Tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học, Đại học Nông - Lâm TP.HCM, Nguyễn Thị Tường Thảo có thời gian làm việc trong một phòng thí nghiệm ở TP.HCM. Nhưng sinh ra trong một gia đình làm nông ở Đà Lạt, từ nhỏ Thảo đã được tiếp xúc với công việc trồng trọt, đồng áng và có niềm đam mê với rau, củ, quả, chứng kiến cảnh người nông dân ở quê nhiều lần phải đổ bỏ nông sản vì "được mùa mất giá", Thảo nghĩ tại sao mình không tìm cách nâng giá trị rau củ ở Đà Lạt. "Tôi quyết định nghỉ việc về nhà làm rau", cô gái 28 tuổi nói về quyết định của mình.
Sau khi tốt nghiệp văn bằng hai, ngành kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, Thảo xin vào làm nhân viên đóng rau tại Hợp tác xã (HTX) Vườn Nhà Đà Lạt. Sau vài ngày trải nghiệm, cô nhận thấy mô hình vận hành ở HTX còn lạc hậu, khó có thể mở rộng thêm trong khi thời đại 4.0, các trang mạng xã hội đang rất phát triển.
Các sản phẩm ở HTX rất phong phú nhưng ít người biết đến do cơ sở chỉ chú trọng vào việc bán sỉ. Thấy trang web, Fanpage còn sơ sài, cô đã đề xuất bán lẻ trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok.
Theo thống kê, chỉ tính riêng trên sàn điện tử Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp, HTX Việt Nam tham gia bán hàng, trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản. Bình quân mỗi HTX sau khi đưa nông sản lên sàn sẽ có cơ hội tiếp cận với 15-50 khách hàng tiềm năng/ngày.
Nghĩ là làm, Thảo bắt đầu với việc lên ý tưởng, đặt tên kênh. Cái tên "Món Lạ Vườn Nhà" được cô lựa chọn, vì vừa thể hiện sự độc lạ trong sản phẩm, vừa thân thiện với mọi người. Clip đầu tiên up lên mạng xã hội, Thảo bất ngờ vì được mọi người quan tâm và hỏi mua nhiều.
Chưa đầy 2 tháng, cô gái đã có video trên 4 triệu lượt xem. Lần đầu tiên mở tính năng livetream bán hàng, chỉ sau 15 phút, Thảo chốt được gần 1.000 đơn hàng. Chưa hết, video giới thiệu bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem như "trở thành 1 hiện tượng mạng". Có ngày cô nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này. Sau hơn 4 tháng phát triển hình thức bán hàng qua video trên mạng xã hội doanh thu Thảo mang về cho HTX Vườn Nhà Đà Lạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Trong các sản phẩm được Thảo giới thiệu trên mạng, ớt trái cây Sweet Palermo, xuất xứ từ châu Âu, thu hút lượng mua lớn. Loại ớt này giòn ngọt, có lượng vitamin, dinh dưỡng cao. Ớt ăn như trái cây, không hăng hay cay. Ngoài ớt, sản phẩm bán chạy khác là bí sợi mì có nguồn gốc Nhật Bản.
"Bí sợi mì là món ăn thường nhật tại Nhật. Khi tôi giới thiệu sản phẩm này, không ai nghĩ bí có thể trồng ở Đà Lạt" - Thảo cho hay. Thời gian tới, Thảo dự định mở rộng mô hình livestream, hợp tác với các bạn sáng tạo nội dung khác để tăng lượng tương tác và tiếp cận đến sản phẩm.
Hai năm gần đây, có những ngày cao điểm, chỉ trong một buổi livestream bán hàng chưa đầy 2 tiếng tại vườn, ông Nông Văn Giang, thành viên một HTX trồng quýt ở Bắc Kạn "chốt" được gần 300 đơn hàng, với sự hướng dẫn của nhân viên sàn thương mại điện tử. Theo ông Giang, trong gần 30 năm trồng và tiêu thụ quýt, chưa khi nào bán được số lượng đơn hàng lớn trong một thời gian ngắn như vậy.
Tập huấn cho nông dân bán hàng hiệu quả
Bán hàng online đang trở thành xu hướng được nhiều HTX trên cả nước thúc đẩy trong những năm qua, đặc biệt là sau dịch Covid-19. Theo thống kê, chỉ tính riêng trên sàn điện tử Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp, HTX Việt Nam tham gia bán hàng, trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản. Bình quân mỗi HTX sau khi đưa nông sản lên sàn sẽ có cơ hội tiếp cận với 15-50 khách hàng tiềm năng/ngày.
Đơn cử như tại Sơn La, hiện nay, rất nhiều HTX, đơn vị, hộ kinh doanh trên địa bàn đã được cơ quan chức năng hướng dẫn và dần làm quen với kênh bán hàng mang tính thức thời này. Tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh đã có trên 113.500 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, trên 138.700 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; gần 2.500 sản phẩm nông sản của Sơn La đã được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Năm 2022, đã có 60 sản phẩm OCOP, hơn 1.500 sản phẩm nông sản Sơn La được đưa lên sàn Postmart. Đội ngũ nhân viên của Postmart đã hướng dẫn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng cho gần 35.000 lượt người.
Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể. Đáng chú ý, có 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến như: website riêng để giới thiệu sản phẩm (38,9%); bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… (20,8%); quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang quảng cáo (50,5%); bán hàng theo hình thức trực tuyến livestream trên các nền tảng số như Facebook, Tiktok… (28,3%).
Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, tháng 3/2023, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2023 – 2028 với mục tiêu phối hợp khảo sát, xây dựng giải pháp tổng thể về số hóa và chuyển đổi số các hoạt động công tác chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư Hội và Hội Nông dân các cấp; phối hợp triển khai giải pháp chuyển đổi số cho T.Ư Hội Nông dân Việt Nam. Trong năm 2022, đã có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 5,8 triệu hộ được đào tạo kỹ thuật số.