Dân Việt

TP.HCM không có cơ sở pháp lý đề nghị bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ

Vũ Quyền 17/06/2023 16:17 GMT+7
Theo Sở Công Thương TP.HCM, thành phố không có cơ sở pháp lý để đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sau khi được giao hướng dẫn liên danh nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu đầu tư trình UBND thành phố, đơn vị đã có các công văn gửi đến các cơ quan liên quan để lấy ý kiến.

Sau khi nhận được đầy đủ các văn bản góp ý từ các cơ quan liên quan, Sở Công Thương TP.HCM đã đưa ra ý kiến, đề xuất gửi UBND thành phố.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ hiện chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Đồng thời, dự án cũng chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Do đó, để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án, cần thiết phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương cập nhật dự án vào danh mục nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo đúng quy định.

TP.HCM không có cơ sở pháp lý đề nghị bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ 6.000MW có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Ảnh: Mạnh Linh.

Tuy nhiên, Thông tư số 01/2023/TT-BCT ban hành ngày 19/1/2023 của Bộ Công Thương đã bãi bỏ quy định về bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Vì vậy, hiện nay, không có cơ sở pháp lý để đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào quy hoạch phát triển điện lực.

Đặc biệt, trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vấn đề khảo sát điện gió ngoài khơi và đề xuất giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển…

Theo công văn từ Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, khu vực ranh giới nghiên cứu (bao gồm khu A và khu B) của dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ không nằm trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang.

TP.HCM không có cơ sở pháp lý đề nghị bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ - Ảnh 2.

Địa điểm đầu tư tại khu vực ngoài khơi thuộc Nam biển Đông (thuộc vùng biển Cần Giờ, TP.HCM). Ảnh: Trang thông tin điện tử Đảng bộ TP.HCM.

Do đó, thành phố không có cơ sở pháp lý để đề nghị Bộ Công Thương bổ sung Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị UBND thành phố có văn bản đề nghị liên doanh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khi Châu Á - Tập đoàn Tokyo Gas - Tập đoàn Shizen Energy liên hệ Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hưởng dẫn các thủ tục.

Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM được giao hướng dẫn liên danh nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu đầu tư trình UBND thành phố để trình Bộ Công Thương, cập nhật dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII).

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ có nhà đầu tư là liên doanh các nhà đầu tư Công ty CP Năng lượng Dầu khí Châu Á - Tập đoàn Tokyo Gas - Tập đoàn Shizen Energy.

Địa điểm đầu tư tại khu vực ngoài khơi thuộc Nam biển Đông (thuộc vùng biển Cần Giờ, TP.HCM), tổng diện tích khảo sát khoảng hơn 325.000 ha. Khu đất liền nằm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, thuộc xã Hiệp Phước, Nhà Bè, với diện tích khoảng 8 ha.

Dự án có quy mô tổng công suất lắp đặt 6.000MW. Dự kiến số lượng điện phát lên lưới, giai đoạn 2031 - 2035 là hơn 12,3 triệu MWh/năm, giai đoạn 2036 - 2040 là hơn 24,5 triệu MWh/năm.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 300.000 tỷ đồng. Tổng diện tích chiếm đất có thời hạn của dự án dự kiến khoảng 607,97 ha (giai đoạn 2031 - 2035) và 550,97 ha (giai đoạn 2036 - 2040).