Hôm nay, Dân Việt hướng dẫn bạn cách làm cơm rượu nếp để chuẩn bị cúng Tết Đoan Ngọ nhé.
Theo lịch trăng của nhiều nước phương Đông rất coi trọng Tết mùng 5 (Tết Đoan Ngọ - ngày giết sâu bọ). Mùng 5 tháng 5 Âm lịch là thời điểm mà mọi sinh vật hội tụ hỏa khí lên tới đỉnh điểm. Tết đón chào mùa hạ - quãng thời gian sinh vật phát triển mạnh mẽ nhất trong năm. Xuân sinh - Hạ trưởng - Thu liễm - Đông tàn.
Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 Âm lịch là một Tết quan trọng để con người Việt bày tỏ lòng hiếu kính trời đất và tổ tiên, nền văn minh lúa nước và sau đó là sum họp gia đình.
Thời điểm này, sâu bọ gây hại sinh sôi mạnh mẽ, tàn phá mùa màng cũng như phá hoại sức khỏe con người dữ dội. Vì thế, xa xưa con người nghĩa ra cách làm cơm rượu nếp từ sự kết hợp của vị chua, nồng từ men. Men rượu khiến lũ sâu bọ lăn quay ra không thể nào phá phách trong ngày này được nữa.
"Cơm rượu nếp" là linh hồn trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ - không thể thiếu rượu nếp vào Tết Đoan Ngọ, như thể không thể thiếu bánh chưng vào Tết Nguyên Đán hay bánh nướng bánh dẻo vào Tết Trung Thu vậy.
Mâm lễ của Tết mùng Năm mang đậm phong vị mùa Hạ: Bát cơm rượu, những món ngon từ trái cây thiên nhiên chín thơm của mùa hạ như vải, mận, đào, sung, dưa hấu…bánh gio mật mía của lửa rơm nếp, bánh khảo, kẹo lạc, chè lam ngọt...
Thêm những bông sen hồng thơm ngát, những miếng trầu tiêm cánh phượng khiến cho mâm lễ trang trọng, tinh tế và tràn ngập hương vị của mùa Hạ.
Ăn rượu nếp – trái vải, trái mận – bánh gio mật mía – vịt đánh tiết canh + chai rượu nếp: những điều này nên một cái nét rất riêng của Tết mùng Năm của người Việt.
Cách làm cơm rượu nếp theo truyền thống Bắc Bộ vào tiết trời mùa hạ ủ khá nhanh. Sau 2 ngày là rượu chín. Bát cơm rượu nếp này có vị ngọt của đường, có vị nồng của men rượu. Dân Việt giới thiệu cách làm cơm rượu nếp trong mâm cỗ cúng ngày tết Đoan Ngọ như sau:
- 1 kg gạo nếp cẩm/nếp vàng
- 4 viên men ngọt có lớp trấu
- Đường hoa mai
- Lá sen / Lá chuối
- Nấu chín nếp cẩm và trộn men
- Nếp cẩm vo sạch, ngâm qua đêm 6-8h.
- Cho nếp vào nồi cơm điện nấu chín, mức nước cao hơn gạo 1 đốt ngón tay.
- Khi nếp chín, tãi ra mâm, cho cơm nguội bớt (để cơm còn âm ấm)
- Cạo lớp vỏ trấu ở men. Giã hoặc nghiền men nhuyễn. Lọc qua rây cho men được mịn.
- Trải lá sen/ lá chuối đã lau sạch ( nếu chưa quen có thể lớp thêm 1 lớp ni lông bên dưới) rải 1 lớp cơm, rắc đều men, 1 lớp cơm + 1 lớp men cho đến hết. (hoặc dàn cơm mỏng trên mâm, rắc lớp men rồi trộn đều) Lưu ý: cơm còn âm ấm thì mới thúc đẩy nhanh quá trình lên men.
- Bọc gói kín lại (hoặc cho vào bình thủy tinh) ủ vào thùng xốp kín trong 50h. Nhiệt độ ủ phải nóng ấm là 30-38 độ C để men hoạt động tốt.
- Sau 48 – 50 giờ mở ra kiểm tra thấy cơm rượu đã dậy mùi thơm đạt. (Không ủ quá sẽ bị cay)
- Đun nước đường 50gr đường hoa mai + 100 ml nước, để nguội. Dưới vào cơm rượu trộn đều. Xong chắt bớt nước ra chai.
- Bảo quản ngăn mát nếu không dùng hết. Tránh bị cay nồng của rượu lên men
*Món ăn và hình ảnh do Fb Thu Huong Vu thực hiện.