Với ý chí tự lực, tự cường, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Mậu (55 tuổi), ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu từ mô hình ươm tằm giống.
Đạt mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, mô hình này không những giúp gia đình ông có cuộc sống khá giả, mà còn giúp bà con nuôi tằm có nguồn giống ổn định, chất lượng đảm bảo.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc chọn trứng tằm giống và nuôi tằm con, từ nhiều năm nay, cơ sở bán tằm giống của gia đình ông Mậu tại thôn Phúc Hưng trở thành địa chỉ mua tằm uy tín, quen thuộc của bà con ở xã Tân Hà.
Ông Mậu kể, ông từng tham gia quân ngũ, góp phần bảo vệ biên giới phía Bắc, đến năm 1992 thì xuất ngũ về quê (xã Đại Từ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), xây dựng cuộc sống mới. Thời điểm mới về quê, cuộc sống khó khăn, ông cùng vợ quyết định vào Lâm Hà lập nghiệp. “Nơi đây đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi để trồng trọt, phát triển sản xuất”, ông Mậu nhớ lại.
Để có thu nhập, vợ chồng ông không ngại khổ, ngại khó, ngày đêm cố gắng làm việc, tích góp. Sau mấy năm, gia đình ông cũng mua được 3 ha đất để trồng trọt, sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình.
Thời gian này, ông Mậu tập trung chuyên canh cà phê; nhưng giá cả, đầu ra bấp bênh nên không mang lại thu nhập ổn định. Đến những năm 1999-2000, Lâm Hà xuất hiện phong trào trồng dâu, nuôi tằm, nhận thấy nhu cầu mua tằm giống của bà con, ông suy nghĩ tìm cách chuyển đổi sang mô hình nuôi tằm con.
“Đây có lẽ là cơ hội, bởi quê tôi vốn có truyền thống nghề này, nên bản thân cũng có ít nhiều kinh nghiệm, hơn nữa, nếu biết cách chăm sóc, thu nhập từ việc trồng dâu, nuôi tằm giống có thể cao gấp 3 lần so với trồng cà phê đơn thuần”, ông Mậu nói.
Ông Mậu (bìa phải), nông dân trồng dâu nuôi tằm giống ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng giải thích quy trình chăm sóc trứng tằm và tằm con.
Nghĩ vậy, ông dành một nửa diện tích đất của mình để trồng dâu và thường xuyên tham gia các lớp học chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các buổi tập huấn, hướng dẫn chọn lựa giống tằm, cây dâu chất lượng cũng như học hỏi từ các hộ triển khai thành công để có thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Song, việc chăm sóc tằm con không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức cũng như kỹ thuật. Người nuôi phải nắm rõ thời gian ngủ và thức của tằm để cho ăn. Lá dâu cho ăn cũng phải tươi và sạch, không có chất hóa học.
Ngoài ra, chuồng, trại nuôi tằm con phải luôn được vệ sinh sạch sẽ; đặc biệt, để đảm bảo nhiệt độ ổn định, phù hợp, thời tiết nóng phải bật quạt, độ ẩm cao thì phải hút ẩm. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, sản lượng và chất lượng tằm giống không ổn định do ảnh hưởng của thời tiết, nấm bệnh...
Tuy nhiên, nhờ kiên trì, công việc dần thuận lợi, mỗi tháng ông thu hoạch gần 200 hộp tằm con - không những đảm bảo nguồn tằm giống cho gia đình mà còn cung cấp cho các hộ gia đình có nhu cầu.
Ông Mậu cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình tập trung sản xuất, kinh doanh tằm con, đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, cải thiện kỹ thuật chăm sóc...
Nhờ đó, những năm qua, sản lượng tằm giống của gia đình cung cấp ra thị trường khá ổn định khoảng 3.000 hộp mỗi năm. Ngoài 3 ha dâu, ông còn đầu tư trồng thêm 10 ha cây ăn quả; qua đó, giúp gia đình có mức thu nhập ổn định hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho 10-12 lao động thời vụ.
Dù đã có cuộc sống gia đình khá giả, ông Mậu cũng không quên khó khăn, gian khổ của những ngày đầu lập nghiệp. Vì vậy, gia đình ông vẫn chăm chỉ làm ăn, tích cực tham gia Câu lạc bộ CCB sản xuất, kinh doanh giỏi huyện để trao đổi kinh nghiệm, tích cực chuyển đổi cây trồng và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Không quên khó khăn cũng là để đồng cảm với những khó khăn của đồng đội, của các hội viên CCB và bà con nông dân. Vì vậy, ông luôn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), cho biết, ông Nguyễn Xuân Mậu không chỉ là điển hình về tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông cũng là người CCB gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của Hội, tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các hội viên CCB phát triển sản xuất. Với mô hình ươm tằm giống này, ông không chỉ tạo dựng cuộc sống khá giả cho gia đình, nuôi dạy con cái học tập nên người mà còn góp phần cung cấp nguồn tằm giống ổn định, chất lượng cho bà con trong vùng yên tâm trồng dâu, nuôi tằm.