lên nhờ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân - Ảnh 2.

Ông Đồng Phước Tào (thứ 2 từ phải sang) vừa được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen tại Hội nghị trao thưởng biểu dương, tôn vinh các điển hình, tiêu biểu năm 2023. Ảnh: Đ.T.

Ông bắt đầu với việc thu mua các loại nông sản sẵn có ở địa phương mình như lúa, gạo, nếp, ngô, sắn…. Ban đầu hình thức còn nhỏ lẻ, hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, vốn, quy trình chế biến và bảo quản nông sản chưa được tốt nên có sức cạnh tranh chưa cao.

Qua tìm hiểu và được sự quan tâm, khuyến khích, giúp đỡ của Hội Nông dân xã và huyện Quế Sơn, ông được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cấp Hội tổ chức.

Sẵn tính ham học hỏi, khi có các chương trình tập huấn, hội thảo tại địa phương, ông đều dành thời gian tham gia, qua đó ông có cơ hội, điều kiện để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để đem về áp dụng hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của mình.

Lão nông xứ Quảng phất lên nhờ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân - Ảnh 3.

Ông Tào đang kiểm tra chất lượng gạo trong kho trước khi xuất bán đi các nơi. Ảnh: T.H

Năm 2014, với số tiền tích lũy được cộng với vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân 100 triệu đồng, ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mua thêm phương tiện vận chuyển, mở rộng kho chứa.

Nhờ đó, mà việc kinh doanh nông sản được thuận tiện hơn, giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình và thu mua giá nông sản của nông dân giá cả hợp lý, giúp người nông dân sản xuất có lãi để gắn bó với ruộng đồng.

Là người từng trực tiếp sản xuất, ông Tào mong muốn tạo ra được sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng của vùng quê mình đến với người tiêu dùng. Do đó, ông đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Lãi hơn 1 tỷ đồng/năm

Ông Tào cho biết, thời gian qua ông đã phối hợp với các hộ nông dân tuyệt đối không sử dụng hóa chất trong quá trình bảo quản, xay xát nông sản, đồng thời khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và hạn sử dụng. Đổi lại, cơ sở của ông luôn thu mua nông sản cho bà con với giá cao, không xảy ra tình trạng ép giá.

Lão nông xứ Quảng phất lên nhờ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân - Ảnh 4.

Mô hình kinh tế thu mua và chế biến nông sản đã giúp ông Đồng Phước Tào thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Đ.T.

"Nhờ sản xuất nguồn nông sản uy tín, luôn lấy quyền lợi, sức khỏe của người sử dụng lên hàng đầu nên từ khi thành lập đến nay, cơ sở xay xát và chế biến nông sản Huy Hoàng của gia đình tôi luôn là địa chỉ tin cậy để các đại lý nông sản, các lò sản xuất bánh, bún… trong tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận ưu tiên lựa chọn", ông Tào nói.

Đến nay, cơ sở kinh doanh của gia đình ông tiếp tục được mở rộng với diện tích kho chứa hàng 600m2; trang bị đầy đủ các loại máy chế biến như máy xay xát, máy đánh bóng, lọc sạn và 3 xe vận tải lớn, nhỏ.

Lão nông xứ Quảng phất lên nhờ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân - Ảnh 5.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Tào còn rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Ảnh: Đ.T.

Bên cạnh đó, cùng với việc thanh toán, giao dịch qua tài khoản ngân hàng rất thuận tiện nên cơ sở đã mở rộng thị trường tiêu thụ được đến các tỉnh Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… Hàng năm, cơ sở của ông thu mua nông sản của nông dân trong và ngoài xã khoảng 4.800 tấn/năm, lợi nhuận bình quân ước đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Nhờ việc kinh doanh thuận lợi, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, lo cho các con ăn học đầy đủ đến nơi đến chốn, sắm được ô tô, giải quyết được công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên và thời vụ tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Tào còn rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.

Với những thành tích trong phong trào xây dựng kinh tế và hoạt động tích cực của mình, ông được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp Hội Nông dân ghi nhận, biểu dương và tặng nhiều giấy khen. 

Đặc biệt, năm 2022, ông vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, và vừa được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen tại Hội nghị trao thưởng biểu dương, tôn vinh các điển hình, tiêu biểu năm 2023.