Sách Giáo khoa đang trở thành vấn đề "nóng" trong nghị trường, một trong số đó là bộ sách Cánh Diều khi phụ huynh tố giá bán cao hơn từ 6% tới 23% so với các bộ sách khác trên thị trường. Vài năm trước, dù là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên, nhưng bộ Cánh Diều cũng khiến dư luận phản ứng bởi vướng nhiều sai sót lớn. Thậm chí, những sai sót này được nhắc đến nhiều lần trong phiên họp Quốc hội.
Gần đây nhất, liên quan bộ sách Cánh Diều, Công ty cổ phần đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) bị tố lùm xùm thiếu nợ, chậm chi trả cho các nhà in, đối tác. Cụ thể, Hiệp hội In Việt Nam vào ngày 16/4 đã gửi đi công văn số 06/HHIVN-CV tới VEPIC, phản ánh một số nhà in đang thực hiện in sách Cánh Diều của VEPIC và bị VEPIC chậm thanh toán, quá hạn nhiều so với hợp đồng ký kết. Việc chậm thanh toán của VEPIC đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống con người cán bộ công nhân viên của các nhà in.
Theo công văn của Hiệp hội In Việt Nam, nhiều nhà in hiện rất khó khăn vì không có nguồn tiền để trả lương cho công nhân và thanh toán cho ngân hàng cũng như nhà cung cấp vật tư. Do đó, Hiệp hội In Việt Nam đề nghị VEPIC lưu ý và sắp xếp thanh toán khoản nợ đúng hạn.
Mặc dù các nhà in đang đối diện khó khăn do chủ của bộ sách Cánh Diều chậm thanh toán. Nhưng ở chiều ngược lại, dữ liệu cho thấy chính bộ Cánh Diều đã giúp VEPIC "vượt khó", kinh doanh có lãi và chia hàng chục tỷ đồng cổ tức cho các cổ đông.
Cụ thể, năm 2019, thời điểm trước khi bộ Cánh Diều được lựa chọn, doanh thu VEPIC chỉ là 4,1 tỷ đồng. Nhưng tới năm 2020, nhờ Cánh Diều, doanh thu VEPIC vọt lên 188 tỷ đồng, tương ứng đà tăng 184 tỷ đồng, tương ứng 45 lần so với năm 2019.
Thay vì thua lỗ 14,4 tỷ đồng trong năm 2019, VEPIC đã lãi 22,5 tỷ đồng trong năm 2020.
Đáng chú ý, dù trở thành tâm điểm của mạng xã hội trong năm 2020 với nhiều bình luận kém tích cực nhưng bộ sách Cánh Diều vẫn "đắt khách", trở thành bộ sách được lựa chọn nhiều nhất. Doanh thu và lợi nhuận công ty trong năm 2021 và 2022 tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, doanh thu năm 2021 và 2022 của VEPIC đạt 343 tỷ đồng và 616 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế tăng lên 29,6 tỷ đồng (năm 2021) và 46 tỷ đồng (năm 2022).
Kết quả, trong năm 2022, Chủ của bộ sách Cánh Diều đã hạch toán chia cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 15%/cổ phần) và tạm chia cổ năm 2022 căn cứ theo Nghị quyết số 01/NQ-ĐHCĐ ngày 30 tháng 01 năm 2021 của Đại Hội đồng Cổ đông, hơn 29 tỷ đồng.
Số dư khoản phải thu cho thấy, VEPIC đã thực hiện chi tạm ứng cổ tức cho cổ đông năm 2021, 2022 căn cứ theo Quyết định số 257/NQ-ĐHQT ngày 19 tháng 12 năm 2022, với số dư thời điểm cuối năm 2021 là hơn 23 tỷ đồng và cuối năm 2022 là gần 13 tỷ đồng.
Cùng với sự cải thiện đáng kể với doanh thu lợi nhuận, VEPIC cũng 'giàu' lên nhanh chóng khi tài sản tăng rất mạnh. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VEPIC đạt 672 tỷ đồng, tăng 230 tỷ đồng, tương đương 52% so với cuối năm 2021.
Còn so với cuối năm 2019, thời điểm trước khi bộ Cánh Diều nhận được nhiều sự lựa chọn từ các trường học, tài sản của VEPIC tăng 556 tỷ đồng, tương đương 479%.
Mặc dù tổng tài sản của VEPIC tăng mạnh chủ yếu đến từ hàng tồn kho, được tài trợ chủ yếu bằng vay nợ (vay nợ ngắn hạn bằng gần 60% tổng tài sản). Tuy nhiên, đáng chú ý, trữ tiền của VEPIC trong năm 2022 trở lại tăng mạnh với số dư gần 76 tỷ đồng, trong đó hơn 58 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng.
Được biết, VEPIC thành lập ngày 27/7/2016 tại Tầng 5 Tòa nhà hỗn hợp AZ Lâm Viên, 107 đường Nguyễn Phong Sắc, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Ban đầu, VEPIC có vốn điều lệ 34,56 tỷ đồng với 3 pháp nhân và 5 cá nhân là cổ đông sáng lập gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam góp hơn 34,72%; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (HNX: DAD) goop1 hơn 17,36%; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (HNX: EID) góp hơn 34,72%. Chưa đầy 5 tháng sau đó, ngày 18/11/2016, VEPIC thực hiện tăng vốn điều lệ lên thành 108,715 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, 6 cổ đông cá nhân nắm giữ gần 70% vốn điều lệ của VEPIC. Cụ thể, ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa nắm 17,76%; bà Đoàn Phùng Thúy Liên 17,1%; ông Phạm Thanh Nam 12,3%; ông Lê Thanh Sơn 11,96%; ông Nguyễn Việt Phương 5,52%; và ông Ngô Trần Nha Thy 4,12%. Các cổ đông khác nắm giữ 31,24%.
VEPIC có 1 công ty con là Công ty cổ phần Giáo dục Cánh Diều thành lập ngày 25/9/2020. Ở thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 12 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: VEPIC (sở hữu 51% vốn), bà Trần Thị Như Hà (sở hữu 9,8% vốn), ông Đinh Khắc Cao (sở hữu 9,8% vốn), Lê Anh (sở hữu 7,35% vốn), Lê Thị Hiền (sở hữu 7,35% vốn), Ngạc Minh Tiệp (sở hữu 7,35% vốn) và Nguyễn Kiểm (sở hữu 7,35% vốn).
Sau nhiều lần điều chỉnh, tới ngày 18/8/2022, vốn điều lệ Giáo dục Cánh Diều tăng lên 50 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của VEPIC tại công ty này vẫn giữ nguyên 51%.
Sau khi Cánh Diều trở thành bộ sách xã hội hóa đầu tiên, tình hình kinh doanh tại VEPIC khởi sắc. Khi bộ Cánh Diều bị tố đắt đỏ, ông Ngô Trần Ái đã đăng đàn giải thích. Một trong lý do ông Ái đưa ra chính là bộ sách có khổ to hơn và chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, VEPIC có biên lợi nhuận gộp cao hơn hẳn so với đối thủ. Nghĩa là mức chênh lệch giữa doanh thu và giá thành bộ Cánh Diều rất cao.
Cụ thể, trong năm 2022, 616 tỷ đồng và giá vốn hàng bán 392 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của VEPIC lên tới 36,4%. Nghĩa là 100 đồng doanh thu mang về cho VEPIC tới 36,4 đồng lợi nhuận gộp.
Tại một số công ty giáo dục khác, con số này thấp hơn rất nhiều. Ví dụ, biên lợi nhuận gộp năm 2022 tại Công ty Cổ phần Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục (ECI), Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Miền Bắc (NBE), Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Miền Nam (SMN) là 25,5%, 13,8%, 15%.
Dấu hỏi về việc mạnh tay chi cổ tức nhưng vay của các lãnh đạo gần 78 tỷ
Tổng tài sản của VEPIC tăng mạnh chủ yếu đến từ hàng tồn kho, được tài trợ chủ yếu bằng vay nợ (vay nợ ngắn hạn bằng gần 60% tổng tài sản, và tăng khá so với tốc độ tăng tài sản). Tuy nhiên, đáng chú ý, trữ tiền của VEPIC trong năm 2022 trở lại tăng mạnh với số dư gần 76 tỷ đồng, trong đó hơn 58 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng. Điều này đặt ra vì lý do gì VEPIC chậm thanh toán tiền in cho các đối tác, đẩy các đối tác vào trình cảnh khó khăn?
Báo cáo cho thấy, thời điểm cuối năm 2022, khoản phải trả người bán ngắn hạn 109 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải trả lớn nhất của VEPIC là tại Công ty cổ phần Trường Phú với 50,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động của Trường Phú lại không thuộc ngành in mà là "Sản xuất dây, cáp điện và điện tử khác". Phải trả CTCP Công nghệ và Truyền thông Kitech có khoản nợ trị giá 9,4 tỷ đồng tại VEPIC. Công ty này có cùng địa chỉ với VEPIC. Bên cạnh đó VEPIC lại ghi nhận phải trả ngắn hạn đối tượng khác 30,7 tỷ đồng nợ, tăng so với 14 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn Nhuận bút tác giả gần 18 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, VEPIC có gần 382 tỷ đồng vay nợ các tổ chức tài chính, ngân hàng, tăng 105% so với hồi đầu năm 2022. Điều này cho thấy, trong năm 2022, VEPIC đã đẩy mạnh vay vốn của các ngân hàng và các cá nhân.
Dữ liệu cho thấy, VEPIC đã vay tín chấp bổ sung vốn lưu động gần 78 tỷ đồng từ 4 cá nhân các lãnh đạo gồm: Phó chủ tịch Đỗ Quốc Anh, Tổng giám đốc Vũ Bá Khánh, 2 phó tổng giám đốc Phạm Thanh Nam và Nguyễn Văn Tư.
Tăng vay vốn ngân hàng, vay cả cá nhân các lãnh đạo gần 80 tỷ đồng, nợ tiền nhà in, tiền nhuận bút, nhưng VEPIC lại mạnh tay chia cổ tức hàng chục tỷ đồng và có đến gần 60 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn cho thấy những bất thường tại khó lý giải thỏa đáng.
Cần phải nhấn mạnh, thù lao cho tác giả là một trong những nguyên nhân chính mà VEPIC đưa ra lý giải cho sự đắt đỏ của bộ sách Cánh Diều. Thế nhưng, công ty lại liên tục nợ nhuận bút. Hồi cuối năm 2022, VEPIC có gần 18 tỷ đồng các khoản phải trả nằm ở Nhuận bút tác giả, tăng mạnh so với 8,1 tỷ đồng hồi đầu năm.