Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Kiếp người kiếp văn

Phạm Xuân Nguyên 14/06/2023 15:19 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc tập truyện ngắn "Kiếp người" của nhà văn Ngọc Giao.
Đọc sách cùng bạn: Kiếp người kiếp văn - Ảnh 1.

Tập truyện ngắn "Kiếp người" của nhà văn Ngọc Giao. (Ảnh: ST)

Nhà văn Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Huy Giao sinh năm 1911 tại Huế nhưng chính quê ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Năm 7 tuổi, ông theo gia đình ra Bắc học ở tỉnh Quảng Yên (nay là Quảng Ninh) rồi chuyển lên Hà Nội. Sau khi đỗ bằng Thành chung (1928) ông bước vào con đường làm báo và viết văn. Ông làm cho báo "Tiểu thuyết thứ Bảy" của nhà xuất bản Tân Dân (do nhà viết kịch Vũ Đình Long sáng lập) từ đăng sáng tác đến làm Thư ký Tòa soạn trong 12 năm (1934 – 1946). Tập truyện đầu tay của ông "Một đêm vui" (1937) là in tại đây. Thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) ông đi tản cư một thời gian rồi lại về Hà Nội và vẫn viết văn làm báo. Sau 1954 ông hầu như ngừng viết và bị khuất bóng một thời gian dài. Đến thời đổi mới các sáng tác trước đây của ông lần lượt được in lại. Ông có viết thêm một số hồi ký chân dung về các văn hữu đồng nghiệp một thời tập hợp lại in trong cuốn "Đốt lò hương cũ" (1992). Nhà văn Ngọc Giao mất năm 1997.

KIẾP NGƯỜI

Tác giả: Ngọc Giao

Nhà xuất bản Trẻ, 2023

Số trang: 810 (khổ 13x20cm)

Số lượng: 1500

Giá bán: 285.000đ

Tập truyện ngắn "Kiếp người" in theo bản thảo do nhà văn sắp xếp, bố cục từ năm 1995. Trong lời "Tự sự" đầu sách ông viết: "Đêm dài, khó ngủ. Ngồi lần giở trước đèn những bản sao lục từ vô vàn truyện và ký của ta đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy", "Truyền bá", "Phổ thông bán nguyệt san" – những tờ báo văn chương đã gắn bó với ta suốt một thời tự những ngày xa xưa. Ôi, "Tiểu thuyết thứ Bảy" – tờ báo văn chương đã gắn bó với ta suốt một thời trẻ. Các nhân vật trong truyện ồn ã bước ra, cười nói, khóc than, sướng vui, đau khổ với biết bao kiểu người, phận người, kiếp người cùng đủ nỗi vất vả gian truân làm nên một tấn trò đời (Human Comedy) cười ra nước mắt trong xã hội thuộc địa nước nhà nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt là Hà Nội, nơi ta đã sống nhiều và viết nhiều. Thành phố thuộc địa này chứa đựng cả một thế giới đầy mâu thuẫn với những tình cảm trái ngược nhau: cam chịu, giận hờn, chờ đợi, thù hận và phản kháng. Vội cầm bút ghi ngay hai chữ vừa loé lên. Một mai, nếu cuốn sách đang hoài thai này được in, ta đặt cho nó cái tên "Kiếp người". Nó khác nào bản tổng kết chính cuộc đời và nghiệp văn bút của ta."

Như vậy chúng ta đọc tập truyện ngắn "Kiếp người" là đọc bản tổng kết một đời đã sống và đã viết của nhà văn. Nhà văn chọn đề từ chung cho cả tập là thơ Nguyễn Công Trứ: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Tập truyện chia ra nhiều phần, trong mỗi phần lại có thơ đề từ. Phần "Tuổi thơ" (đề từ là thơ tác giả viết năm 1991: "Tuổi thơ nào biết vui mái ấm/ Gác trọ, cơm người, cháo với rau/ Nay trọn tám mươi ôn cố sự/ Hỏi trời không nói, hỏi ở đâu?") kể về hoàn cảnh gia đình tác giả: người mẹ con gái xứ Huế làm dâu đất Bắc bệnh tật mất sớm, người chú ruột tội nghiệp lỡ bắn chết đứa con trai khi đi săn, khu vườn nhà tàn tạ theo năm tháng.

Phần "Những người khốn khổ" (đề từ là thơ Nguyễn Gia Thiều: "Ngẫm thân phù thế mà đau/ Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê") kể những cảnh đời phận người nông dân ở làng quê.

Phần "Văn sĩ" (đề từ là thơ Nguyễn Du: "Thấy nghiệp Văn sao khổ/ Muốn hỏi Trời, hỏi đâu") kể chuyện các văn nhân thời thuộc Pháp dốc hết sức lực tâm hồn viết văn cho đời nhưng kiếm không đủ sống phải sống lay lắt, nghèo khổ.

Phần "Kiếp cầm ca" (đề từ là thơ Tchya: "Nửa giấc yên hoa cười mộng cũ/ Hai hàng si lệ khóc tình xưa")  kể chuyện các ca nương, con hát trôi nổi theo dòng đời thành thị ở các ca lâu tửu quán, đem tiếng ca giọng đàn và có khi cả thân xác mua vui cho những kẻ quyền thế giàu có.

Phần " Khí phách" (đề từ là thơ Hoàng Cầm: "Cánh buồm căng gió đại dương/ Khuấy lên nắng sớm lưỡi gươm anh hùng") kể về những con người tiết liệt, trung nghĩa.

Phần "Những kẻ chán chường" (đề từ là thơ Nguyễn Khuyến nhưng không đề tên: "Ai chẳng biết chán đời là phải/ Vội vàng chi đã mải lên tiên") kể những nỗi buồn nhân thế.

Đọc hết tập truyện ta như xem một phòng triển lãm con người mà nhà văn Ngọc Giao chính là người họa sĩ đã dùng chữ vẽ nên các hình dáng, màu sắc, đường nét của rất nhiều những con người bình thường, giản dị, chất phác, nhưng kiếp sống thì cần lao, đau khổ. Ta sẽ rất kinh ngạc khi thấy nhà văn ngay từ khi bước chân vào văn chương đã dồn mắt nhìn về phía những con người lao khổ, thấp cổ bé họng, đặc biệt là những người dân quê, dành cho họ những trang viết đầy lòng thương cảm, xót xa. Ông viết nhiều, viết liên tục về họ. Ông nhìn họ bao dung, đồng cảm. Lời văn của ông khi viết tả về họ kỹ càng, tinh tế, nhiều trân trọng, yêu thương. Số lượng các truyện ông viết về những con người nhỏ bé đó nay in thành một tập truyện hơn tám trăm trang đủ đã cho thấy tư cách nhà văn đáng trọng của ông. Xin nhắc bạn đọc là nhà văn Ngọc Giao còn có một thiên phóng sự 3 phần 17 chương kể về các cô gái nhà thổ giai đoạn 1949 – 1957 mang tên "Xóm Rá" cũng mới được in gần đây.

Đọc truyện Ngọc Giao trong "Kiếp người" ta thấy toả ra một nỗi buồn ngậm ngùi, chua xót cho những thân phận thấp bé,  một nỗi phẫn uất, căm giận cái xã hội đã dồn đẩy con người vào chốn tối tăm, bần cùng. Văn của ông cứ lặng thầm, trĩu nặng. Nếu ai chưa đọc các sáng tác của Ngọc Giao, đọc tập truyện này sẽ ngạc nhiên một nhà văn cùng thời với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Nguyễn Bính… mà lâu nay ít biết. Những nhà văn bạn hữu đồng nghiệp đó đã được Ngọc Giao lúc cuối đời nhớ lại với biết bao cảm tình sâu nặng, kỷ niệm khóc cười. Bạn đọc phần "Văn sĩ" sẽ thấy.

Tôi nhớ lại hồi đầu thập niên 1990 một cơ duyên đã cho tôi được gặp và làm việc với nhà văn Ngọc Giao. Ông hồi đó đã ở tuổi tám mươi, tôi thì còn trẻ, mới bước vào con đường nghiên cứu văn học. Khi các sáng tác của mình được in lại thời đổi mới, ông rất vui, phấn chấn. Mạch văn trở lại với ông và ông muốn viết những hồi ức kỷ niệm về các bạn văn một thời. Tôi gặp ông trong dịp đó khi ông đến Viện Văn học liên hệ việc này. Những bài hồi ký đó của nhà văn Ngọc Giao lần lượt được đăng trên "Tạp chí Văn học". Sau đó tôi kết nối cho ông với Nhà xuất bản Phú Khánh để tập hợp chúng lại in thành sách "Đốt lò hương cũ".

Cuốn đó ông lấy đề từ là câu thơ của Lý Thương Ẩn đời Đường "Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu". Ý câu thơ cũng là tâm sự lúc cuối đời của nhà văn: mùa sen tàn rồi nhưng còn cố nấn ná chờ nghe tiếng mưa thu rơi xuống rồi mới tàn hẳn. Sách ra ông vui lắm. Tôi không quên những sớm mai, những chiều tà, nhà văn tám mươi tuổi đạp xe từ nhà đến Viện Văn, vào căn phòng cỏn con bên hông Viện nơi tôi ở kể tôi nghe những chuyện văn chuyện đời của ông như những tâm sự ký thác của một người cầm bút đã sống, đã trải vinh nhục, đắng cay gần một thế kỷ. Hôm nay tôi đọc "Kiếp người" ngậm ngùi cho những phận người mà nhà văn viết về, và cả ngậm ngùi cho phận văn của ông. Nhà xuất bản Trẻ đã in một cuốn sách đáng quý, đáng trân trọng cho nhà văn và cho độc giả. Một tập truyện ngắn, một tác phẩm văn chương đáng đọc!

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 14/6/2023