Tại nhiều vùng quê, dân gian hay gọi rau tập tàng là rau tập thể, bởi bát canh, hay đĩa rau luộc bao giờ cũng phải có dăm loại rau mới ngọt ngon và tạo nên một mùi, vị hết sức riêng biệt.
Tập tàng có loại rau cuống tím hoa vàng, lá nhỏ, dày như hình con sam nên gọi là rau sam. Rau sam có vị chua thanh, còn dùng chữa nhiều bệnh.
Rau tập tàng không phải tên một loài rau mà tên để gọi chung của thập cẩm nhiều loại rau khác nhau, trong đó có rau trồng, rau dại. Rau tập tàng có thể luộc chấm mắm, rau tập tàng nấu canh cua, rau tập tàng nấu tôm khô, rau tập tàng nấu canh ngao, canh hến...
Một loại nữa là rau dền có chùm hoa trắng ngà như hạt cơm nên gọi là dền cơm. Loại này ăn rất ngọt và bùi. Thứ rau lá có chấm trắng li ti óng ánh như hạt muối nhỏ, ăn có vị hơi mặn gọi là rau muối. Rau muối ngày xưa ở các vùng nông thôn Bắc bộ, Bắc Trung bộ thấy mọc rất nhiều, nhưng hiện nay không còn nhiều nơi có. Còn loại rau có lá tròn xoe như má con gái gọi là rau má cũng góp mặt trong nhóm rau tập tàng...
Rau tập tàng dễ tính, có mặt từ bờ mương, bờ ruộng, ven đường đến triền đê. Biết phận mình là loài rau dại, tập tàng cứ âm thầm chắt chiu từ đất cằn mộc mạc để lớn, để dâng hiến cho con người những bát canh ngon khi mùa màng thất bát.
Với nhiều người thì rau tập tàng chế biến ngon nhất là nấu canh cua, canh rau tập tàng nấu tôm nõn, canh rau tập tàng nấu ngao, nấu hến...
Canh cua rau tập tàng là món ngon dễ làm, dân dã của người dân miền quê Việt Nam. Để nói rõ hơn về rau tập tàng, đây là cách gọi tổng hợp các loại rau hoang dã thường mọc ở các khu vườn. Rau tập tàng có quanh năm nhưng ngon nhất là mùa mưa. Bởi mùa mưa rau phát triển rất mạnh và tươi, nấu canh cua rau tập tàng là ngon hết ý. Sự đa dạng mùi vị của các loại rau, vị ngọt từ cua đồng sẽ khiến bạn có tô canh rau ngon chiêu đãi cả gia đình.
Rau tập tàng nấu canh ngao là một món ngon, bổ dưỡng, có công dụng giải nhiệt...
Rau tập tàng sử dụng làm rau ăn quanh năm, nhưng ở miền Bắc, rau tập tàng ngon nhất phải là từ đầu tháng giêng đến giữa tháng hai âm lịch. Bởi vì trong suốt mùa đông khô hạn giá lạnh, tập tàng chút lá cằn cỗi hoặc chết.
Rau tập tàng luộc là cách chế biến đơn giản và nhanh nhất. Các loại rau ăn sống được đều có thể dùng để luộc cùng lúc với nhiều loại.
Ngoài các loại rau nêu trên, ở miền Nam có những loài cần thiết phải luộc mới ăn được như: rau mồng tơi, rau ngót, rau trai, đậu bắp, lá nhàu, đọt bầu, đọt bí, đọt dưa, móp gai…
Ngày nay do nguồn thực phẩm phong phú, ít ai ăn canh rau tập tàng như người xưa, bởi cũng một phần do tìm, mua gom nhiều loại rau, nhất là rau dại là một thử thách đối với nhiều bà nội trợ.
Nồi canh rau tập tàng ngày nay có nhiều người cho rằng, ăn ngon, thèm ăn hơn là ăn thịt cá, hải sản, thịt đặc sản. Trong nhiều năm gần đây món lẩu ăn với rau tập tàng trở thành phổ biến trong đám tiệc gia đình và trong quán nhậu, nhà hàng.
Rau tập tàng giờ đây được nhiều người ưa thích và được đưa vào các nhà hàng với tư cách là một món dân giã nhưng lại hiếm có khó tìm, dễ ăn, tạo vị rất riêng...
Rau nấu hoặc nhúng lẩu thường là các loại rau cao cấp như các loại nấm, hoa thiên lý, bông cải…đã trở nên nhàm chán. Mốt mới trở về thời thượng là dùng rau tập tàng để nhúng lẩu, do đó rau tập tàng trở nên có giá ở các quán nhậu, quán ăn, nhà hàng…
Theo các tài liệu dinh dưỡng, phân tích thành phần dinh dưỡng của các loại rau trong rau tập tàng thấy có chứa rất nhiều vitamin như A, C, E, canxi, chất xơ… Các vitamin này giúp cho cơ thể bài trừ được lượng mỡ thừa, hạn chế khả năng tích tụ mỡ, cân bằng trọng lượng cho cơ thể...