Mục Thời Anh người tỉnh Chiết Giang, sinh 1912 tại Thượng Hải trong một gia đình giàu có và lớn lên tại đây. Ông theo học ngành văn học phương Tây tại Đại học Quang Hoa rồi viết văn, làm báo. Do tham gia một phong trào chính trị ông bị ám sát năm 1940 khi mới 28 tuổi.
Chỉ sống một cuộc đời quá ư ngắn ngủi nhưng Mục Thời Anh đã để lại một tiểu thuyết và mấy tập truyện ngắn. Đáng nói hơn, ông đã nổi lên như một ngôi sao chổi quét qua bầu trời văn học Trung Hoa thời ấy. Sống ở Thượng Hải vào những năm 30 thế kỷ XX khi thành phố này đang bước vào quá trình tư bản hóa, con người bị cuốn vào nhịp sống của đô thị hiện đại, Mục Thời Anh đã lấy đó làm chủ đề và chất liệu cho trang viết của mình. Ông cùng các bạn hữu theo đuổi trường phái "Tân cảm giác" (shinkankaku-ha) du nhập từ Nhật Bản sang. Những đặc điểm của trường phái tân cảm giác bao gồm sự khước từ chủ nghĩa hiện thực của tiểu thuyết truyền thống, nhấn mạnh vào việc tạo ra thực tại tri thức dựa trên những mô thức của cảm giác (thính giác, thị giác, vị giác...) và đường hướng chủ quan ngõ hầu tri nhận được nhận thức, cảm giác và hoàn cảnh hiện đại. Nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunary (1899 – 1972, Nobel văn chương 1968) cũng nằm trong trường phái này.
ĐIỆU FOXTROT THƯỢNG HẢI
Tác giả: Mục Thời Anh (Trung Quốc)
Dịch giả: Cẩm Ninh, Tố Hinh
San Hô & Nhà xuất bản Thanh Niên, 2023
Số trang: 438 Ikhoor 14x20,5cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 288.000đ
Mục Thời Anh đã thể hiện môi trường cuộc sống Thượng Hải đương thời theo trường phái "Tân cảm giác" một cách sống động. Vì vậy, sau gần một thế kỷ đọc lại các truyện của ông vẫn khiến người đọc vui buồn cùng ông trong từng nhịp văn. Mặc dù đương thời văn ông đã bị một số nhà phê bình chỉ trích là xa rời cuộc sống của giới cần lao, tách khỏi những vấn đề lớn của xã hội. Đáp lại ông khẳng định "những người trong xã hội dưới ngòi bút của tôi đa phần đều do đích thân tôi mục sở thị". Hơn thế trong nhiều truyện hình bóng tác giả có thể thấy rõ ở nhân vật, nhất là những truyện mang tính tự truyện.
Mục Thời Anh là một công tử Thượng Hải. Điều kiện kinh tế gia đình đã cho phép chàng trai trẻ có dáng vẻ bảnh bao, thanh lịch lui tới những điểm ăn chơi nổi tiếng trong thành phố, ngay cả khi gia sản của ông bố (một chủ ngân hàng kiêm tay buôn vàng) bị đóng băng vì đầu cơ bất cẩn. Ông là khách quen của những vũ trường, hộp đêm. Ông theo đuổi phụ nữ và được phụ nữ theo đuổi. Trải nghiệm hư ảo với thành phố và phụ nữ ở Thượng Hải đã trở thành nguyên liệu cho những tác phẩm hay nhất của ông.
Tập truyện "Điệu Foxtrot Thượng Hải" gồm các truyện trong hai tác phẩm của Mục Thời Anh: quyển một -"Nghĩa trang" (1933), quyển hai - "Pho tượng nữ bạch kim" (1934). Đọc quyển một có thể thấy con người và cuộc sống của Mục Thời Anh, đọc quyển hai có thể biết hoàn cảnh gia đình, nhất là người bố của nhà văn.
Truyện "Điệu Foxtrot Thượng Hải" lấy làm tên sách là một truyện tiêu biểu của văn chương Mục Thời Anh. Tác giả mở đầu và kết thúc truyện bằng câu: "Thượng Hải, thiên đường xây trên địa ngục". Thiên đường của những kẻ "đốt tiền mua vội một ngày vui", địa ngục của người thợ chết ở công trường xây dựng, của bà mẹ chồng cho cô con dâu đi bán dâm để cứu hai mẹ con. Đọc truyện như xem những cảnh phim montage nối tiếp nhau, "câu chuyện theo chân vài nhân vật trên chuyến dạ hành tới các phòng khiêu vũ và khách sạn hạng sang bậc nhất thành phố, nhưng cũng đồng thời ngang qua những công trường nguy hiểm và những con hẻm tăm tối nhất" (Andrew David Field). Bài viết công phu của nhà nghiên cứu này được dịch in cuối sách cung cấp một toàn cảnh cuộc đời, thời đại và tác phẩm của Mục Thời Anh, giúp bạn đọc hiểu kỹ hiểu sâu hơn sự nghiệp sáng tác của nhà văn.
Đọc truyện Mục Thời Anh không thể không chú ý đến chủ đề phụ nữ. Đúng hơn là chủ đề cuộc sống ái tình của những cô gái trẻ trong một thành phố đang gấp gáp đuổi theo đời sống hiện đại như Thượng Hải. Họ khác với các kỹ nữ thời trước là những vũ nữ thời nay làm bạn nhảy, bạn tình chốc lát, thoáng qua của những chàng thanh niên con nhà giàu muốn giải trí qua đêm, có thể bị làm trò tiêu khiển, bị bóc lột thân xác, nhưng cũng có thể coi đàn ông như trò tiêu khiển. Mục Thời Anh đã viết hẳn một truyện mang tên như vậy: "Người đàn ông bị coi như trò tiêu khiển". Trong truyện này người đàn ông xưng "tôi" yêu một cô gái nhảy, Dung Tử, nhưng anh không sao bắt được cô chỉ là của riêng mình, rốt cuộc anh không biết anh là người đi săn cô hay là con mồi bị cô săn. Anh muốn có một tình yêu, muốn sở hữu cô gái, nhưng rốt cuộc anh không biết được gì nhiều về nội tâm của Dung Tử.
Nhưng truyện này còn có ý nghĩa cao hơn, đó là sự tương phản giữa thành thị và nông thôn qua hình ảnh người nam và người nữ. Như A.D.Field đã phân tích rất hay: "Đây là sự tương phản cơ bản mà Mục Thời Anh khắc họa trong truyện ngắn của mình. Tư tưởng sở hữu người nữ, săn lùng bí mật sâu kín nhất của cô ta có thể liên hệ tới cách mà quyền lực nam tính của sự công nghiệp hóa, đô thị hóa đang áp đặt chế độ thực dân lên vùng nông thôn màu mỡ. Theo đó, có thể nhìn nhận thành phố Thượng Hải như một thực thể nam tính thay vì nữ tính như nhiều người vẫn hình dung" (tr. 420).
Ẩn dụ chinh phục phụ nữ để nói sự xâm lược thực dân còn thấy ở truyện "Craven A". Nhân vật "tôi" theo đuổi cô gái quen hút loại thuốc ngoại này. Trong mắt anh ta cơ thể cô gái hiện ra như một tấm bản đồ quốc gia. Nhà văn để cho nhân vật nhìn ngắm cơ thể - bản đồ từ đầu đến chân, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Phía trên là phương Bắc có "hai ngọn núi nhỏ sinh đôi sừng sững đứng song song trên mặt đất, đỉnh núi màu tím mờ ảo lấp ló, như thể chỉ chực đâm vọt qua mây, hẳn phải được liệt vào hàng danh lam thắng cảnh. Nhưng mảng quốc phòng của quốc gia này lại yếu kém, trên mũi đất không có lấy một cứ điểm quan trọng, nếu tập kích từ đây, nội trong vòng một tiếng có thể chiếm lĩnh được cả đồng bằng phì nhiêu và vùng danh thắng" (tr. 97). Phía Nam là đồng bằng biến thành sườn dốc thoải dần xuống nhưng đến đây bản đồ hạ bộ bị cái bàn kê ngang ở giữa che khuất. Dưới bàn là hai bờ đê biển.
Nhân vật đàn ông không chịu dừng lại tấm cơ thể - bản đồ. Không nhìn thấy thì anh đành phải hình dung. "Giữa hai bờ đê, phỏng theo địa thế có thể đoán biết được một vùng đồng bằng phù sa hình tam giác, nơi gần biển nhất định là bến cảng quan trọng, thành phố ngoại thương trọng điểm. Bằng không, cớ sao lại tạc nên ụ đê tinh xảo đến vậy? Cảnh đêm nơi thành phố lớn thật đáng yêu biết bao – nghĩ mà xem, ráng chiều trên đê biển, tiếng sóng đánh rì rào, tàu thuyền lớn oai hùng rẽ nước cập cảng, bọt sóng phủ đầu, nhà cao tầng sừng sững đôi bờ!" (tr. 98) Cảnh cuối ám chỉ sự xâm nhập của người nam vào người nữ cũng là ẩn dụ cho sự xâm chiếm của ngoại bang vào Trung Quốc. Truyện của Mục Thời Anh với những lớp ẩn dụ như vậy rõ là không phải những truyện dễ dãi như ông từng bị lầm tưởng. "Sống trong môi trường nửa thực dân, theo học một trường có gốc ngoại quốc, Mục Thời Anh và các bạn cùng lớp bị đẩy vào một thế giới nhiễu nhương, đầy mâu thuẫn, khi họ phải vật lộn với căn tính xã hội, văn hoá của mình với tư cách thị dân Trung Hoa hiện đại. Sáng tác của ông là bức tranh đậm đặc về thế giới bên trong lẫn bên ngoài của nam nữ trẻ tuổi đang tìm cách làm chủ hoàn cảnh sống mới ở đô thị hiện đại, quốc tế hoá, đồng thời tự vấn về di sản văn hoá và các hệ thống giá trị mà mình được kế thừa" – đọc hết tập truyện "Điệu Foxtrot Thượng Hải" bạn có thể đồng ý với nhận định này của tiến sĩ A. D. Field.
Sáng tác của Mục Thời Anh trở lại văn đàn Trung Quốc vào thập niên 1980 sau một thời gian dài chìm khuất do cái chết quá sớm của ông và do đường lối văn học thống trị một thời. Ông trở lại và lại được vinh danh là "ngôi sao chổi trên văn đàn", người đã rải ánh lân tinh lên thế giới văn chương chữ nghĩa lấp lánh của Thượng Hải và thắp sáng cả thành phố bằng những con chữ neon. Bạn đọc Việt Nam nay mới được đọc truyện Mục Thời Anh qua tủ sách "Tân cảm giác Thượng Hải" do Công ty Sách và Truyền thông San Hô tổ chức bản thảo là một dịp được biết đến một nhà văn độc đáo, sống ít mà để lại nhiều. Các nhà văn Việt Nam viết về thành thị hiện nay cũng có thể tìm thấy ở đây những kinh nghiệm viết cho mình. Hai dịch giả tiếng Trung Cẩm Ninh và Tố Hinh đã đưa đến cho bạn đọc những bản dịch linh hoạt, sinh động, có thể coi là đã truyền đạt được văn phong và không khí văn chương của Mục Thời Anh.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội 10/6/2023