Với khoản cam kết đầu tư 2.500 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn đang dần trở thành "chim đại bàng” mới trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Ngay sau “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023”, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã cùng ký Biên bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác (MoU) về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, với sự liên kết cùng Tập đoàn De Heus, Hùng Nhơn dự kiến đầu tư xây dựng các dự án về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Dự án bao gồm các hạng mục như: Tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trung tâm nghiên cứu giống.
Việc Tập đoàn Hùng Nhơn dốc vốn đầu tư vào dự án “khủng” tại Tây Ninh cho thấy đây là địa phương có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực tế, tiềm năng và lợi thế của Tây Ninh đã được các đại biểu trong và ngoài nước tham dự Diễn đàn nhìn nhận và đánh giá khách quan.
Theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vai trò kết nối với thị trường Campuchia. Vai trò của Tây Ninh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được đưa vào sử dụng.
Với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, bao gồm các dự án kinh doanh nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thuỷ sản chế biến thực phẩm, chăn nuôi quy mô lớn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng có những đánh giá khách quan về nông nghiệp Tây Ninh.
Theo Thứ trưởng Tiến, Tây Ninh có điều kiện tự nhiên đặc thù thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp. Đây là những điều kiện để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh đã xác định 4 hướng đi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững.
“Việc Chủ tịch UBND tỉnh công bố chiến lược phát triển của địa phương với nông nghiệp là một trong những mũi nhọn đột phá, không chỉ giúp cho nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vững tâm, mà còn tạo thêm đông lực để chúng tôi quyết tâm đầu tư lớn tại Tây Ninh” - ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn thông tin.
Nói về quyết định đầu tư mạnh tay tại tỉnh Tây Ninh, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, ngoài những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Tây Ninh có lợi thế rất lớn khi có đội ngũ cán bộ chân thành và đầy nhiệt huyết với quê hương.
“Trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Chủ tịch UBND tỉnh, cho đến các cán bộ sở, ngành...”, ông Hùng chia sẻ.
Được biết, trước khi ký cam kết đầy tư tại Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn đã có hàng loạt dự án đầu tư tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, với số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.Một trong số đó là mô hình liên doanh với Tập đoàn De Heus thành lập Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN.
Theo ông Hùng, liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 con heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 con heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.
“Với những thành công và kinh nghiệm có được trong việc hợp tác với doanh nghiệp thuộc EuroCham, tôi mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ của mình vào nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Hy vọng thông qua dự án này, Tây Ninh sẽ trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất” - ông Hùng kỳ vọng.
Ngoài biên bản ký kết trên, ông Vũ Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cũng đã đại diện cho VIDA ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh, VIDA và EuroCham về việc triển khai công nghệ số hoá nông sản ở thị trường tỉnh Tây Ninh.
Theo thoả thuận, VIDA hỗ trợ kết nối với các sở ban ngành trong mảng nông nghiệp để dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin nhà sản xuất, nông sản địa phương; EuroCham hỗ trợ kết nối các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực nông nghiệp.