Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã, gia đình ông Mai Đức Kiên (xóm Lâm Trụ, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy) đã tự nguyện đóng góp ngày công, công sức để phá bỏ tường bao dài gần 100m của gia đình.
Ông Kiên bảo, gia đình ông sẵn sàng hiến khoảng 150m2 đất thổ cư, trị giá hàng trăm triệu đồng để địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước chạy qua cổng nhà, mở rộng đường, tạo thuận lợi cho giao thông phát triển.
"Con đường liên xóm chạy qua nhà tôi trước đây chỉ rộng khoảng 3m, xe cộ đi lại gặp nhiều khó khăn; giờ được mở rộng ra tới 7m, rất thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại", ông Mai Đức Kiên tâm sự.
Góp sức cùng thôn, xóm, gia đình ông Phạm Thanh Lộc (xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy) cùng nhiều hộ gia đình khác trong xóm cũng đã ủng hộ nguyên vật liệu xây dựng, tiền bạc để cùng cơ sở xây dựng NTM; tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.
Trưởng xóm Lâm Hồ, ông Ngụy Văn Đông cho hay, trước đây trục đường chính vào xóm dài gần 1km chủ yếu là mặt nền đất; trời mưa thì lụt lội, bẩn thỉu, trời nắng thì bụi bay mù mịt; không có điện đường nên bà con nhân dân đi lại rất vất vả…
Sau khi có chủ trương xây dựng NTM, cán bộ cơ sở đã đứng lên kêu gọi bà con nhân dân trong xóm hiến đất mở rộng đường, đóng góp ngày công, tiền bạc để tu sửa, nấng cấp và làm đẹp con đường liên xóm.
"Từ chỗ mặt đường chỉ rộng 2m, đến nay đã được mở rộng tới 5m, xe cộ đi lại thoải mái. Mặt đường được đổ bê tông chắc chắn, dọc tuyến đường bà con trồng hàng cau cảnh trông rất đẹp mắt, điện đường chiếu sáng cả 1 góc trời, còn gì vui hơn nữa", ông Đông nói trong sự sung sướng.
Nhớ lại thời điểm xã Giao Phong được công nhận là xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, ông Đông không giấu nổi niềm vui. Ông bảo, có được kết quả này là sự đồng lòng, chung sức của bà con nhân dân xóm Lâm Hồ nói riêng, cả xã nói chung.
Mỗi cá nhân là 1 viên gạch, khi các viên gạch được ghép lại với nhau sẽ tạo thành ngôi nhà vững chắc. Điều đó thể hiện sự đoàn kết; sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân cấp cơ sở.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) cho hay, hội viên nông dân nói riêng và người dân trên địa bàn xã nói chung đã hiến đất trên tinh thần tự nguyện; tự bỏ công sức, thời gian phá tường bao, công trình phụ…, và cũng tự bỏ kinh phí để xây dựng lại tường bao của gia đình.
"Người dân rất hài lòng với chủ trương xây dựng NTM của địa phương, nhờ vậy, phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn xã đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng", ông Sơn nhấn mạnh.
Nông dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới
Ông Trần Hà Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giao Thủy cho biết, nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của nông dân trong xây dựng NTM.
Nhờ đó, cán bộ, hội viên, nông dân, đã phát huy dân chủ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đóng góp tiền, ngày công, tham gia vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường "Xanh - sạch - đẹp" để xây dựng NTM.
Qua thống kê, 5 năm qua, hội viên nông dân huyện Giao Thủy đã hiến 320m2 đất nông nghiệp, đất ở để xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng và làm đường giao thông nông thôn; đóng góp hơn 400 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương.
Các tuyến đường trục xã, thôn xóm được đầu tư xây dựng đồng bộ; đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 1.400km đường giao thông nông thôn; dồn điền đổi thửa bình quân từ 2,25 thửa/hộ xuống còn 1,54 thửa/hộ, giảm 0,71 thửa so với trước dồn điền đổi thửa.
Song song với phong trào hiến đất làm đường giao thông, Hội Nông dân huyện cũng chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn đăng ký một việc làm cụ thể trong xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, chú trọng tiêu chí bảo vệ môi trường nông thôn. Đến nay đã có 22/22 cơ sở Hội, 195/195 chi Hội có mô hình, việc làm cụ thể.
Tiêu biểu như các mô hình xây bể chứa bao bì thuốc BVTV trên các xứ đồng và ra quân thu gom bao bì thuốc BVTV, chất thải rắn về nơi quy định theo định kỳ; nhận tuyến đường tự quản có gắn biển; thành lập tổ thu gom và xử lý rác thải; vận động đóng góp hàng tỷ đồng lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở các trục đường giao thông nông thôn và trục đường khu dân cư…
"Những kết quả trên, các cấp Hội đã góp phần quan trọng cùng với hệ thống chính trị tiếp tục phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu xây dựng NTN nâng cao, kiểu mẫu", ông Trần Hà Bắc nhấn mạnh.
Theo ông Bắc, phong trào xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong nông thôn. Từ những việc làm trên, các cấp Hội Nông dân đã góp phần tích cực vào việc huyện Giao Thủy sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đồng thời góp phần tích cực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Đến nay, toàn huyện Giao Thủy có 17/22 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã được công nhận đạt NTM kiểu mẫu; xã Giao Phong được Bộ NNPTNT lựa chọn thí điểm là 1 trong 3 xã của cả nước xây dựng xã NTM thông minh.