Quyết tâm thoát nghèo
Những ngày này, không khí chuẩn bị Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 càng trở nên tất bật hơn. Trong những nhiệm vụ được triển khai, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đã tích cực về cơ sở để thăm hỏi, động viên hội viên nông dân trong sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Theo chân ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo địa phương thăm gia đình anh Trần Văn Định, chúng tôi cảm thấy phấn khởi bởi tinh thần vượt khó của anh.
Dẫn chúng tôi thăm trại nuôi bồ câu Pháp của gia đình, anh Định cho biết, trước đây gia đình gặp vô vàn khó khăn, nghèo khổ. Bản thân anh phải vào tỉnh Đồng Nai làm thuê, chắt bóp đồng lương ít ỏi gửi về nuôi vợ, con.
Xác định không thể tha hương, làm thuê cả đời ở xứ người, anh Định luôn tìm cách thoát nghèo. Vì vậy, có thời gian rảnh là anh Định lập tức đi khắp nơi ở Đồng Nai để học hỏi cách làm hay, phù hợp với bản thân.
Một hôm, anh Định hay tin có mô hình nuôi bồ câu Pháp hiệu quả liền đến thăm. Cảm mến tinh thần ham học hỏi của anh Định, chủ trại đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp. Anh Định còn xin chủ trại cho đến làm không công để thực hành cách nuôi.
Sau khi nắm vững kiến thức nuôi bồ câu Pháp, năm 2010, anh Định trở về quê để khởi nghiệp.
"Tôi chọn nuôi bồ câu Phá vì chi phí đầu tư con giống, chuồng trại, thức ăn khá rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tôi khởi nghiệp với 100 cặp bồ câu giống" – anh Định chia sẻ.
Thấy mô hình của anh Định hiệu quả, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã cho vay thêm vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô.
Anh Định cho biết, trên địa bàn tỉnh có không nhiều người nuôi bồ câu Pháp nên không cần lo đầu ra. Sản phẩm làm ra, ngoài cách bán truyền thống, anh Định còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ nên anh Định chỉ bán lẻ trong tỉnh. Nếu có thêm nhiều hộ nuôi, thành lập được hợp tác xã, tăng sản lượng thì có cơ hội để ký hợp đồng với các đối tác lớn hơn.
Kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp không quá phức tạp, vì loại chim này ít bệnh, ăn ít hơn các loại gia cầm khác nên tiết kiệm được chi phí. Anh Định cho bồ câu Pháp ăn lúa, đặc biệt là không dùng kháng sinh, thuốc phòng bệnh. Bởi vì, anh Định luôn tâm niệm, làm ra sản phẩm phục vụ cộng đồng thì phải là sản phẩm sạch, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng.
Chuồng trại nuôi bồ câu cũng khá đơn giản, chỉ cần sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Phân bồ câu phải được dọn thường xuyên, đem ủ vi sinh bón cho cây trồng. Để tăng hiệu quả, quy mô nuôi trên mỗi đơn vị diện tích, anh Định xếp chồng các lồng nuôi bồ câu Pháp lên nhau, làm máng hứng phân để đảm bảo vệ sinh, tránh phân chuồng trên rơi xuống chuồng dưới. Ngoài ra, để tránh lũ lụt, anh Định lắp thêm hệ thống ròng rọc, khi mưa lũ có thể kéo chuồng nuôi lên cao. Anh Định còn sắm một bộ loa để mở nhạc nhẹ cho bồ câu nghe.
Bồ câu từ khi nhỏ đến lúc sinh sản mất khoảng 6 tháng, mỗi con sinh sản 8-9 lứa/năm, mỗi lứa thường 2 trứng, con nào đặc biệt thì 3 trứng.
Sau khi bồ câu sinh xong, anh Định lấy trứng cho vào lò ấp để tỷ lệ nở cao hơn, thay vào đó sẽ đưa trứng giả cho bồ câu mẹ cảm thấy không bị mất trứng. Sau khi trứng nở, anh Định trả con cho bồ câu bố mẹ chăm sóc. 45 ngày sau có thể xuất bán với giá khoảng 120.000 đồng/cặp.
Sau 12 năm, trại nuôi bồ câu Pháp của anh Định đã mở rộng từ vài chục m2 lên 300m2, với 4 dãy chuồng, mỗi dãy 3 tầng, nuôi 500 cặp bồ câu bố mẹ để sinh sản bồ câu thịt. Mỗi năm, anh Định có lãi 200 triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh Định khá lên từ ngày nuôi bồ câu Pháp, từ đó có điều kiện chăm lo con cái học hành.
"Tôi dự định, khi nào các con lớn khôn, tôi sẽ tìm một nơi đất rộng hơn để mở rộng trại nuôi, có thể liên kết với những người khác thành lập hợp tác xã" – anh Định chia sẻ.
Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Định là đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, việc chăn nuôi cần phải hình thành chuỗi liên kết, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã… để tăng sản lượng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đối tác lớn nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Vấn đề này cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đồng hành của Hội Nông dân, đặc biệt là quyết tâm của hộ chăn nuôi.
Ông Nam còn gợi ý, hiện nay món bánh lọc Quảng Trị được rất nhiều thực khách trên cả nước ưa chuộng. Vì vậy, nông dân ngoài sản xuất cũng nên nghiên cứu theo hướng từ "trang trại đến bàn ăn". Cụ thể là có thể làm món bánh lọc nhân bồ câu để phục vụ thực khách gần xa, tạo thành món ăn đặc trưng, đặc sản của vùng đất Cam Lộ nói riêng, Quảng Trị nói chung.
"Khi sản xuất cần áp dụng khoa học công nghệ. Còn lúc quảng bá sản phẩm cần áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng hiệu quả. Nếu tạo được thương hiệu bánh lọc nhân bồ câu sẽ góp phần ổn định đầu ra cho nông dân" – ông Nam nhấn mạnh.